Hành trình từ trái tim đến tri thức

Tiết tiếng Anh cuối năm học của các em học sinh lớp 5A1, Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Sủng Máng (xã Sủng Máng, Mèo Vạc, Hà Giang) thật đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Cô và trò cùng hứng thú với những trang sách tiếng Anh.
Cô và trò cùng hứng thú với những trang sách tiếng Anh.

Thay vì cô ở dưới xuôi, trò trên cực bắc chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình ti-vi thì nay là những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt xúc động trong ngày gặp mặt trực tiếp...

Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh miền núi Mèo Vạc của trường Marie Curie Hà Nội trải qua hành trình ba năm, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh trên địa bàn miền núi. Mở ra con đường mới cho những công dân trẻ tuổi vùng cao muốn thoát nghèo trên chính “cao nguyên đá” bằng ngôn ngữ quốc tế, từng bước phát triển du lịch.

Niềm khát khao được học tập

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên tham gia Dự án giảng dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học huyện Mèo Vạc của Trường Marie Curie Hà Nội lần đầu tiên gặp mặt học sinh của mình tại Trường PTDTBT tiểu học Sủng Máng nhưng đã nhận ra ngay cậu học trò Phàn Văn Thắng, học sinh lớp 5A, với đôi mắt sáng thân quen, cánh tay lúc nào cũng xung phong phát biểu rất nhanh. Khi cô bước vào lớp, bạn nào cũng hồ hởi. Thắng vóc dáng nhỏ bé, chạy rất nhanh đến ôm chặt cô và nói tiếng Kinh còn ngượng nghịu: “Con rất thích học tiếng Anh cô ạ!”. Cô giáo trẻ rơm rớm nước mắt.

Cô giáo Phàn Phàn Mẩy, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A chia sẻ, trong lớp có 18/35 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Từ khi có Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến của Trường Marie Curie Hà Nội hỗ trợ các trường tiểu học trên địa bàn huyện Mèo Vạc, các em không còn tình trạng đi học “cài răng lược” bữa học, bữa bỏ nữa. Nhiều em không còn ý định bỏ học. Các em rất thích học tiếng Anh và hào hứng với những tiết học với cô giáo dưới xuôi trên màn hình ti-vi.

Còn tại lớp 5A2 Trường PTDTBT tiểu học Sủng Trà, cô giáo chủ nhiệm Phùng Thị Nguyệt vui vẻ nói: “Suốt tiết sinh hoạt lớp hôm qua, các em học sinh chỉ luôn hỏi, bao giờ cô giáo tiếng Anh lên đây. Bạn nào cũng mong ngóng nhìn thấy cô đứng trên bục giảng trực tiếp. Mỗi lần đến tiết tiếng Anh, các em không cần cô chủ nhiệm nhắc nhở mà luôn mở sẵn sách vở và đợi hình ảnh cô giáo trên màn hình. Trong ngôn ngữ nói hằng ngày của các em, ngoài tiếng Dao, tiếng Kinh còn bập bẹ cả tiếng Anh nữa!”.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3 sẽ bắt buộc học môn tiếng Anh. Toàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có 2.609 học sinh thuộc 76 lớp 3 nhưng chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Trước những lo lắng của thầy và trò Mèo Vạc, khi chỉ còn hai tuần nữa là bước vào năm học mới, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội sau nhiều trăn trở đã quyết định hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho địa phương. Sau khi trao đổi chi tiết và khảo sát tình hình thực tiễn, ngày 9/9/2022, Trường Marie Curie Hà Nội tổ chức dạy thử, kiểm tra kết nối đường truyền, thiết bị tại điểm đầu Hà Nội và điểm cuối là các trường tiểu học tại Mèo Vạc. Ngày 12/9/2022, dự án đã được triển khai đồng loạt tại 76 lớp 3 trường tiểu học huyện Mèo Vạc.

Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên tham gia dự án giảng dạy tiếng Anh trực tuyến cho các học sinh huyện Mèo Vạc từ những ngày đầu nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in buổi học đầu tiên với lớp 3A3 Trường PTDTBT tiểu học Xín Cái. Lần đầu tiên các em học sinh được tiếp xúc với lớp học qua zoom chứ không phải lớp học truyền thống nên rất e dè, chỉ nhìn cô cười, không dám nói, không dám phát biểu. Nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ở các điểm trường nhỏ, khi có tiết tiếng Anh mới ra điểm trường chính để học. Các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc, chưa diễn đạt được rõ ràng những từ đơn giản trong tiếng Việt nên việc học tiếng Anh càng không dễ…”. Nhưng hình như, có một sự kết nối kỳ lạ, chỉ sau 1-2 buổi học, cô Nga đã thuộc tên các em, thậm chí nhớ cả “điệu bộ” từng bạn. Hôm nay, các em học sinh 3A3 đã lên 5A3. Ở buổi gặp gỡ cuối cấp này, các em học sinh nhút nhát ngày nào đã ùa đến ôm lấy cô, với những giọt nước mắt và giọng nói nghẹn ngào: “Em thấy học tiếng Anh rất thú vị. Em không muốn xa cô!...”.

Hành trình từ trái tim đến tri thức ảnh 1

Buổi học trực tiếp, các em học sinh được thấy cô trên bục giảng.

Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học huyện Mèo Vạc giai đoạn 2022 - 2025 đã hoàn thành. Sự bịn rịn, quyến luyến chia tay cùng những cái ôm thật chặt của cô và trò tại 18 điểm trường khiến những ai chứng kiến đều không cầm được nước mắt. Thế rồi, niềm vui lại vỡ òa khi các em học sinh tiểu học tại huyện Mèo Vạc được tham gia cuộc thi tiếng Anh với tên gọi “Đường lên đỉnh Mã Pí Lèng” do Trường Marie Curie Hà Nội phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) địa phương tổ chức ngay ở vùng cao nguyên đá. Đây là cuộc thi có “một không hai” tại đây, nên thầy trò đều rất mong chờ. Mỗi trường thành lập một đội thi gồm 4 thành viên. 18 đội cùng so tài kiến thức tiếng Anh qua 3 vòng thi: Khởi động, Tăng tốc và Về đích. Tiếng hò reo, tiếng vỗ tay vang dội qua những vòng thi gay cấn…

Tiếng Anh đã được đến với những đứa trẻ vùng cao một cách giản dị, vui nhộn như thế bằng trái tim đầy nhiệt huyết của các thầy, cô giáo.

“Tôi nhận ra rằng, ẩn sau sự rụt rè, ngại ngùng ban đầu của các em học sinh là niềm khát khao được học tập. Khi ấy, tôi nhận ra mình không chỉ đang dạy tiếng Anh mà còn góp phần gieo hy vọng và niềm tin cho những em nhỏ vùng cao nguyên đá”, cô Đặng Thị Linh, giáo viên tham gia Dự án của Trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ.

Lan tỏa giá trị nhân văn

Thầy Nguyễn Xuân Khang khẳng định, Trường Marie Curie Hà Nội đã thực hiện một nhiệm vụ chính trị quan trọng với địa phương ở cực bắc của Tổ quốc là góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cho các huyện miền núi và thực hiện một công việc chuyên môn cần thiết của ngành giáo dục với vùng đặc biệt khó khăn. Thầy chia sẻ: “Sáng nay, nước mắt của các cô giáo và học trò đã rơi trong buổi chia tay tại các trường tiểu học của huyện Mèo Vạc. Chiều nay, nụ cười của các cô giáo và học trò đã xuất hiện khi cùng “trèo lên” đỉnh Mã Pí Lèng cao vời vợi. Hình ảnh thân thương này mãi là dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục của chúng tôi. Thầy, cô Trường Marie Curie đã làm theo “mệnh lệnh” từ trái tim, với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chúng tôi tự hào và yên tâm với những việc làm được trong ba năm qua”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang nhớ lại: “Sau khi nhận lời thì tôi lo đến mất ngủ mấy đêm liền. Đây là một việc làm rất nghiêm túc vì là dạy học chính khóa, không như dạy bổ túc, xóa mù”. Trong ba năm ấy, Trường Marie Curie Hà Nội đã tổ chức tổ chuyên môn xây dựng chương trình dạy tiếng Anh cho các em học sinh tiểu học Mèo Vạc như dạy học trực tiếp bình thường, có họp chuyên môn hằng tuần, hằng tháng. Trong quá trình giảng dạy hay sau kết quả đánh giá học tập của các em học sinh sẽ có phương án điều chỉnh phù hợp. Học sinh kém sẽ được “hai đầu cầu” hỗ trợ ngay.

Để giúp cô và trò không chỉ biết nhau qua “màn ảnh nhỏ”, mỗi năm hai lần, vào cuối học kỳ 1 và 2 cô trò lại gặp gỡ nhau tại các điểm trường. Đây cũng là dịp, cô được ngắm nhìn rõ hơn những khuôn mặt thơ ngây, đáng yêu của học trò. Trò được thấy cô đứng trên bục giảng. Cô trò cùng nhau ăn bữa cơm bán trú, trao cho nhau những lá thư tay chan hòa tình yêu thương của học sinh Trường Marie Curie Hà Nội gửi gắm lên các em nhỏ vùng cao. Việc dạy và học vì thế cũng ấm áp, thân thương.

“Mệnh lệnh từ trái tim” cũng đã thúc giục một huyện miền núi khó khăn như Mèo Vạc cùng đồng lòng triển khai dạy và học tiếng Anh cho học sinh tiểu học từ năm lớp 3. Để bảo đảm dự án triển khai hiệu quả, UBND huyện Mèo Vạc đã chủ động rà soát, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trực tuyến cho các trường. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường chủ động kết nối với Trường Marie Curie Hà Nội để sắp xếp thời khóa biểu, tổ chức dạy các tiết tiếng Anh cho phù hợp chương trình giảng dạy chung ngay từ đầu năm học.

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Học sinh được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Các em được học tiếng Anh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong giờ học, các em hứng thú với hình thức học trực tuyến, hợp tác, trao đổi ý kiến với giáo viên dạy trong các tiết học. Các thầy, cô giảng dạy tiếng Anh trực tuyến từ Trường Marie Curie Hà Nội có chuyên môn tốt, nhiệt tình, trách nhiệm, thường xuyên phối hợp, chia sẻ với các giáo viên hỗ trợ quản lý lớp học”.

Chứng kiến việc làm trên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ông trân trọng và đánh giá rất cao những đóng góp hiệu quả của cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie Hà Nội với cộng đồng, với giáo dục vùng khó khăn. Đầu năm học 2023-2024, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã quyết định trao tặng Bằng khen cho cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang và Bằng khen cho tập thể Trường Marie Curie Hà Nội.

Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh vùng cao của Trường Marie Curie Hà Nội như một hành trình “từ trái tim đến tri thức” đã có sức lan tỏa tới cộng đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, một số tổ chức, cá nhân đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Mèo Vạc để triển khai theo. Trong các năm học tới (2023-2024 và 2024-2025), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã phân công giáo viên hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang và nhóm thiện nguyện “Những bước chân xanh” của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức giảng dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh huyện Mèo Vạc.

Hành trình từ trái tim đến tri thức ảnh 2

Thầy Nguyễn Xuân Khang và các em sinh viên Mèo Vạc sau này sẽ trở về dạy tiếng Anh trên quê hương mình.

Trao cần câu

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến hết học kỳ 1 năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở hầu hết địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây thật sự là bài toán cần sớm có lời giải, đòi hỏi ngành giáo dục nhanh chóng có những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo T.Ư bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên, bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm biên chế được giao chưa sử dụng và biên chế được bổ sung năm học 2024-2025); không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.

Ông Bùi Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang dự báo, đến năm 2030 địa phương vẫn rất khó về nguồn tuyển giáo viên môn tiếng Anh. Thực tế, hiện toàn tỉnh còn thiếu gần 3.000 giáo viên so với định biên của Bộ, còn so với biên chế được giao thì vẫn còn thiếu gần 1.000 giáo viên. Nghĩa là có biên chế nhưng chưa tuyển dụng được, đặc biệt là những môn như tiếng Anh, Tin học, khoa học tự nhiên... Trong khi đó, chưa có chính sách đặc thù nào để thu hút và tuyển dụng, giáo viên sẽ chọn những nơi thuận lợi hơn để công tác.

Riêng tại huyện Mèo Vạc, năm học 2025-2026, dự kiến sẽ có 250 lớp từ lớp 3 đến lớp 5 với khoảng 8,5 nghìn học sinh (lớp 3-4-5); trong khi biên chế giáo viên tiếng Anh tiểu học hiện có là 5 người, thiếu 30 giáo viên. Trước thực trạng này, ông Bùi Quang Trí bày tỏ sự trân trọng với các dự án giáo dục đặc biệt ý nghĩa của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie Hà Nội đã dành cho huyện Mèo Vạc, cũng là cho giáo dục Hà Giang. “Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi đang rà soát lại để xây dựng đề án về Đào tạo giáo viên từ nay đến năm 2030. Để đào tạo được, cần có nhiều cơ chế như cử tuyển, đặt hàng… từ chính nguồn lực của địa phương để giữ họ, khuyến khích họ phục vụ quê nhà. Tức là rất cần những giải pháp căn cơ và bài bản”, ông Trí nói.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học huyện Mèo Vạc giai đoạn 2022 - 2025 có 23 giáo viên giảng dạy và 4 thầy, cô làm công tác quản lý và điều hành. Có 18 trường tiểu học, 76 lớp với gần 2,5 nghìn học sinh được học khoảng 24 nghìn tiết học tiếng Anh trực tuyến. Năm học 2024-2025, có một em đoạt Giải Khuyến khích giao lưu tiếng Anh cấp tỉnh, chín học sinh đoạt giải giao lưu môn tiếng Anh cấp huyện. Tham gia kỳ thi IOE (tiếng Anh qua mạng) cấp huyện có 14 học sinh đoạt giải. Dự án đã giúp huyện Mèo Vạc giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cục bộ và tiết kiệm được một phần ngân sách nhà nước khoảng 3.591 triệu đồng.

Trước khi Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến Trường Marie Curie Hà Nội cho học sinh tiểu học huyện Mèo Vạc kết thúc, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang lại không đành lòng khi nghĩ đến những khó khăn về thiếu giáo viên tiếng Anh của huyện Mèo Vạc. Ông tâm niệm tặng “con cá” lúc nguy cấp là rất cần, nhưng để lâu dài và bền vững thì phải có “cần câu”. Ông chủ động đề xuất UBND huyện Mèo Vạc về việc phối hợp đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện với hình thức “cử tuyển” kết hợp xã hội hóa, đặt tên cho dự án là “Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc”, ký hiệu là MV3.

Theo biên bản cam kết, Trường Marie Curie Hà Nội sẽ hỗ trợ đào tạo 30 giáo viên cho huyện Mèo Vạc với dự tính kinh phí 6 - 12 tỷ đồng. Huyện Mèo Vạc tìm học sinh là con em tại địa phương, trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngôn ngữ Anh, bố trí cho các em về dạy học tại các trường trên địa bàn huyện sau khi ra trường. Trường Marie Curie hỗ trợ kinh phí đào tạo, ăn ở ít nhất 5 triệu đồng/em/tháng (từ tháng 12/2023). Mức này có thể tăng lên đến 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc thành tích học tập của các em. Tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản của các em mỗi tháng thực học. Hiện nay đã có 33 sinh viên tham gia dự án.

Thầy Khang nhắn nhủ các sinh viên: “Mong các con cố gắng học tập để có kết quả tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp, các con sẽ trở về quê hương, cùng các thầy, cô giáo hiện nay dạy dỗ các em học sinh của huyện”.

UBND huyện Mèo Vạc vừa công bố quyết định thành lập Trường PTDTBT Marie Curie - Mèo Vạc. Ngôi trường trị giá khoảng 100 tỷ đồng, do Trường Marie Curie Hà Nội xây tặng. Dự kiến, trường sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm học 2026-2027. Trước đó, dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc” đang được Trường Marie Curie Hà Nội triển khai tại xã Khâu Vai. 33 sinh viên (được hỗ trợ từ Dự án Hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc được triển khai cách đây 2 năm), theo cam kết sẽ về Mèo Vạc ứng tuyển làm giáo viên dạy tiếng Anh trên chính quê hương mình.

Vàng Thị Lía là người dân tộc H’Mông, nhà ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc. Em vừa kết thúc năm thứ hai sinh viên ngành ngôn ngữ Anh (Trường đại học Khoa học Thái Nguyên). Trọ học xa nhà, đủ thứ phải chi tiêu nhưng mỗi tháng bố mẹ Lía chỉ có thể gom góp, vay mượn gửi cho con nhiều nhất là 1 triệu đồng, còn bình quân là 500.000 đồng, thậm chí có tháng chỉ có 300.000 - 400.000 đồng. Những tháng đầu tiên xa nhà, chưa thể làm thêm việc gì, Lía tâm sự nhiều lúc cảm thấy hoang mang, không biết mình có thể để tiếp tục “bám trụ” để học và tốt nghiệp được không… Rất may mắn, Lía là một trong số sinh viên của dự án “Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc” mà Trường Marie Curie Hà Nội là “nhà đầu tư”. Em bày tỏ: “Em rất biết ơn dự án đã tạo điều kiện cho chúng em có cơ hội theo đuổi ước mơ, không chỉ giúp gia đình em về tài chính mà còn là nguồn động lực lớn lao giúp em phải quyết tâm học, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại tốt để chắc chắn sẽ trở về làm cô giáo dạy học ở quê hương Mèo Vạc”.

Ông Bùi Quang Trí xúc động nói: “Thầy Khang đã kể lại hành trình hỗ trợ giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc một cách rất giản dị, nhưng đã giúp giải cho Hà Giang bài toán khó khăn nhất trong thời điểm khởi đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Và sau này, chính thầy lại giúp địa phương vùng núi khó khăn như Hà Giang phát triển giáo dục một cách bền vững. Thời gian tới, mô hình hỗ trợ của Trường Marie Curie Hà Nội sẽ được chính quyền và ngành giáo dục và đào tạo Hà Giang áp dụng, nhân rộng.

Tại buổi chia tay Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học Mèo Vạc của Trường Marie Curie Hà Nội, cô giáo miền xuôi Nguyễn Thị Nga nắm chặt tay em Vi Thị Sùng, lớp 5A, Trường PTDTBT tiểu học Pải Lùng (huyện Mèo Vạc) và căn dặn: Mèo Vạc có nhiều địa danh du lịch như đèo Mã Pí Lèng, làng người H’Mông ở Lô Lô Chải, chợ tình Khau Vai, sông Nho Quế… Cô tin, một em học sinh chăm học như em sẽ yêu môn tiếng Anh mà cô đã truyền đạt. Sau này em hãy tiếp tục học giỏi tiếng Anh để thay đổi cuộc sống khó khăn của gia đình mình. Hãy để nhiều khách du lịch đến với Mèo Vạc là các em đã làm giàu quê hương mình!”.