Trên vùng đất thuần khiết (kỳ 2)

Kỳ 2: Giữa niềm tin và hạnh phúc
0:00 / 0:00
0:00
Thung lũng Hunza.
Thung lũng Hunza.

(Tiếp theo và hết)

Pakistan sở hữu giải Nobel Vật lý từ năm 1979 và là một trong những quốc gia đạt tới độ bình đẳng giới nhất nhì khu vực Hồi giáo. Bất chấp những con số thống kê và cảnh báo bất ổn kinh tế, địa chính trị, Pakistan vẫn có những thành tựu mà họ tự hào.

Ở thung lũng trường thọ

Đó là Hunza, một thung lũng nằm ở phía bắc Pakistan, nổi tiếng bởi hai thứ : đỉnh K2 và tuổi thọ. Hunza nằm ở nơi giao nhau của ba dãy núi lớn: Himalaya, Karakoram và Hindu Kush. Chính sự giao nhau ấy đã tạo nên một thung lũng kín đáo, biệt lập, nơi thiên nhiên khắc nghiệt và tinh khiết nhất cùng tồn tại. Vùng đất này như một “ốc đảo sinh học” trong lòng các đỉnh núi cao nhất thế giới, với khí hậu trong lành, nguồn nước tinh khiết từ băng tan, chế độ ăn uống đơn giản, và đời sống cộng đồng chặt chẽ.

Người Hunza từ lâu được mệnh danh là “dân tộc sống thọ nhất thế giới”. Trong nhiều tài liệu từ đầu thế kỷ 20, các nhà thám hiểm phương Tây từng ghi nhận những người đàn ông Hunza vẫn khỏe mạnh khi ngoài 100 tuổi, phụ nữ sinh con ở tuổi 60, và hầu như không có bệnh tim mạch hay ung thư. Riaz là một người Hunza quý tộc. Tôi gọi như vậy bởi ông là hậu duệ của vua xứ Hunza trong lịch sử. Họ hàng của vị vua này, trong đó có Riaz hiện vẫn đang sống dưới chân pháo đài Baltit - nơi từng là nhà của tổ tiên họ. Ông kể khi ông còn bé, những người già trong làng thọ hơn 100 tuổi không phải là chuyện hiếm. “Những người Muslim tốt sẽ được hưởng phúc”, ông bảo.

Ở đây, người ta ăn quả mơ, hạt óc chó, bánh nướng làm từ bột nguyên cám, uống nước đá tan và chè lá rừng. Những vườn táo trĩu quả hai bên đường, ai cũng có thể tùy ý hái. Riaz nói người ta sẽ để những cây táo ở đó, không thu hoạch hết. Bởi vì sẽ có những người nghèo, thiếu ăn, họ sẽ cần đến những quả táo đó lót lòng. Đó là một đặc trưng ở Hunza.

Không có thực phẩm chế biến sẵn. Không có đồ uống công nghiệp. Không có ô nhiễm. Tất cả đều do chính tay họ trồng, hái, làm ra. Bữa ăn ngon nhất của cả hành trình của chúng tôi, chính là bữa ăn ở nhà Riaz, nơi chân pháo đài Baltit, trong ngôi làng cổ nhất Hunza - chỉ gồm bánh Chapati, rau xanh, và nước mơ ép. Đó là những thứ đồ mà họ dành cho khách quý.

Tuy nhiên, Hunza không hẳn là thiên đường như nhiều bài viết lãng mạn thường mô tả. Cuộc sống ở đây rất khắc nghiệt. Dù có tuổi thọ cao, người dân Hunza phải đối mặt với điều kiện sống cực kỳ thiếu thốn. Ở nhiều khu vực, điện chỉ có vài tiếng mỗi ngày. Khi mùa đông đến, băng phủ trắng cả thung lũng, mọi giao thông gần như bị cắt đứt, và việc có được nước sinh hoạt trở nên khó khăn vì suối đóng băng.

Một chủ nhà nghỉ nhỏ nói với tôi rằng: “Nếu bạn đến đây mùa đông, bạn sẽ thấy Hunza là nơi khắc nghiệt thế nào. Chúng tôi sống bằng củi khô và thực phẩm dự trữ cả mùa”. Nơi đây, cuộc sống vẫn xoay quanh nhịp điệu cổ xưa, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. 7 giờ tối là mọi vật chìm trong tĩnh lặng. Chỉ còn vài ánh sáng le lói từ một vài căn nhà có đèn sạc, hoặc một vài khách sạn nhỏ. Người ta thường đứng trước cửa nhà, thì thầm nói chuyện với nhau trong bóng tối. Như mọi cơn lốc đô thị hóa, khu làng hạnh phúc nhất thế giới cũng phải đối mặt với cuộc di cư của những thanh niên đến tuổi lao động. Trong làng chủ yếu chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ con. Thanh niên hầu hết đến các thành phố lớn làm việc.

Mấy ngày ở Hunza khiến tôi lại nhớ cảnh mất điện ngày đầu tới Islamabad. Tình trạng tiết kiệm điện ở Pakistan có vẻ như mâu thuẫn với một vài báo cáo, rằng Pakistan đang phát triển năng lượng mặt trời tới mức cực đoan. Chính phủ Pakistan đã nhập 1,4 tỷ USD pin mặt trời từ Trung Quốc trong năm 2024. Mục tiêu của đất nước này là năm 2025 sẽ sử dụng 20% năng lượng tái tạo. Có điều, như Riaz nói, chỉ có ở các thành phố lớn như Islamabad mới đủ điện, với chi phí khá đắt đỏ. Chính sách không phải bao giờ cũng đến hết được với quảng đại quần chúng.

Hunza kéo tôi trở lại cảm giác của vài chục năm trước. Khi mà không có gì ngoài những trò chơi truyền thống. Trong suốt hành trình, tôi không thấy ai tranh cãi, vội vã hay buồn bực. Người dân Hunza có một kiểu bình thản khiến ta nghi ngờ rằng liệu họ có bao giờ biết đến khái niệm “stress”. Tôi hỏi một hướng dẫn viên địa phương - Karim - rằng anh có muốn rời Hunza để đến Karachi hay Islamabad không. Anh cười: “Tôi từng đi rồi. Ở đó có quá nhiều người, quá nhiều xe. Ở đây, tôi biết từng ngọn núi, từng dòng suối. Tại sao phải đi cơ chứ”.

Từ Hunza, có thể nhìn thấy đỉnh Rakaposhi - một trong những đỉnh núi cao nhất Pakistan, được coi là thiêng liêng. Ngọn núi như luôn phủ một lớp tuyết sáng bạc, phản chiếu ánh nắng như tấm gương soi trời. Khi mặt trời lặn, Rakaposhi nhuộm hồng, và cả thung lũng như chìm trong một bức tranh cổ tích.

Gần đó là ngọn K2 - ngọn núi cao thứ hai thế giới, sau Everest. Nhưng nếu xét về độ khó chinh phục, K2 có lẽ là “quái vật” của Himalaya. Kể từ lần đầu tiên có người đặt chân lên đỉnh vào năm 1954, đến nay vẫn chỉ có hơn 300 người thành công, trong khi đã có 77 người bỏ mạng. Các nhà leo núi gọi nó là “đỉnh núi tàn nhẫn”. Dù thế, người Hunza sống dưới chân K2 lại hiền hòa, tử tế, và đầy lòng hiếu khách - như thể thiên nhiên dữ dội kia đã được hóa giải bằng chính con người nơi đây.

Riaz rất tự hào rằng, Hunza là một nơi mà tư tưởng bình đẳng giới khá cao: “100% trẻ em gái được đi học”. Phụ nữ được tham gia các hoạt động cộng đồng, đi làm, tham gia tour du lịch, làm giáo viên, hướng dẫn viên, thậm chí là chủ cửa hàng. Trong một xã hội Hồi giáo như Pakistan, điều này là rất khác biệt. Người Hunza theo nhánh Hồi giáo Ismaili - một nhánh của dòng Shia nhưng cởi mở hơn, đặc biệt là về giáo dục nữ giới. Đôi khi, một cơn gió có thể làm chiếc Hijab lệch đi, lộ ra một phần mái tóc nữ giới, nhưng đó không phải là điều làm các cô gái Hunza quá hốt hoảng.

Làng “độ xe”

Nói về niềm tin hạnh phúc, thì cứ phải nhìn những chiếc xe ở Pakistan. “Độ xe” với những biểu tượng màu sắc không phải chuyện lạ ở các nước Arab. Nhưng Pakistan dường như là đất nước “độ xe” với niềm tin lớn lao nhất.

Hầu như tỉnh nào của Pakistan cũng sẽ có một công xưởng để trang trí những chiếc xe như vậy. Ở khu vực tỉnh Punjab, khu làng nghề vẽ xe có tên Kacha Stop ở Rawalpindi, gần sân bay cũ. Những chiếc xe tải - vốn chỉ là phương tiện chở hàng - được người Pakistan biến thành tác phẩm nghệ thuật.

Chúng được sơn tay cầu kỳ, với những họa tiết hoa lá, hình chim công, câu thơ Urdu, và cả những hình vẽ đền đài. Người ta tin rằng xe càng đẹp, càng được phù hộ. Đó không chỉ là tín ngưỡng, mà còn là một cách xoa dịu nỗi bất an - như thể, trong một đất nước còn nhiều bất ổn, việc trang trí một chiếc xe cũng là cách giữ gìn hy vọng.

Tôi gặp ông Muhammad Arshad - một họa sĩ xe nổi tiếng, người bắt đầu học nghề từ năm 7 tuổi. Những chiếc xe vẽ tay luôn tốn nhiều chi phí hơn xe bọc bằng thép thông thường. Xe trang trí thông thường chỉ mất độ 1,5 triệu rupees (khoảng 100 triệu đồng tiền Việt), nhưng xe vẽ tay có thể gấp 5-6 lần như thế. “Mỗi chiếc xe tôi vẽ phải mất hơn một tháng”, Arshad kể, “Mỗi năm chủ xe đều mang về sửa sang, làm mới. Họ tin chiếc xe là bộ mặt của mình, cũng như người ta mặc đồ đẹp để đi lễ”. Đây không phải để khoe khoang, mà là biểu tượng của niềm tin, của nghề nghiệp. Arshad không biết chữ, ông chỉ biết cầm cọ.

Tôi ngồi trong xưởng vẽ, lắng nghe tiếng chổi sơn, mùi dầu bóng, tiếng loảng xoảng gò hàn và nhìn thấy những cậu bé học việc như thể đang học một nghi thức cổ xưa. Không phải chỉ học vẽ, mà học cả sự kiên nhẫn - như chính cách người Pakistan tồn tại qua các biến cố.

Tôi nhớ lại một câu nói được viết trên thùng xe: “Allah sẽ bảo vệ kẻ hành thiện”. Có thể đó là lời tự nhủ, cũng có thể là một lời nhắn gửi tới thế giới.

Biên giới không chỉ là một đường kẻ trên bản đồ. Ở Pakistan, đó là nỗi ám ảnh - gắn chặt với lịch sử chia cắt, chiến tranh, và hoài nghi. Kể từ năm 1947, khi Ấn Độ và Pakistan chia tách, gần 18 triệu người đã phải di dời. Gần 1 triệu người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn tôn giáo. Và vết thương ấy đến nay vẫn chưa khép lại. Dù nhiều năm trôi qua, Pakistan và Ấn Độ vẫn thường xuyên rơi vào căng thẳng. Trên đường phố, hình ảnh quân nhân với súng trường và barie kiểm tra túi xách là chuyện thường ngày.

Ngoài xung đột chính trị, người dân Pakistan còn đối mặt với khủng hoảng kinh tế, thiếu năng lượng, lạm phát tăng. Dọc cao tốc Karakoram, chúng tôi đã gặp rất nhiều những nhóm gia đình đào vàng. Họ lang thang dọc các bờ sông năm này qua năm khác, đôi khi đãi được một chút bụi vàng đem đổi đồ ăn qua ngày. Họ dựng những chiếc lều tạm bợ, dùng một vài tấm pin mặt trời duy trì năng lượng. Những đứa trẻ sinh ra từ các bãi đào vàng đều nằm ngoài danh sách công dân, càng không được đến trường. Cuộc sống dạy chúng trở nên táo tợn mỗi khi có ai đó dừng chân gần khu vực dựng lều. “Chưa ai giàu vì nó cả”, Riaz nói.

Nhưng giữa tất cả, người Pakistan vẫn chọn sống một cách đầy niềm tin. Tại Faisal Masjid - ngôi đền lớn nhất Pakistan ở Islamabad, tôi thấy hàng trăm người cúi đầu cầu nguyện, trong sự yên lặng. Mái vòm đền có thể mở ra đón ánh sáng, như một biểu tượng của sự cởi mở và khát khao hướng thượng.

Có lẽ, đó là điều đặc biệt nhất tôi cảm nhận được ở Pakistan: một đất nước vừa thô ráp vừa huyền bí, vừa đầy thương tích lại vẫn tràn hy vọng. Người dân nơi đây sống bằng những giá trị gắn chặt với đất - nước - trời - và Thượng đế của họ.

Trên vùng đất thuần khiết (kỳ 1)