Trăn trở làm mới mình
Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác khơi nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ văn, nghệ sĩ Việt Nam. Tiếp nối con đường của các nhà thơ nổi tiếng viết về Bác như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Hữu Thỉnh..., nhà thơ Nguyễn Hưng Hải chủ ý dụng công, lập tứ, sáng tác thơ làm những đóa hoa dâng Người. Trong số 28 đầu sách đã xuất bản, ông có sáu tập thơ và một trường ca sáng tác về Bác Hồ, như “Bài thơ dâng Bác”, “Dâng Bác một niềm thơ”, “Cây bụt mọc trong vườn Bác”, “Sen thắm giữa đời”…
Ông có nhiều dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền trung công tác, tìm hiểu, Nguyễn Hưng Hải nhận ra tư tưởng, đạo đức Bác Hồ đang phả nguồn cảm hứng vào lòng mình, khơi sáng cho thơ ông. “Tôi chuyển hướng với nguồn cảm hứng chủ đạo là tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi viết, tôi cảm nhận, lắng nghe cả những rung động từ thiên nhiên, vùng đất và mỗi bước chân của Người, để có vần thơ giàu sức gợi. Tập “Bài thơ dâng Bác” (xuất bản năm 2012), đánh dấu sự chuyển hướng của tôi”, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải tâm sự.
Trong nhiều lần về thăm quê Bác, nhà thơ đã dành thời gian nghiền ngẫm về hoa sen, biểu tượng của cái đẹp, ông bật ra những vần thơ gửi gắm thông điệp về ý thức vươn lên, sự tự thanh lọc mình: “Những mùa sen biết làm đẹp quê hương/biết làm sống những ao bùn đã chết/những ao bùn từng tanh hôi vạn kiếp/nhắc ta về mùa sen/nhắc ta không được quên/nhắc ta phải biết…”.
Để nạp thêm năng lượng, vốn sống, nhà thơ thường vào thư viện tìm đọc tư liệu, rồi học ở các cây bút viết về Bác, với cách làm lạ đi những cái đã quen, làm mới những điều đã cũ. Ông tâm niệm, viết về Bác không mới hơn, hay hơn mà chỉ nhắc lại những điều đã được khẳng định, cũng chẳng khác nào giẫm mãi vào dấu chân mình. TS Nguyễn Anh Tuấn, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: Bài thơ nào của ông cũng có những sự liên tưởng, liên hệ, gắn chặt với thực tế và từ thực tế đúc rút ra thành bài học. Sau mỗi câu thơ, bài thơ dường như còn là một câu hỏi, Nguyễn Hưng Hải khiến chúng ta phải suy ngẫm.
TS Đoàn Minh Tâm (công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận xét về trường ca “Sen thắm giữa đời” của Nguyễn Hưng Hải: “Bên cạnh việc khắc họa sự vĩ đại của Bác, lòng biết ơn, tôn kính, yêu quý của nhân dân Việt Nam đối với Bác, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải còn chú trọng đến việc miêu tả những khoảnh khắc đời thường rất đỗi con người của Bác. Đây có thể coi là một trong những điểm tạo nên dấu ấn riêng”.
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. |
Phải lan tỏa thêm tinh thần, đạo đức của Bác
Còn nhớ, năm 2018, trong lần nhà thơ từ Phú Thọ về Hà Nội gặp một cây bút đàn anh. Trong lúc “trà dư tửu hậu”, nhà thơ đàn anh đã thẳng thắn nói với ông Hải: “Chú viết nhiều về Bác là điều không phải tác giả nào cũng làm được. Nhưng cứ viết mãi một đề tài sẽ rất dễ gây nên sự nhàm chán…”. Lời chia sẻ ấy khiến ông ngẫm nghĩ rất nhiều và đọc lại tất cả các bài thơ mình đã viết. Nhà thơ bày tỏ: “Qua một chặng đường, tôi đã có một số tập thơ về Bác, giờ đây cuộc sống có nhiều biến động, không ít người chỉ ưa hưởng thụ, đua đòi… Nhiều đêm trăn trở, tôi nghĩ mình phải viết về Bác hay hơn, cảm xúc hơn, để sự lan tỏa thêm tinh thần, đạo đức của Bác. Phải làm sao đó để trồng thêm hoa, lấn cỏ dại”.
Với nhiều nỗ lực, cố gắng, các tập thơ viết về Bác của Nguyễn Hưng Hải đều đã gặt hái được nhiều giải thưởng. Có thể kể đến 4 giải thưởng của Ban chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Bằng khen của Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng nhiều giải thưởng của Tỉnh ủy Phú Thọ, Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Phú Thọ… Mới đây Nguyễn Hưng Hải đã hoàn thành tập thơ “Bác Hồ đi bầu cử” và hai trường ca “Miền Nam mong Bác”, “Bác Hồ ở Trường Sa”. Cùng với đó, ông đang hoàn thiện bản thảo tập thơ “Binh pháp”, viết về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trường ca “Đất Tổ cội nguồn luôn có Bác” và còn dự định xuất bản một Tổng tập về Bác. “Biết là nhiều việc cần phải làm ngay, nhưng đúng như nhà lý luận phê bình văn học Lê Thành Nghị từng nói, cứ viết bằng niềm đam mê và cả tấm lòng, làm cho con chữ đa thanh, đa nghĩa sẽ gặt hái được thành công”, Nguyễn Hưng Hải giãi bày.
Lần nhà thơ về thăm khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn đàn cá trước nhà sàn, ông bật ra những câu thơ xúc động: “Vẫy bàn tay kéo cả trời thấp xuống/Giơ bàn tay nâng dậy những chồi non/Đi khắp cả năm châu/Về thương một lối mòn/Bàn tay Bác xóa đi nhiều khoảng cách/Là ông Ké, anh Ba, già Thu, Hồ Chủ tịch/Bác là người của mọi màu da…”.