1.Có một thế hệ những người nghệ sĩ - chiến sĩ cầm súng ra trận. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà quay phim, nghệ sĩ biểu diễn. Những cái tên ca sĩ như Quốc Hương, Tường Vy, Trần Hiếu, Lê Dung, Thanh Hoa, Trung Đức, Thu Hiền, Quang Thọ, Thái Bảo... đã khắc sâu vào ký ức một thời của những người lính nơi chiến trường.
Trước giờ tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, có một Đại đội thuộc sư đoàn 9 ở miền Đông Nam Bộ lấy tên Tô Lan Phương, chỉ vì các chiến sĩ của đại đội quá yêu và say mê giọng hát của người nữ nghệ sĩ. Câu chuyện xúc động đó còn được kể lại, như một minh chứng cho thấy âm nhạc là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất. Nhiều ca khúc nóng hổi được các nhạc sĩ sáng tác từ những căn hầm dã chiến và nhờ tiếng hát của các nghệ sĩ nơi chiến trường, người lính cầm súng được tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi thế hệ lại có những người tiếp nối, tình nguyện gánh những di sản đó trên vai bằng tài năng, bằng tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn cùng các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cách mạng chính là những người truyền lửa đến khán giả. Qua giọng hát của họ, những người đi qua chiến tranh gặp lại mình trong tuổi trẻ, gặp lại ký ức dữ dội và cũng không kém phần lãng mạn thời chiến, cảm nhận quá khứ được nâng niu, trân trọng như là nền tảng để kiến tạo hôm nay, kiến tạo tương lai. Và hòa bình trở nên có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của họ. Còn với những người sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, nghe những ca khúc cách mạng để nhìn thấu lịch sử, thấy được những hy sinh mà thế hệ cha anh mình đã đi qua, để sống với lòng biết ơn và nhận lấy trách nhiệm giữ gìn hòa bình - một giá trị có được mà những người đi trước đã phải trả một cái giá rất đắt.
2.Hơn 20 năm về trước, người thầy, cũng là nghệ sĩ hát nhạc cách mạng nổi tiếng Quang Thọ đã “kết nối” 3 giọng hát nội lực Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn thành một “tam ca”. Ngay từ những lần xuất hiện đầu tiên, họ đã gây một ấn tượng mạnh với khán giả. Họ đều là những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, với chất giọng khác nhau, nhưng khi đứng chung một sân khấu để hòa điệu, họ bổ sung cho nhau, nhuần nhuyễn, chuẩn chỉ về kỹ thuật và tinh tế trong cảm xúc. Rất nhanh chóng, họ trở thành một tam ca nam hát nhạc đỏ với dấu ấn sâu đậm không thể thay thế. Nếu Trọng Tấn điêu luyện, trữ tình, sáng và bay bổng thì Đăng Dương lại hào hùng, mạnh mẽ, chắc khỏe, sử thi, còn Việt Hoàn thì ấm áp, tinh tế.
Việt Hoàn sinh năm 1967 tại Thái Bình, trong một gia đình có cả bố và mẹ là nghệ sĩ cải lương. Là “con nhà nòi” chính hiệu, Việt Hoàn sớm bộc lộ tài năng ca hát. Riêng việc biểu diễn cùng những người bạn trong tam ca là Trọng Tấn, Đăng Dương thì lúc nào Việt Hoàn cũng hào hứng. Anh thấy mình như người anh cả trong nhóm, luôn tìm được sự đồng điệu thân thiết khi chung sân khấu với những người em nghệ sĩ.
Đăng Dương sinh năm 1974 tại Hải Dương, từ nhỏ đã mê ca hát, đặc biệt là những bài hát cách mạng. Anh kể, khi còn là học trò anh đã thuộc nằm lòng những ca khúc nhạc đỏ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo học môn đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội, nhưng niềm đam mê ca hát khiến Đăng Dương học thêm luôn thanh nhạc và sau khi tốt nghiệp anh chọn con đường làm ca sĩ. Rồi chọn luôn dòng nhạc thính phòng, nhạc đỏ để theo đuổi.
Trọng Tấn sinh năm 1976 là “em út” trong tam ca nhạc đỏ. Đến và ở lại trong dòng nhạc đỏ, Trọng Tấn là cái tên gây thương nhớ cho nhiều khán giả. Anh chia sẻ, vì trong gia đình có bố và người thân đều từ chiến trường trở về nên từ nhỏ Trọng Tấn đã yêu thích hình ảnh người lính. Anh từng đăng ký dự thi trường Lục quân nhưng không đỗ vì vóc dáng nhỏ bé. Chuyển hướng thi vào Nhạc viện là bước ngoặt biến Trọng Tấn thành một ca sĩ “chuyên trị” những ca khúc cách mạng trữ tình.
3.Ở tuổi đủ độ chín, mỗi người nghệ sĩ của tam ca nhạc đỏ nổi tiếng được thầy Quang Thọ kết nối năm nào nay đều đã đi một con đường riêng khác nhau. Những trải nghiệm cuộc đời khiến giọng hát của họ trở lên sâu sắc hơn. Càng qua thời gian, các nghệ sĩ càng thêm thấm thía những câu chuyện, những dấu ấn lịch sử đằng sau mỗi ca khúc. NSƯT Việt Hoàn bộc bạch: “Trong nhóm tam ca nhạc đỏ, chỉ có tôi là “dính dáng” một chút mùi vị chiến tranh khi còn nhỏ, còn Đăng Dương và Trọng Tấn lớn lên trong thời bình. Chúng tôi hát những ca khúc không phải từ ký ức của mình, mà từ ký ức của biết bao người thế hệ cha anh mình. Chúng tôi tình nguyện làm một cây cầu kết nối thế hệ đi trước và các thế hệ hôm nay bằng âm nhạc. Đó không chỉ là một công việc đơn thuần, mà là một sứ mệnh, một trách nhiệm lớn lao”.
Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn đã có 2 lần tổ chức live show rất thành công. 2025 là một năm đặc biệt của đất nước, tam ca nhạc đỏ quyết định tổ chức show diễn chung lần thứ 3 mang tên “Đất nước trọn niềm vui”, như một món quà tri ân tới khán giả, đồng thời thể hiện tình yêu, lòng trân quý của người nghệ sĩ với những tác phẩm âm nhạc về đề tài cách mạng.
Do dày đặc các chương trình dịp 30/4 vừa qua, tam ca quyết định tổ chức show riêng vào tối 24/5 sắp tới tại Cung Hữu nghị Việt Xô - Hà Nội. Chương trình được ví như “một cuộc hành quân bằng âm nhạc”. Các nghệ sĩ sẽ đưa khán giả đi dọc hành trình giải phóng đất nước từ bắc vào nam, qua những ca khúc cách mạng từ lâu đã thân thuộc trong lòng công chúng.