Tuy nhiên, phải triển khai quyết liệt từ địa phương, có sự minh bạch trong hướng dẫn và tầm nhìn chính sách đủ rộng để không bỏ quên những hạt giống sáng tạo. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ với Thời Nay.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về khả năng tác động của các quy định miễn thuế và ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi đối với việc khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam?
![]() |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng Dự thảo lần này có bước tiến rất đáng ghi nhận trong việc thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa - điều từ trước đến nay chúng ta vẫn nói nhiều, nhưng chưa thật sự đồng hành mạnh mẽ về mặt thể chế. Việc đưa vào các quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, hay thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, là minh chứng rõ ràng cho việc luật pháp bắt đầu lắng nghe tiếng nói của đời sống văn hóa.
Tôi hình dung rằng, với những quy định này, chúng ta đang tạo ra một hệ sinh thái khuyến khích đóng góp văn hóa từ phía cộng đồng doanh nghiệp - không chỉ từ cái tâm mà còn được luật pháp bảo hộ, ghi nhận và đồng hành. Những nhà hát tư nhân, những trung tâm văn hóa độc lập, những sáng kiến gìn giữ nghệ thuật dân gian... giờ đây có thể mạnh dạn hơn khi kêu gọi tài trợ, bởi chính sách thuế không còn là rào cản, mà trở thành bệ đỡ cho những giá trị tinh thần lan tỏa.
PV: Trong Dự thảo, nhiều hoạt động văn hóa - sáng tạo mới như âm nhạc số, trò chơi điện tử nghệ thuật chưa được nêu rõ trong danh mục ngành nghề ưu đãi. Theo ông, cần làm gì để hoàn thiện chính sách thuế đối với các lĩnh vực văn hóa hiện đại này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Quả thực, nếu như ở thế kỷ trước, văn hóa chủ yếu gắn với sân khấu, điện ảnh, xuất bản, thì ngày nay, diện mạo văn hóa đã và đang thay đổi từng ngày với sự trỗi dậy mạnh mẽ của những lĩnh vực mới như âm nhạc số, game nghệ thuật, thiết kế đồ họa, sản xuất nội dung đa phương tiện, livestream sáng tạo… Đó không còn là sân chơi phụ, mà chính là mặt trận trung tâm nơi hình thành bản sắc văn hóa thời đại số của Việt Nam.
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn sử dụng cách phân loại truyền thống, phần lớn ưu đãi vẫn tập trung vào các ngành nghề cũ, trong khi những “vùng sáng tạo mới” này lại đứng ngoài hệ thống ưu đãi, không phải vì thiếu giá trị, mà vì chưa được định danh đầy đủ trong pháp luật. Điều này vô hình trung khiến cho các start-up văn hóa số, các nhóm sáng tạo trẻ - những người đang thật sự sống trong nhịp đập của thời đại - cảm thấy bị bỏ quên.
Chúng ta cần thay đổi về tư duy. Chính sách thuế không thể đi sau thực tiễn, càng không thể đi sau khát vọng của thế hệ trẻ. Cần bổ sung vào luật các ngành nghề văn hóa sáng tạo hiện đại như: sản xuất âm nhạc số, phát triển trò chơi điện tử nghệ thuật, hoạt động đa phương tiện số, sáng tạo nội dung nền tảng số… như những ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế.
Thứ hai, cần xây dựng các tiêu chí linh hoạt hơn, không chỉ dựa vào quy mô vốn đầu tư hay địa bàn hoạt động, mà chú trọng vào tính đổi mới sáng tạo, tiềm năng lan tỏa văn hóa và giá trị xã hội mà dự án mang lại.
Và cuối cùng, cần có một cơ chế kết nối giữa các cơ quan quản lý văn hóa - sáng tạo với ngành thuế, để cập nhật liên tục những xu hướng mới, những mô hình mới, tránh tình trạng “thực tiễn một đằng - luật một nẻo”.
PV: Việc khuyến khích doanh nghiệp tài trợ cho văn hóa được thể hiện khá rõ trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, doanh nghiệp vẫn e ngại do thủ tục phức tạp. Theo ông, cần cải thiện gì trong khâu hướng dẫn, thực thi để chính sách đi vào cuộc sống?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Câu hỏi này chạm vào một thực tế rất phổ biến - đó là khoảng cách giữa chính sách đúng và việc thực thi hiệu quả. Dự thảo Luật đã khẳng định rõ: các khoản tài trợ cho văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… nếu có chứng từ hợp lệ, mục đích rõ ràng, thì được miễn thuế và tính vào chi phí được trừ. Nhưng khi bước ra đời sống thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn dè dặt, do họ không biết “đi đường nào cho đúng”.
Theo tôi, có ba điểm mấu chốt cần cải thiện: Thứ nhất, hướng dẫn phải đơn giản, rõ ràng và nhất quán. Cần có một bộ tiêu chí minh bạch, dễ hiểu về những gì được xem là tài trợ văn hóa hợp lệ, và những loại chứng từ nào là cần thiết - tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, mỗi cán bộ lại yêu cầu một mẫu giấy tờ khác nhau.
Thứ hai, nên có cơ chế xác nhận nhanh gọn, thậm chí trực tuyến, thông qua các cơ quan văn hóa địa phương hoặc các tổ chức được ủy quyền. Đừng để những người muốn làm điều tốt phải đi qua mê cung thủ tục.
Thứ ba, cần truyền thông mạnh mẽ hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tài trợ cho văn hóa. Một hệ thống hỗ trợ tốt, tư vấn đúng, sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn và tiếp tục đồng hành lâu dài.
PV: Một số quy định về ưu đãi thuế trong Dự thảo còn gắn với tiêu chí quy mô vốn đầu tư lớn (từ 12 nghìn đến 30 nghìn tỷ đồng). Theo ông, điều này có gây khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực văn hóa không? Có nên bổ sung cơ chế đặc thù cho khởi nghiệp sáng tạo trong văn hóa?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Câu hỏi này gợi mở một vấn đề mà tôi cho rằng cần được nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc - đó là sự bất cân xứng về khả năng tiếp cận chính sách giữa các doanh nghiệp văn hóa nhỏ và vừa với các tập đoàn lớn. Những con số hàng chục nghìn tỷ đồng vốn thật sự rất xa vời đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.
Trong khi đó, thực tế lại đang chứng minh điều ngược lại: những hạt giống sáng tạo có giá trị bền vững cho văn hóa Việt Nam thường không bắt đầu bằng một ý tưởng táo bạo, một nhóm bạn trẻ đam mê, một không gian nhỏ đầy khát vọng. Nhìn vào thành công của chuỗi triển lãm tương tác “Ký ức Hà Nội xưa”, của những nhóm làm phim độc lập như Đạp gió studio, hay của các nhà sáng tạo nội dung số như Vietverse, Cánh Cò Media…, ta thấy rõ điều đó.
Chúng ta cần một cơ chế ưu đãi thuế đặc thù cho doanh nghiệp văn hóa sáng tạo vừa và nhỏ, với các tiêu chí linh hoạt hơn: có thể dựa vào số lượng sản phẩm văn hóa được sản xuất, số lượng người lao động sáng tạo được thu hút, giá trị cộng đồng mà dự án mang lại, hoặc thậm chí là mức độ đổi mới, độc đáo của sản phẩm. Hơn thế, Nhà nước có thể thiết kế “bệ đỡ khởi đầu”: miễn thuế trong 2-3 năm đầu, hoặc giảm thuế sâu cho các startup sáng tạo văn hóa đạt giải thưởng, được công nhận bởi các tổ chức chuyên môn, hay có sản phẩm xuất khẩu văn hóa ra thị trường quốc tế.
PV: Thưa ông, nếu Luật Thuế TNDN (sửa đổi) được thông qua với các điều khoản như hiện nay, đâu là những bước đi ưu tiên mà các địa phương và ngành văn hóa cần triển khai để tận dụng hiệu quả các cơ chế thuế này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Nếu Luật Thuế TNDN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với những nội dung tiến bộ như hiện nay, thì chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn - một cơ hội không chỉ để khơi thông dòng vốn đầu tư cho văn hóa, mà còn để kiến tạo một hệ sinh thái sáng tạo công bằng, rộng mở và bền vững.
Các địa phương và ngành văn hóa cần nhanh chóng có những bước đi chủ động, quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn để tận dụng hiệu quả các cơ chế mới này. Trước hết, cần có ngay hoạt động phổ biến và hướng dẫn chính sách thuế mới tới các tổ chức văn hóa, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ hai, cần thiết lập các đầu mối tư vấn và hỗ trợ về tài chính - thuế trong lĩnh vực văn hóa tại từng địa phương. Một nhóm hỗ trợ nhỏ nhưng hiểu luật, sát thực tiễn và thân thiện với doanh nghiệp sẽ giúp gỡ hàng loạt nút thắt, đặc biệt trong việc xác định chi phí hợp lệ, lập hồ sơ tài trợ hay tiếp cận ưu đãi.
Thứ ba, ngành văn hóa - từ Trung ương đến địa phương - cần chủ động xây dựng danh mục các dự án văn hóa trọng điểm, có tiềm năng xã hội hóa và thu hút đầu tư, từ bảo tồn di sản, số hóa nghệ thuật truyền thống, cho đến phát triển phim trường, tổ hợp giải trí, triển lãm tương tác…
Và cuối cùng, điều quan trọng nhất - chúng ta cần thay đổi tư duy quản lý văn hóa. Đừng chỉ quản lý theo kiểu hành chính, mà hãy đồng hành như một người bạn, một nhà kiến tạo thể chế, một kiến trúc sư chính sách. Văn hóa, khi được đầu tư đúng cách, không chỉ là “người thắp sáng tâm hồn” mà còn là ngành kinh tế đặc biệt, mang lại nguồn lực, bản sắc và niềm tin cho xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: “Xét cho cùng, xã hội hóa không chỉ là câu chuyện huy động tiền bạc, mà là cách để mọi thành phần xã hội cùng tham gia vào hành trình làm giàu tâm hồn dân tộc. Và ở đó, chính sách thuế - khi đi cùng với tầm nhìn văn hóa - chính là cánh tay nối dài của Nhà nước để khơi dậy và bảo vệ những điều cao đẹp ấy”.