Gần đây nhất, trong chương trình đầu tư sáng tác của Bộ Quốc phòng, ông đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết có tên “Viên sỏi lót đường” (NXB Văn học).
Cuốn tiểu thuyết có lối viết hoàn toàn truyền thống: Kể chuyện từ ngôi thứ ba, theo trật tự thời gian tuyến tính và quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, thỉnh thoảng người kể chuyện mới chèn vào vài câu bình luận. Nhưng là một cuốn tiểu thuyết dày đặc chi tiết hấp dẫn, có thể cuốn người đọc đi một mạch theo dòng chảy mạnh của cốt truyện và số phận nhiều ngã rẽ bất ngờ của các nhân vật.
Người đọc sẽ có dịp dõi theo lịch sử của một gia đình Hà Nội, tức gia đình nhân vật Giáp Văn Dũng - cụ nội của Dũng là cụ Giáp Văn Thông, từng làm Phó tổng Thịnh Liệt - từ thời trước cách mạng, qua kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, rồi thời hậu chiến và giai đoạn đất nước đổi mới mở cửa cho đến tận bây giờ. Gia đình ấy một lòng đi theo cách mạng. Ông bố của Dũng, tức ông Giáp Văn Sáng, công chức thời Tây giỏi chuyên môn, tiếng Pháp thành thạo, lương cao “thừa sức nuôi mười tám người” nhưng đã sớm vào Hướng đạo sinh hoạt động, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945 ở Hà Nội, rồi đưa cả gia đình vợ con lên chiến khu Việt Bắc, gian khổ mấy cũng nhất quyết không chịu “dinh tê”. Đến Giáp Văn Dũng, chàng trai giàu mơ mộng văn chương, đang là sinh viên Tổng hợp Văn thì chuyển sang công nhân đo đạc, tình nguyện đi vào chiến trường Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào thời chống Mỹ để khảo sát, mở các tuyến đường mới cho quân ta tiến vào giải phóng miền nam, nguy hiểm khổ cực đến đâu cũng vượt qua với tâm nguyện: “tự hào làm một viên sỏi lót đường cho sự nghiệp chung của cả dân tộc”.
Đọc “Viên sỏi lót đường”, bạn đọc - nhất là những người có tuổi và ở Hà Nội - cũng có dịp được sống lại thuở thanh niên sôi nổi và lãng mạn của mình giữa lòng Thủ đô “một thời đạn bom một thời hòa bình”. Những cảm xúc tình yêu bồng bột đầu đời, niềm kiêu hãnh và sự nghịch ngợm của tuổi trẻ thành thị đều được nhà văn kể lại bằng một giọng kể rất hóm hỉnh. Và ở một phía khác, từ những trải nghiệm cá nhân - nhân vật Giáp Văn Dũng mang nhiều nét thân thế và cuộc đời của chính tác giả - ông cũng kể nhiều chuyện đường rừng ly kỳ, hấp dẫn: chuyện hổ về bản ở Tây Bắc và Quảng Trị giáp Lào, chuyện bị voi rừng tấn công, chuyện bị lũ cuốn bao vây mất mấy ngày...
Đọc “Viên sỏi lót đường”, người đọc cũng có dịp được chạm đến suy nghĩ sâu kín, đau đáu của một nhà văn tuổi bát thập, qua nhân vật Giáp Văn Dũng, một kỹ sư đo đạc đã bỏ máy trắc địa để chọn lấy nghề cầm bút: “Cái nghề này nó có vẻ hào nhoáng bên ngoài. Nhưng bên trong thổ huyết ra đấy. Phải cố suốt đời. Cố mà học cho đến lúc chết”.