Ca phẫu thuật nghẹt thở…
“Tôi bấm còi inh ỏi trên cả hành trình lái xe về bệnh viện”, bác sĩ Hiền Lê nhớ lại. Chị bảo rằng: “Lần đầu tiên trong đời, tôi phóng xe trên phố như một kẻ săn bắt cướp, có lẽ nhiều người đã vô cùng khó chịu khi thấy hành động đó của tôi, nhưng ở thời điểm ấy tôi không nghĩ được nhiều”.
Về đến bệnh viện, chị nhìn thấy một thai phụ trẻ, gương mặt nhợt nhạt, huyết áp giảm sâu, có lúc không đo được. Đặt máy siêu âm thì thấy trong ổ bụng xuất huyết nặng, ngay lập tức thai phụ được chỉ định mổ cấp cứu.
Trên đường đến phòng mổ, giọng thai phụ thều thào: “Cháu thế nào cũng được nhưng xin cô cứu con cháu”, câu nói ấy chạm vào trái tim bác sĩ… Trên thực tế, tình trạng của thai phụ xấu hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu của các bác sĩ. Lựa chọn an toàn là hy sinh em bé, cắt bỏ tử cung (hoặc khâu phục hồi) của người mẹ… Trong giây phút sinh tử của người bệnh, bác sĩ Hiền Lê quyết định áp dụng các kỹ thuật y học bào thai mà chị từng được học ở các nước phát triển với hy vọng có thể cứu cả mẹ lẫn con.
Chia sẻ về kỹ thuật này, bác sĩ Lê cho biết: “Tôi may mắn đã từng được xem các chuyên gia y học bào thai của Mỹ mở tử cung người mẹ, khâu lại vết nứt đốt sống của thai nhi, rồi đưa em bé trở lại tử cung khâu phục hồi, phương pháp này được chứng minh là an toàn và tỷ lệ thành công cao”. Điểm khó khăn lớn nhất là các trung tâm y học bào thai mổ chủ động để cứu em bé chấn thương còn trong trường hợp này, khối thai và bánh nhau đã bị đẩy một phần ra khỏi tử cung nên sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Mổ mở tử cung trong thai kỳ là kỹ thuật vô cùng khó của y học bào thai. Kỹ thuật này trước đây chỉ được thực hiện ở các quốc gia có nền y học phát triển. Tại Việt Nam, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê được xem là chuyên gia đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật này sau một thời gian dài thành công với các phẫu thuật truyền máu song thai, mở ra thời kỳ phát triển mới của y học bào thai Việt Nam.
Với sự thành công của hàng trăm ca phẫu thuật truyền máu song thai trước đó, với sự hỗ trợ của ekip bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê hồi sức…, bác sĩ Hiền Lê đã khéo léo đưa khối thai khoảng 200 gr cùng bánh rau trở lại tử cung, khâu phục hồi tử cung, hút sạch dịch và máu trong ổ bụng người mẹ, vì vậy ekip thực hiện không những “giữ” được tử cung cho thai phụ mà sự sống của hai mẹ con cũng được bảo toàn.
Y học bào thai là kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực sản phụ khoa, giúp sàng lọc và điều trị một số bệnh hiểm nghèo cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ, đồng thời sàng lọc các biến chứng cho sản phụ.
… Đưa em bé 200 gr trở lại tử cung người mẹ
“Câu hỏi đầu tiên khi tỉnh dậy của bạn ấy là có cứu được con cháu không và mình rất tự hào nói với bạn ấy rằng “cô đã cứu được con cháu”, giây phút ấy thật sự rất hạnh phúc”, bác sĩ Hiền Lê xúc động tâm sự.
48 tiếng sau ca phẫu thuật nghẹt thở ấy, huyết động học của người mẹ ổn định, các chỉ số của thai nhi trở lại bình thường. Ca mổ cấp cứu cho thai phụ vỡ tử cung ở tuần thai 18 đã thành công ngoài mong đợi, đây là kỳ tích đầu tiên được ghi nhận trong y văn thế giới và được Tạp chí Sản Phụ khoa Mỹ ghi nhận.
Dù đã thành công nhưng các bác sĩ vẫn chưa hết lo lắng bởi người bệnh đã từng hai lần phẫu thuật thai ngoài tử cung và bị cắt hai bên vòi trứng nên sau tai biến vỡ tử cung, nguy cơ vỡ lần 2 kèm các nguy hiểm khác vẫn luôn chực chờ. Vì vậy, người bệnh được chỉ định điều trị nội trú tại bệnh viện, hạn chế tối đa việc di chuyển… Và kỳ tích thật sự đã đến với các bác sĩ cũng như mẹ con thai phụ khi họ đã đồng hành cùng nhau, vượt qua thời điểm khó khăn, giữ em bé trong tử cung người mẹ gần 100 ngày.
Ở tuần thai thứ 32, sau khi hội chẩn với các chuyên gia ở nước ngoài, các bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ, mổ chủ động. Cuộc phẫu thuật diễn ra trong 45 phút, bé gái nặng 1,9 kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của các y, bác sĩ. Sau gần bốn tháng kiên trì đối mặt với rất nhiều nguy hiểm của sản phụ, đến lúc này các y, bác sĩ mới có thể trút được gánh nặng.
![]() |
Bé Trương Tuệ Linh cùng bố mẹ. |
Hạnh phúc được trao cơ hội làm mẹ
Hơn hai năm qua, bệnh viện Tâm Anh có một vị trí vô cùng đặc biệt đối với gia đình chị Lành. Chính vì vậy, hàng năm chị đều đưa con trở lại đây, để thăm hỏi các bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Trung tâm Sản phụ khoa và đặc biệt cả Khoa Sơ sinh, nơi “chiến binh dũng cảm” Trương Tuệ Linh đã có những ngày đầu tiên được mẹ ôm ấp bằng phương pháp Kangaroo. Mỗi khi đưa bé Linh trở lại đây, cảm xúc của chị Lành đều rất đặc biệt. Chị tâm sự: “Đối với gia đình tôi, một lời cảm ơn không thể hết được bởi nếu không có sự tận tâm của các bác sĩ ở đây, tôi không có niềm hạnh phúc tuyệt vời này. Con gái chính là mảnh ghép trọn vẹn mà các bác sĩ đã mang đến cho gia đình tôi”.
Bác sĩ Hiền Lê chia sẻ rằng: “Đối với chị, những ngày tháng đồng hành cùng Lành là những ngày tháng khó khăn nhất. Thế nhưng khi làm một ca bệnh mà trên thế giới chưa ai làm thì mình có thể cảm thấy tự hào bởi trình độ của chúng ta không kém nước ngoài, thứ hai là các phương tiện máy móc trang thiết bị hiện đại hỗ trợ đều có đủ khả năng để đáp ứng những điều ấy” - bác sĩ Hiền Lê nhấn mạnh thêm: “Khi mình trao cho người khác cơ hội được làm mẹ, đó cũng là điều hạnh phúc nhất của một người làm nghề y”.
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa hiếm gặp, nếu không được xử lý kịp thời, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trước chị Lành, y văn thế giới chưa từng ghi nhận trường hợp vỡ tử cung ở tuần thai 18 được điều trị duy trì bảo tồn và tiếp tục nuôi thai nhi trong tử cung gần bốn tháng. Đây là bước tiến lớn, khẳng định vị thế của ngành y tế Việt Nam trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực y học bào thai.