Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)

Người không ngừng chăm lo nâng cao dân trí

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo nâng cao trình độ văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật của nhân dân và cho nhân dân. Người tìm mọi cách phát huy nguồn lực trí tuệ để đưa cách mạng tiến lên. Chúng ta học ở Người tấm gương và kinh nghiệm nâng cao dân trí năm xưa để khơi nguồn tri thức, phát triển đất nước hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên. Nguồn: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên. Nguồn: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

1. Đầu thế kỷ XX, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây tràn vào các nước phương Đông đã tạo nên một làn sóng mới, làm nên phong trào “Phương Đông thức tỉnh” sôi nổi - theo cách nói của V. I. Lênin. Ở Việt Nam đã diễn ra phong trào Đông Du (1905 - 1908), cuộc vận động Duy Tân ở Trung kỳ (1905 - 1908) và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Bắc kỳ (1907). Những chí sĩ yêu nước dẫn đầu các phong trào này đã thấy sự lạc hậu của những nền nếp phong kiến đang kìm hãm đất nước. Họ cũng thấy rõ vai trò quan trọng của việc học tập những kiến thức mới, mở rộng và nâng cao tầm hiểu biết để có thể “khai dân trí”, “chấn dân khí” và “hậu dân sinh”.

Với chí khí tuổi thanh niên, với truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương, Nguyễn Tất Thành ham học hỏi tìm hiểu những điều mới lạ. Khi rời Tổ quốc yêu thương để tìm một con đường cứu nước thoát khỏi bế tắc, Nguyễn Tất Thành đã chọn hướng tây với mong muốn thiết thực: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”[1]. Việc chọn hướng tây để tìm hiểu, học tập những tri thức mới của Nguyễn Tất Thành, sau này mang tên Nguyễn Ái Quốc, chứng tỏ sự nhạy bén trước cái mới, cũng chứng tỏ sự đánh giá vai trò quan trọng của những tri thức văn hóa, văn minh, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Với Nguyễn Ái Quốc, cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức thực dân giành tự do độc lập, giành lại quyền làm người và bảo vệ những giá trị của con người bao gồm cả cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức về trí tuệ, giành lại quyền được học tập, quyền được nhận thức, quyền được thông tin của mỗi con người. Theo chiều ngược lại, sự giác ngộ của quần chúng về con đường cách mạng, việc nâng cao dân trí nói chung và việc nắm vững những tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật nói riêng của nhân dân đóng vai trò không nhỏ thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển. Đây là hai mặt thống nhất biện chứng.

2. Chỉ một ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Người đã coi công việc bồi dưỡng trí tuệ cho nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài. Người xác định “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”[2]. Trong những ngày tháng gian nan vừa kháng chiến vừa kiến quốc, việc học tập để xóa nạn mù chữ - diệt “giặc dốt”, được coi như một công tác quan trọng không kém việc chống giặc ngoại xâm và “giặc đói”. Cuộc đấu tranh chống “giặc dốt” hiểu theo nghĩa rộng là cuộc phấn đấu bền bỉ để nâng cao trình độ tri thức chung của toàn dân, để dân tộc vươn lên bắt kịp với trình độ tri thức chung của nhân loại, đạt trình độ tiên tiến, văn minh.

Trên một bình diện khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng từng người trí thức - những người nắm được nhiều tri thức. Người coi đây là nguồn vốn trí tuệ quý báu của dân tộc, của kháng chiến. Trước năm 1945, Pháp đã có chính sách đào tạo đội ngũ trí thức bản địa với mục đích sử dụng phục vụ cho chính quyền thực dân. Nhưng nhiều người trong số họ đã đứng về phía cuộc đấu tranh của dân tộc. Họ đã sử dụng những kiến thức của mình như một vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh. Có thể kể đến những trí thức yêu nước tiêu biểu như: Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ… rồi sau này là Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… với sự ngưỡng mộ rất lớn trong nhân dân.

Hơn 500 năm trước, Thân Nhân Trung đã viết trên tấm bia đá đầu tiên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà lên cao...”. Cũng với tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của trí thức, của văn hóa. Người trân trọng “tìm người tài đức”. Người tìm cách phát triển nguồn lực trí tuệ cho đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn. Người nói với quốc dân trên báo Cứu quốc: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[3].

3. Trong hai cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến nhiệm vụ học tập để nâng cao trình độ nhận thức, nắm vững khoa học kỹ thuật quân sự của các cấp chỉ huy cũng như của các chiến sĩ. Năm 1949, Người căn dặn: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ biết văn mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học.

Học không bao giờ cùng

Học mãi để tiến bộ mãi

Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm”[4].

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm các đơn vị bộ đội. Người khen ngợi động viên, khuyến khích các chiến sĩ làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại để sáng tạo cách đánh Việt Nam, làm mất ưu thế những phương tiện kỹ thuật hiện đại của địch. Thực tế lịch sử của cả hai cuộc kháng chiến chống xâm lược trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng sức mạnh trí tuệ dân tộc được phát huy mạnh mẽ trong điều kiện chiến trường Việt Nam đã đánh thắng ưu thế về binh lực, hỏa lực cùng các kỹ/chiến thuật chiến tranh hiện đại của hai cường quốc công nghiệp. Trong thế kỷ XX, bản lĩnh văn hóa của dân tộc khi hấp thụ thêm những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã tỏ rõ sức mạnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhận thấy rõ, đánh giá đúng và khơi nguồn mạnh mẽ cho dòng sức mạnh trí tuệ của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do. Trong xây dựng đất nước, chúng ta càng cần thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao tinh thần tích cực học tập vì “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”[5]. Người xác định rõ cho chúng ta: “Trình độ văn hóa của nhân dân ta nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[6].

4. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập là công việc thường xuyên của mỗi người dù ở cương vị nào nếu muốn mình luôn tiến bộ. Học tập phải gắn liền với động cơ, mục đích đúng đắn - học để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Muốn học tập có kết quả tốt cần học tập toàn diện, học tập có phương pháp, lý luận phải gắn với thực tiễn. Người đặt câu hỏi và trả lời: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”[7]. Đây là những điều có ý nghĩa phương pháp luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập không ngừng nghỉ từ tuổi thiếu niên đến hơi thở cuối cùng. Người mẫu mực thực hiện phương châm Học tập suốt đời, học tập là một chặng đường dài không có điểm kết thúc, học tập là “cái thang không có bậc cuối cùng”. Việc học của mỗi người nhằm nâng cao trình độ tri thức, mở rộng hiểu biết của mình nhưng cũng đồng thời để hoàn thành công tác cách mạng. “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[8].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế hôm nay một tấm gương học tập không ngừng, một di sản tư tưởng về giáo dục toàn diện và một định hướng nâng cao dân trí để phát triển. Tấm gương đó, tư tưởng đó, định hướng đó đã/đang giúp chúng ta khơi dậy thêm tinh thần tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc của mỗi người, thúc đẩy mạnh mẽ hơn khát vọng phát triển đất nước hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc, văn minh như tâm nguyện của Người.

[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr. 13.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr 40.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 114.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 61.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 333.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 458 - 459.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 361.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 208.