Động lực chính trong tạo việc làm bền vững

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được đánh giá là cơ hội để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tư nhân và sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển thị trường lao động một cách bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức.
Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức.

Cần quy định chi tiết đối tượng được vay vốn tạo việc làm

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Quốc hội sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ bảo đảm nguồn kinh phí để xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động và hệ thống thông tin về lao động; điều chỉnh, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu về người lao động; bảo đảm tính liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu (cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,…); có quy định khuyến khích người lao động chủ động đăng ký lao động; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện khai trình lao động...

Liên quan đến việc tổ chức dịch vụ việc làm công, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng tổ chức dịch vụ việc làm gồm tổ chức dịch vụ việc làm công (trung tâm dịch vụ việc làm trước đây) và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm (khoản 2 Điều 28), giao Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm công (khoản 6 Điều 28).

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung để bảo đảm việc thể chế hóa đầy đủ nhất các chủ trương lớn của Đảng; trong đó cần ưu tiên, hỗ trợ kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững cho người lao động; xem xét phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc; có cơ chế phối hợp liên ngành trong triển khai chính sách giải quyết việc làm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, quy định thiếu chi tiết về đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt với nhóm lao động có đặc thù khác biệt với lao động truyền thống như: Lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức (không ký hợp đồng lao động), lao động trong khu vực phi chính thức (buôn bán nhỏ lẻ, lao động gia đình không trả lương, thợ thủ công cá thể…) và nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến (như lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ, người làm việc tự do trực tuyến…). Do đó, cần làm rõ, quy định cụ thể, chi tiết hơn đối tượng lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng đề nghị xem xét bổ sung thêm vào dự thảo Luật Việc làm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm là: “Người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Bởi vì, đối tượng này cũng rất cần được quan tâm, hỗ trợ để họ có thêm cơ hội tự tạo việc làm cho bản thân, sớm tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm nguy cơ tái phạm.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy di cư lao động có tổ chức. Tuy nhiên, các điều khoản hiện tại mới chỉ dừng ở phần điều kiện vay, chưa đủ chặt chẽ ở khâu giám sát sử dụng vốn và xử lý rủi ro. Do đó đại biểu đề xuất bổ sung: “Người vay vốn có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm cho cơ quan quản lý địa phương hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích hoặc có dấu hiệu gian lận, tổ chức cho vay có quyền tạm dừng giải ngân, thu hồi vốn sớm hoặc xử lý theo quy định của pháp luật”.

Quan tâm đội ngũ lao động sau sắp xếp

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, Đảng, Nhà nước đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị trong cả nước. Từ đó sẽ có một lực lượng lao động từ khu vực Nhà nước gia nhập thị trường lao động. Đây là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, kỷ luật tốt, vì vậy, ban soạn thảo dự thảo Luật cần cập nhật thực tế này để nghiên cứu và có chính sách phù hợp, phát huy cao nhất nguồn lực này vào phát triển đất nước.

Các đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) và đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) kiến nghị ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung lực lượng cán bộ, công chức, viên chức vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, vì lực lượng này cũng là người lao động và có thể đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Chính sách này bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm tính công bằng giữa các lực lượng lao động trong xã hội.

Quan tâm đến chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, về mức trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng, đây là mức thấp, khó bảo đảm mức sống trong hoàn cảnh người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Do đó, đại biểu kiến nghị mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên khoảng 65% mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh..., Chính phủ được phép nâng mức hưởng cho người lao động lên cao nhất 75%.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu kiến nghị với ban soạn thảo dự thảo Luật là cần quy định thời gian nghỉ thai sản của người lao động được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, để đồng nhất quy định với các loại bảo hiểm khác (đều được tham gia bảo hiểm trong thời gian nghỉ thai sản).

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội; đồng thời cho biết, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật một cách tốt nhất.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc làm, giải quyết việc làm và người lao động đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được thông qua vào ngày 11/6/2025.