1.Đề án Sân khấu kịch học đường của Nhà hát Kịch Hà Nội đã trở thành cây cầu nối giữa văn học, sân khấu với học sinh. Tháng 3 và 4/2025 vừa qua, hàng nghìn học sinh Thủ đô đã thưởng thức hai vở kịch “Lời bà kể” và “Chuyện người con gái Nam Xương” tại rạp Công nhân và Bảo tàng Hà Nội.
Các em được gặp nhân vật bước ra từ tác phẩm một cách đầy màu sắc. “Chuyện người con gái Nam Xương” đã được tái hiện sống động, cuốn hút cả những em thường không hứng thú với môn Ngữ văn. Không ít học sinh xúc động đến rơi nước mắt khi chứng kiến nỗi oan ức của Vũ nương. Em Lê Minh Hằng, Trường THCS Nguyễn Du tâm sự: “Khi đọc thì em thấy buồn, nhưng đến khi xem diễn thì em mới thật sự cảm nhận rõ sự bất công với Vũ nương. Các diễn viên đã diễn rất cảm xúc khiến em và các bạn đều rất xúc động”.
Các thầy, cô giáo cũng bày tỏ sự đồng tình và cảm kích trước nỗ lực của chương trình. Cô Đoàn Thị Hoài, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Khi tác phẩm văn học được đưa lên sân khấu, giáo viên chúng tôi cũng có một cách cảm nhận khác. Học trò không chỉ học qua trang sách, mà còn thấu hiểu nhân vật bằng cảm xúc thật”. Cô Nguyễn Thị Hồng Vân dạy môn Toán tại Trường THCS Cầu Diễn nhìn thấy giá trị ứng dụng của nghệ thuật vào giảng dạy: “Qua sân khấu, các con được thấy tác phẩm mình học hiện lên một cách sống động... Nhờ đó, các con yêu thích môn Văn học hơn và cũng dễ hiểu hơn những giá trị đạo đức được truyền tải”.
![]() |
Các diễn viên hoàn thành suất diễn vở “Chuyện người con gái Nam Xương” trong sự hào hứng của các thầy cô và học sinh. |
2.Để hóa thân vào nhân vật, các nghệ sĩ đã phải tìm hiểu sâu về tâm lý thời đại và tính cách nhân vật. Như với vai diễn Trương Sinh, chồng của Vũ nương, diễn viên Tiến Huy chia sẻ: “Trương Sinh là người bảo thủ, ghen tuông nhưng lại hiếu thảo, dễ bị ảnh hưởng bởi định kiến. Tôi hy vọng các em học sinh khi xem có thể hiểu được chiều sâu nhân vật và rút ra những bài học quý giá từ đó”. Anh cũng tâm sự thêm: “Tôi cảm thấy may mắn và rất vui khi đảm nhận vai diễn này, mong rằng qua tác phẩm, các em học sinh có thể hiểu hơn về sân khấu kịch, hiểu hơn về văn học Việt Nam, về những bài học bổ ích không chỉ qua những trang sách mà còn ở đâu đó quanh ta”.
Nhà hát Kịch Hà Nội đang lên kế hoạch dàn dựng thêm nhiều tác phẩm mới được chuyển thể từ chương trình Ngữ văn hiện hành ở bậc phổ thông, trên tinh thần sát với chương trình học, giữ được chất lượng nghệ thuật và tính hấp dẫn đối với lứa tuổi học sinh. Cùng với đó là các vở hiện đại phản ánh đề tài học đường, môi trường, gia đình nhằm đa dạng hóa nội dung biểu diễn. Đại diện nhà hát chia sẻ, cách tổ chức chương trình sẽ tiếp tục linh hoạt: Có thể diễn lưu động ngay tại sân trường, hội trường lớn hoặc tổ chức linh động tại các rạp để học sinh được tiếp xúc trực tiếp với không gian sân khấu chuyên nghiệp. Sau mỗi vở kịch, học sinh sẽ tham gia phần giao lưu với nghệ sĩ, trả lời câu hỏi, chia sẻ suy nghĩ để tăng sự tương tác và gắn kết. Các buổi diễn còn hướng tới lồng ghép hoạt động chuyên đề về kỹ năng sống, giá trị sống hoặc đạo đức học đường nhằm giúp kịch nói trở thành một phần của giáo dục toàn diện.
Với mục tiêu đó, nhà hát đặt mục tiêu bảo đảm mọi trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận ít nhất một chương trình sân khấu học đường trong mỗi năm học. Nỗ lực này hẳn rằng, sẽ được tiếp thêm cảm hứng với những cảm nhận như của em Nguyễn Khá Thái, học sinh Trường THCS Cầu Diễn bày tỏ: “Xem kịch xong, em thấy các tác phẩm văn học không còn khô khan như trước nữa. Nhân vật hiện lên sống động, có cảm xúc rõ ràng nên em dễ hiểu câu chuyện hơn. Em thấy học văn qua sân khấu như thế này thú vị và ý nghĩa lắm!”.
Thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…; kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Đó là một số nội dung tại Thông báo 177-TB/VPTW ngày 25/4/2025 về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương gần đây.