Tiếng đàn chưa dứt

Tiếng là chú cháu ruột nhưng do khoảng cách địa lý xa quá nên có khi mấy năm mới gặp nhau một lần. Bây giờ ở tuổi ngoài 70, chú Ba của tôi đã mất.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Tôi đến viếng chú sau giờ phát tang nên khi nhìn thấy hai chiếc “dây rơm mũ bạc” chạy lúp xúp đón khách, bưng trà nước thì không khỏi bất ngờ.

Chú tôi không có con trai!

Chỉ có hai cô con gái, các em ấy lấy chồng, cũng không sinh ra con trai thì ai “dây rơm mũ bạc” vậy?

Thì ra đó là hai người con riêng của vợ sau chú tôi.

Họ gọi chú Ba của tôi là “cha” nhưng xin phép chỉ dành ra hai người trong số năm anh em để tang cha. Vì “ba ruột tụi em còn sống nên tất cả anh em của em không thể để tang cha hết chị ạ”.

Và hai người được chọn “đại diện để tang” là em trai kế út và trai út của họ. Lý do “Hồi cha về với mẹ em, thì hai em này mới năm, bảy tuổi, cha từng ẵm bồng, đưa rước, chăm sóc tụi nó”.

Chú Ba tôi, là “cha sau” của họ, sau khi ba mẹ của họ ly hôn lúc ông bà ấy vừa có… năm đứa con.

*

Tiếng đàn cò trong đêm vắng cứ ỉ ôi não ruột cái âm điệu dìu dặt nhưng đầy nuối tiếc và buồn bã khiến hai cô con gái của chú cứ khóc hù hụ. Đúng là “khóc như cha chết” mà.

Thím Ba (trước) của tôi mất sau khi sinh khó đứa con gái Út. Chú Ba gà trống nuôi con được gần ba năm thì chịu hết xiết nên lấy vợ sau để có người phụ nuôi đứa con còn bú sữa. Vợ sau của chú cũng ly hôn chồng và đã có đến năm đứa con riêng. Họ quyết định không sinh con chung, mà dồn sức để nuôi dạy bầy con của hai vợ chồng tổng cộng bảy đứa.

Tiếng là vợ chồng nhưng chú Ba tôi và vợ sau thường là… nhà ai nấy ở. Bù lại, họ sẽ “đổi con” bằng cách đứa con trai Út của thím bốn tuổi thì luôn “theo cha”. Đứa con gái Út của chú gần ba tuổi thì “bám mẹ”. Hai nhà cách nhau chừng vài cây số, nên chuyện chạy qua chạy lại giữa hai gia đình cũng không khó lắm.

Vậy là bỗng nhiên mà trai theo cha, gái bám mẹ.

Thím làm cô cấp dưỡng của một trường mẫu giáo gần nhà, thời gian đi làm chỉ từ sáng sớm đến khoảng hai giờ trưa là hết việc. Về nhà thì thím làm sữa chua, rau câu, nấu chè… để “bỏ mối” cho các quán tiệm. Vô tình công việc tại gia ấy đã có thêm hai cô con gái của chồng giúp đỡ nên làm được khá nhiều mặt hàng. Lúc thím chở đồ đi giao thì ở nhà đã có con cái dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Chú tôi làm nghề lái mì. Mua bán cây mì, khoai mì, nhận đầu công trồng mì, nhổ mì… Biết bao nhiêu là việc cần sức trai sức trẻ. Bấy giờ lại có mấy đứa con trai của vợ phụ giúp nên chỉ trong 10 năm mà đã giàu lên.

Nhưng họ về với nhau vào độ tuổi ngoài 40, ai cũng con cái đùm đề nên không có chuyện cưới hỏi gì đâu. Chỉ là bữa cơm mời làng xóm để thông báo sự việc mà thôi.

Bà nội tôi ở xa, không đến dự buổi “ra mắt” của chú thím được. Vậy mà sau đó chú thím về thăm nội, thím biếu nội chiếc nhẫn vàng hai chỉ rằng “Con cảm ơn má đã sinh ra anh Ba để con được gặp ảnh mà cùng nhau nuôi nấng dạy dỗ mấy đứa nhỏ của con nên người. Má đừng ngại vì không cầm trầu cau cưới con, vì tụi con cũng sắp hai thứ tóc rồi, cưới xin… mắc cỡ lắm. Con biếu má chiếc nhẫn này, má nhận là xem như chịu con làm con dâu của má nhen má. Nghĩa vợ chồng chỉ cần yêu thương trân trọng nhau, má đừng trách tụi con sao không lễ lạt cưới xin nhen má”.

Vậy đó, thì làm sao bà nội tôi không nhận đứa con dâu khéo léo như thím.

Chú thím ở xa nhà nội lắm, nhưng mỗi khi có dịp là vượt gần trăm cây số để về thăm. Rồi thím mua sẵn nguyên liệu để nấu các món mà bà nội tôi thích nhất. Thím Ba không bao giờ mách lẻo với mẹ chồng về thói hư tật xấu của chồng, dù bà nội tôi luôn bảo, đàn ông thì ai cũng phải có vài thói hư tật xấu nào đó mà vợ không chấp nhận được, nhưng mình phải nói để chồng sửa nha con!

Thím Ba thì luôn bảo, “Gặp được anh Ba, ảnh chịu thương yêu và dạy dỗ bầy con của con là tốt nhất trên đời rồi má. Nên thói hư tật xấu gì thì bù qua sớt lại con vẫn còn lời nhiều lắm”.

Khóe mắt hai người đàn bà nhìn nhau mà cười suốt buổi gặp gỡ. Bà nội tôi đi đâu cũng khoe có đứa con “dâu ngang hông” mà nó hiểu chuyện như vậy.

*

Thời gian gần đây chú Ba tôi luôn luôn bị chứng khó tiêu, cũng không thèm ăn món gì. Dù trước giờ mỗi bữa cơm của chú phải là năm, sáu chén mới đủ sức ra đồng mà lái chiếc máy cày xới tung hàng chục ha đất, hay chở oằn thùng những chuyến cây mì. Sức khỏe xuống dốc rõ rệt bằng việc tiêu hóa kém, không thèm ăn. Người thì nói bao tử rồi, mua nghệ vàng trộn mật ong uống mỗi sáng một ly là ổn. Người nói viêm gan rồi, lái mì uống rượu dữ lắm mà. Giờ tìm cây An xoa đi, nấu hằng ngày như nước trà mà uống. Người lại bảo sốc nhiệt thôi, lái mì dang nắng cả ngày thì kém ăn kém uống là phải rồi. Giờ cứ nấu nước dừa tươi với gừng, bỏ vô bình đá uống cả ngày. Vừa mát nhưng không “hàn tì” là ổn thôi.

Cù cưa cù nhằn, thím bảo chồng bỏ việc vài hôm để đi Sài Gòn thăm khám một lần cho rõ bệnh. Chú tặc lưỡi rằng, đàn ông sức dài vai rộng, mới 60 mà bà làm như tui tám chục vậy đó! Bệnh, bệnh tưởng của đàn bà thì có!

Vậy là chú không chịu đi khám. Chân là chân của chú, ai kéo được lên xe. Ngày qua tháng lại cho đến một hôm khi đang cầm lái chiếc máy cày chở oằn thùng những bó cây mì thì chú… ngất xỉu. Đi bệnh viện cấp cứu. Siêu âm chiếu chụp ra K tuyến tụy, thời kỳ cuối.

Vợ chú cáo lỗi hết các quán tiệm mà lâu nay mình bỏ mối sữa chua, chè, bánh để toàn thời gian mà chăm sóc cho chồng. Người ta bày ngoài việc uống thuốc tây theo toa bác sĩ thì phải uống thuốc nam, đi “thầy” để cúng xin “giải hạn”. Đời ai chả bệnh nhưng hiền lành chăm chỉ, không tệ nạn như anh Ba, sao lại vướng chứng K oan nghiệt vậy trời ơi! Chị Ba à, chị đi chùa Thất Sơn để xin giải hạn cho anh Ba nhé, ở đó có ông thầy Bảy Gộc hay lắm, thỉnh nước thánh về cho anh Ba uống.

Thím tôi xăng xái lên chuyến xe đêm để đi về Bảy Núi mà thỉnh thuốc cứu chồng. Một can thuốc tiên 10 lít, trắng trong veo mà thơm sực mùi thảo dược có giá “cúng dường” bằng 50 ký gạo. Người ta lại bày đi miếu đi gò cầu “cậu”, cầu “cô” hầu nhận những phương dược tốt nhất cho chứng bệnh của chồng.

Thuốc của bệnh viện vẫn uống, phương dược đắng như xuyên tâm liên vẫn dùng, chua như nước cốt chanh vẫn uống… Vậy mà chú không khỏi bệnh. Một ngày, chú tôi đang thiêm thiếp bỗng tỉnh hẳn, gọi vợ và các con đến bên giường, rằng em và các con đừng chạy thầy chạy thuốc nữa, tui hết số rồi.

Cái xe máy cày tui để lại cho thằng Nhân, chiếc Vios để lại cho thằng Nghĩa. Tụi con sử dụng hay bán đi cũng phải chia mẹ một phần để dưỡng già nhen! Riêng hai con gái tui, em cho mỗi đứa một miếng đất ở Cầu ông Cả nhen! Còn ba thằng Lễ, Trí, Tín thì miếng đất nhà mình với hai mẫu đất trồng mì đó, tùy ý em chia nhen! Tuy tụi mình rổ rá cạp lại nhưng hơn 20 năm cũng tình nghĩa nhiều, em thương tui thì đừng bỏ phần con tui tội nghiệp nhen Thơ!

Ôi cái tên thời con gái mấy chục năm mới được gọi khiến thím Ba tôi khóc bù lu bù loa. Cả bầy con khóc hù hụ rằng tài sản có thể làm ra, chỉ có tình thân là không tìm được, cha ơi, con chỉ mong cha khỏe lại. Nhưng chú Ba tôi không khỏe nữa.

Giọng kinh cầu cứ dìu dặt suốt ba hôm cùng tiếng đàn cò ỉ eo não nuột của lễ cúng “cầu giải bệnh” rồi chú tôi bình lặng ra đi.

*

Những người con riêng của thím tôi rì rầm bảo nhau, “Phong bì của anh em mình phải ghi đàng hoàng là tiền cúng viếng này để phụ làm mộ cho cha, không thôi tang chủ tưởng mình cúng đám bình thường rồi mình không còn cái kỷ niệm là phụ làm mộ cho cha nhen mấy anh em”.

Họ đếm tiền xoèn xoẹt, mỗi phong bì được cất vào 10 triệu đồng. Tôi nhìn mà ngưỡng mộ họ, vì tôi là cháu ruột mà cũng không phúng viếng chú mình được như thế. Có thể nói rằng vì họ khá giả thì họ phúng nhiều, nhưng nếu họ không có cái tình thì ai ép được họ. Tôi vui vì tình người rạch ròi “ba em còn sống nên tụi em không thể để tang cha” và tình đời ấm áp “kỷ niệm phụ làm mộ cho cha”. Tự hỏi, đời còn được bao nhiêu người trẻ có tình có nghĩa như họ?

Đêm thanh vắng vì tiếng đàn chưa dứt. Sau buổi hòa nhạc của tôn giáo với các loại nhạc cụ dân tộc thì chỉ còn lại cây đàn nhị lâu lâu thả mấy tiếng ò í e vào không gian. Mấy cây kèn tây mà những chàng trai thuê về trỗi vài khúc tiếc thương cho người cha dượng đáng kính cũng đã ra về. Bên linh cữu của người quá cố, thím Ba tôi nói rằng sẽ chia tài sản cho hai con gái riêng của chồng đúng phần mà chú Ba tôi dặn dò. Ngoài ra còn thêm cho hai cô gái, mỗi đứa trăm triệu để thêm vốn làm ăn. “Mẹ muốn có một sự công bằng vì vợ chồng chắp nối nhưng cha của hai con để lại của cải cũng không ít. Mẹ không muốn mang tiếng sau này. Các con cũng có gia đình rồi, cũng cần vốn làm ăn”.

Ba người đàn bà, hai trẻ, một già ôm nhau trong tiếng khóc nghẹn ngào. Họ thương và hiểu nhau đến vượt qua ranh giới “mẹ ghẻ con chồng” tự bao giờ.

Trước linh cữu chú Ba tôi, tiếng đàn nhị vẫn dìu dặt chưa dứt những bài “Tình cha” rồi bài “Lòng mẹ”. Tiếng đàn chưa dứt hay tiếng lòng của người còn ở dành cho nhau vẫn đượm tình dù trống nhà chùa đã điểm mười một tiếng thùng thình vào không gian.