“Điêu khắc ánh sáng là nghệ thuật của niềm tin”

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), tác phẩm “Trang sử vàng” của Bùi Văn Tự được trưng bày trang trọng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Bùi Minh Tự bên tác phẩm “Trang sử vàng”.
Nghệ nhân Bùi Minh Tự bên tác phẩm “Trang sử vàng”.

Giữa ranh giới mong manh của ánh sáng và khoảng tối, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã chọn kể chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ độc đáo: Ánh sáng. Từ gỗ lũa hay những khối kim loại thô ráp, dưới bàn tay tài hoa và nguồn cảm xúc sâu lắng, hình ảnh Bác Hồ, các bậc tiền nhân, những mùa xuân đất nước… dần hiện lên.

Phóng viên (PV): Tác phẩm “Trang sử vàng” gần đây được công chúng chú ý đặc biệt. Điều gì khiến anh lựa chọn lịch sử và Bác Hồ làm chủ đề chính?

Nghệ nhân Bùi Văn Tự: Tôi sinh ra trong hòa bình, nhưng luôn được nuôi lớn bằng những câu chuyện về chiến tranh, về Bác, về các vị anh hùng dân tộc. Mỗi lần đọc lại lịch sử, tôi vô cùng xúc động, có gì đó nghẹn lại trong tim. Với tôi, lịch sử chính là hơi thở, là những ánh mắt, bước chân... Tôi muốn góp phần làm cho lịch sử có thể “tự thắp sáng” để người xem không chỉ thấy mà còn cảm nhận được theo lối riêng. “Trang sử vàng” tôi ấp ủ trong hơn hai năm, mỗi chi tiết trong tác phẩm đều mang ý nghĩa đặc biệt. Chiều rộng 1945 mm gợi nhớ năm Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập; chiều cao 2025 mm nhắc tới năm hiện tại với kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và 135 năm Ngày sinh của Người; còn 79 trang sách tượng trưng cho 79 mùa xuân Bác đã sống trọn cho non sông này. Đó là cách tôi gửi gắm lòng biết ơn và khát vọng nghệ thuật của mình qua từng con số, từng đường nét.

PV: Khi thực hiện một tác phẩm công phu như vậy, chắc hẳn anh đã trải qua không ít thử thách. Anh có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sáng tạo?

Nghệ nhân Bùi Văn Tự: Đó quả là một hành trình đầy cảm xúc! Thuận lợi lớn nhất đối với tôi, chính là niềm tin và động lực tinh thần. Khi nghĩ về Bác, về những mùa xuân Người đã cống hiến trọn vẹn cho dân tộc, tôi thấy mọi thử thách với mình đều không đáng kể. Nhưng để hiện thực hóa được một tác phẩm có kích thước lớn, sử dụng chất liệu kim loại, như: Vàng, bạc, sắt, đồng... trong khi trước đây tôi chủ yếu chế tác với gỗ lũa, thì thử thách kỹ thuật khá lớn. Kim loại có đặc tính dễ biến dạng khi nung, cần kiểm soát rất chặt từ khâu gò, hàn, đến phối mầu sao cho khi ánh sáng chiếu vào, các chi tiết không chỉ bền mà còn lên đúng sắc độ, bố cục như mong muốn. Tôi đã mất nhiều tháng ngày chỉ để nghiên cứu cách phối trộn ánh sáng và mầu kim loại, thử đi thử lại không biết bao nhiêu lần. Khó khăn nữa là làm sao để dung hòa yếu tố lịch sử với nghệ thuật đương đại, để người xem cảm nhận vẻ đẹp thẩm mỹ, đồng thời thấm được chiều sâu tinh thần của tác phẩm. Mỗi chi tiết đều phải cân nhắc kỹ, vì tôi muốn “Trang sử vàng” vừa để chiêm ngưỡng, vừa để mọi người trải nghiệm lắng nghe, thấu hiểu trong niềm xúc động. Và may mắn là tôi không cô đơn. Tôi có cả một đội ngũ cộng sự, sáng tạo, đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ từ tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn, Ban quản lý Khu di tích và sự sẻ chia từ những người yêu nghệ thuật.

PV: Cảm xúc của anh thế nào khi tác phẩm tác động đến cảm xúc người xem và còn được đề xuất đặt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên quê hương Bác?

Nghệ nhân Bùi Văn Tự: Đó là niềm xúc động rất lớn với tôi. Tôi luôn mong muốn tác phẩm có thể hiện diện lâu dài ở nơi thiêng liêng như Làng Sen. Với tác phẩm được đặt ở không gian ngoài trời, có một khoảnh khắc duy nhất trong ngày, khoảng 11 giờ trưa, khi ánh nắng chiếu qua đúng góc, chân dung Bác sẽ hiện lên từ những đường gò hàn kim loại cho chúng ta cảm giác rất thật, rất lặng. Tôi tin, không gian như Làng Sen cần những tác phẩm nghệ thuật sống động để lan tỏa cảm hứng, nhất là với thế hệ trẻ.

PV: Nhiều người cho rằng, điêu khắc ánh sáng là “ngôn ngữ của tương lai”, với anh thì sao?

Nghệ nhân Bùi Văn Tự: Điêu khắc ánh sáng là “nghệ thuật của niềm tin”! Ánh sáng chỉ hiện lên khi có người dõi theo, có sự chờ đợi. Tác phẩm của tôi chỉ sống thật khi người xem đứng đúng góc nhìn, vào đúng khoảnh khắc. Điều đó giống như lịch sử, không tự vang lên, mà cần chúng ta lắng nghe, chiêm nghiệm và bước tiếp. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang phát minh điều gì đó. Tôi chỉ đơn giản là người kể lại chuyện cũ bằng ánh sáng mới, để ai đó, vào một khoảnh khắc nào đó, khi nhìn thấy chân dung Bác hiện lên giữa bóng đổ, sẽ nở nụ cười và thấy lòng mình ấm lại.

PV: Anh từng chia sẻ: Bản sắc như hơi thở thiên nhiên, vậy với anh, bản sắc văn hóa của người nghệ sĩ được hình thành và nuôi dưỡng như thế nào?

Nghệ nhân Bùi Văn Tự: Tôi cho rằng, bản sắc không phải là thứ có thể cố tạo ra mà đó là giá trị lắng lại trong từng trải nghiệm, từng vùng đất mình đi qua, từng câu chuyện mình lắng nghe và cả trong những điều rất nhỏ: Một giọng nói quê nhà, một nếp gấp trong chiếc áo cũ, một câu chuyện cổ tích từng nghe lúc còn thơ bé… Làm nghệ thuật cũng giống như đi qua một cánh rừng, nếu ta chỉ chạy thật nhanh để tìm đến đích, có lẽ ta sẽ bỏ lỡ những âm thanh đẹp nhất, ánh nắng đẹp nhất, mùi hương của cỏ cây, thảm mục sau cơn mưa. Bản sắc nằm trong cách mình cảm nhận thế giới, không cần tô vẽ, không cần gồng lên. Nó đến khi mình biết hòa mình vào dòng chảy tự nhiên của lịch sử, của văn hóa để rồi những gì lắng đọng sẽ thấm vào tác phẩm như một hơi thở, như một dòng máu. Tôi tin rằng, bản sắc thật sự của một nghệ sĩ không phải là sự khác biệt bề nổi, mà là sự thành thật trong cách mình phản ánh cuộc sống và tri ân những giá trị đã nuôi dưỡng mình. Và tôi cũng tin, nếu mình đủ lặng để lắng nghe, bản sắc sẽ tự tìm đến, nhẹ như một làn gió, vô hình mà không bao giờ tan biến.

PV: Cảm ơn nghệ nhân Bùi Văn Tự về cuộc trò chuyện!

Nghệ nhân Bùi Văn Tự sinh năm 1992 tại Ninh Bình. Với tư duy sáng tạo độc đáo, anh đã thổi hồn lịch sử vào ánh sáng, tạo nên nhiều tác phẩm mang chiều sâu văn hóa, như: “Thắp đèn soi niên sử”, “Huyền thoại Điện Biên”… và đặc biệt là “Trang sử vàng”. Mỗi tác phẩm của anh góp phần mở ra một hành trình kể chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ của bóng - sáng - cùng niềm đam mê không ngơi nghỉ.