Đưa làng rèn dao vào bản đồ trải nghiệm văn hóa

Gần đây, nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài truyền tai nhau về tour trải nghiệm rèn dao độc đáo tại một xưởng nhỏ nằm sâu trong làng Đa Sỹ. Chủ xưởng - nghệ nhân Lê Ngọc Lâm từng bỏ chức giám đốc công ty xây dựng để trở về thổi luồng sinh khí mới cho nghề gia truyền đang mai một.
0:00 / 0:00
0:00
Qua dự án “Bén Lửa”, ngày càng nhiều bạn trẻ đến xưởng rèn Lê Lâm để trải nghiệm và hiểu hơn về giá trị làng nghề.
Qua dự án “Bén Lửa”, ngày càng nhiều bạn trẻ đến xưởng rèn Lê Lâm để trải nghiệm và hiểu hơn về giá trị làng nghề.

“Nhiều người bỏ nghề, tôi càng phải quay về”

Gia đình có 5 đời làm nghề rèn, Lê Ngọc Lâm (sinh năm 1982, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) lớn lên trong tiếng đe, búa giòn giã. Lên 8 tuổi, cậu bé bắt đầu phụ bố những việc nhẹ như đứng quạt lò, quay bễ, đánh vảy, chùi dao… “Bố tôi thường dậy từ 3, 4 giờ sáng để làm dao, chiều lại đạp xe ra các chợ lớn ở Hà Nội bán lấy tiền nuôi cả 10 anh chị em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Hình ảnh ấy in sâu trong tâm trí tôi, là động lực lớn nhất giúp tôi vững tâm giữa nhiều đổi thay”, nghệ nhân 8X kể.

Ký ức tuổi thơ vui nhất của anh là những ngày xưởng của nhà nghỉ làm, anh rủ bạn bè trong xóm sang chơi, cùng nhau chế tạo những con dao thô sơ theo ý thích con trẻ. Lớn lên, Lê Ngọc Lâm tốt nghiệp Trường đại học Giao thông vận tải, rồi trở thành kỹ sư, giám đốc một công ty xây dựng. Nhưng đến năm 2016, trong một lần tình cờ xem chương trình Sinh ra từ làng trên VTV6, anh như thấy chính mình qua câu chuyện của những người trẻ rời thành phố nhưng vẫn đau đáu với nghề truyền thống.

Thời điểm đó, việc xây dựng cầu đường gặp nhiều khó khăn, phải thường xuyên xa nhà. Còn cái nghề từng được mệnh danh “đệ nhất dao kéo” thì đang lụi tàn. Dao kéo bán chậm, thu nhập bấp bênh, lớp trẻ theo nghề thưa thớt, nhiều người chán cảnh lao động vất vả, bụi bặm nên bỏ nghề chuyển sang làm tự do. Lê Ngọc Lâm chia sẻ: “Rất nhiều người không muốn theo nghề nữa thì tôi lại càng phải quay về để “nhóm lại” ngọn lửa lò rèn”.

Gia đình anh không khỏi bất ngờ, thậm chí phản đối. “Mẹ và các anh chị hỏi tôi, người ta học hành để thoát khỏi cái nghề nặng nhọc này không được, còn tôi đỗ đạt đàng hoàng sao lại quay về cầm búa, cầm đe? Tôi khẳng định nếu mình biết vận dụng kiến thức đại học, kinh nghiệm từng trải vào công việc thì có thể lan tỏa nghề rèn theo một cách khác. Tôi tự nhủ không có gì là không thể làm được, chỉ có chưa làm được, cần làm lại, làm tiếp và làm tiếp”, anh nói.

Sau nhiều lần thử nghiệm, cải tiến máy móc, xưởng rèn Lê Lâm đã ứng dụng thành công nhiều thiết bị giúp tăng năng suất, đồng đều chất lượng sản phẩm, giảm bớt nhân công và sức lao động. Điển hình như sử dụng búa máy thay sức người khi rèn dao, máy ép thủy lực đóng cán, máy khắc laser khắc tên thương hiệu thay cho đóng dấu thủ công… Nhờ đó, xưởng có thể vận hành hiệu quả với 6-8 nhân công mà vẫn bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Anh Lâm dành sự quan tâm lớn đến bảo vệ môi trường, điều còn ít được chú trọng tại các cơ sở sản xuất thủ công. Khu vực rèn được lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi hiện đại với quạt hút đưa bụi sắt, bụi than lên buồng chứa, sau đó xối nước để lắng thành tro và vệ sinh định kỳ. Nhờ đó, lượng bụi thải ra môi trường đã được giảm thiểu tới 90%.

Nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm, bí quyết nghề truyền thống như kỹ thuật tôi thép, làm lưỡi dao với công nghệ hiện đại, xưởng rèn Lâm Ánh ngày càng “tiếng lành đồn xa”. Các dòng sản phẩm đa dạng như dao chặt, dao thái, dao tỉa hoa quả, dao thái thuốc bắc, dao cắt lốp ô-tô, dao lạng da... đều được đánh giá cao. Hiện nay, khoảng 70% sản phẩm của xưởng được tiêu thụ trong nước, 30% dành cho xuất khẩu. Trong năm 2025, tỷ lệ này sẽ hướng tới cân bằng 50-50, mở rộng thị trường quốc tế song song với giữ vững thị phần nội địa.

Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sỹ cho biết, Hiệp hội có hơn 1.000 hội viên, trong đó anh Lê Ngọc Lâm là nghệ nhân trẻ nhất. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất, làng nghề nay đã bớt nhọc nhằn hơn trước, không còn phải đỏ lửa từ sáng sớm tới đêm khuya. “Nghệ nhân đi lên từ cái nôi làng nghề, còn làng nghề cũng cần nghệ nhân để duy trì”, ông Chính nhận định: “Lê Ngọc Lâm vừa có tay nghề giỏi, vừa có tư duy doanh nghiệp, dám đầu tư, sáng tạo cái mới. Làng Đa Sỹ rất cần lớp trẻ như vậy tiếp quản và duy trì”.

Đưa làng rèn dao vào bản đồ trải nghiệm văn hóa ảnh 1

Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thiện đều được khắc chữ theo yêu cầu khách hàng bằng máy khắc laser tự động.

Mở cửa đón khách “bén lửa” với làng rèn

Một ngày tháng 5, chúng tôi theo chân nhóm sinh viên đến với tour trải nghiệm làm dao và khắc chữ lên dao tại xưởng rèn Lê Lâm. Cái nắng oi cộng với sức nóng lò than khiến không gian bên trong như một lò hấp hơi. Thế nhưng, suốt hơn hai tiếng, Lê Ngọc Lâm vẫn kiên nhẫn vừa làm mẫu, vừa hướng dẫn đủ 12 công đoạn rèn dao cho từng người. “Lần đầu tiên được tự tay hoàn thiện một sản phẩm thủ công truyền thống, em rất háo hức mong chờ. Cảm giác khi thấy một mảnh thép dần thành hình qua từng nhát búa của mình thật sự rất kỳ diệu”, Mai Chi (sinh viên năm tư Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.

Ngay từ khi trở về làng, anh Lâm đã ấp ủ kế hoạch tổ chức mô hình du lịch trải nghiệm nghề rèn tại xưởng. Bởi theo anh, làng Đa Sỹ không chỉ nổi tiếng ở thành phẩm con dao, cái kéo mà cả quá trình làm ra chúng từ rèn, đàn, sạt, tôi, mài, đóng cán… đều mang đậm bản sắc riêng. “Mọi người hay bảo nghề này bụi bặm, nặng nhọc, chẳng ai muốn trải nghiệm. Nhưng chính vì thế, tôi càng muốn biến nó thành một mô hình du lịch khác biệt vì người ta không chỉ được nhìn mà còn được cảm, được thử, được hiểu”, anh nói.

Gần ba năm triển khai, nhờ cách tổ chức bài bản, bảo đảm an toàn và được chính tay nghệ nhân hướng dẫn từng công đoạn, mô hình này đã thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước. Mỗi buổi trải nghiệm kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Trong đó, rèn dao là công đoạn được yêu thích nhất bởi du khách cảm nhận được sự vất vả của người thợ, nghe được tiếng búa dội vang, thấy được những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt hồng rực trước ánh lửa.

Với tư duy cởi mở, trẻ trung, nghệ nhân Lê Ngọc Lâm còn sẵn sàng đồng hành cùng những sáng kiến mới mẻ, đặc biệt từ giới trẻ. Tiêu biểu là cuộc hợp tác gần đây giữa anh và dự án truyền thông “Bén Lửa” do nhóm sinh viên chuyên ngành Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao thực hiện. Lý giải về tên gọi “Bén Lửa”, Trần Thanh Quí, đại diện dự án, chia sẻ: “Lửa” là ngọn lửa nghề, là sức trẻ, là tình cảm của thế hệ trẻ dành cho làng nghề rèn, còn “bén” không chỉ gợi nhắc đến sự sắc bén của dao, mà còn là sự bén duyên với văn hóa truyền thống, để ngọn lửa làng rèn mãi cháy rực rỡ.

Không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa kiến thức qua hình ảnh, video trên các nền tảng mạng xã hội, nhóm bạn trẻ và nghệ nhân còn tổ chức workshop miễn phí mang tên “Mài sắc tinh hoa”. Hoạt động đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên cùng tham gia trải nghiệm, chia sẻ, kết nối. Dưới góc nhìn của người làm truyền thông Gen Z, các thành viên dự án đặc biệt ấn tượng với hình ảnh một nghệ nhân sẵn sàng sẻ chia, dẫn dắt và truyền cảm hứng. Ở anh Lâm, họ không chỉ thấy một người thợ tài hoa, tâm huyết mà còn như cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, góp phần gìn giữ và lan tỏa tinh hoa nghề rèn Đa Sỹ trong dòng chảy đương đại.

Trong ánh lửa rừng rực, gương mặt anh Lâm ánh lên vẻ đôn hậu. Anh chậm rãi chia sẻ với các bạn trẻ mong ước vẫn luôn hằng ấp ủ: “Phấn đấu có một ngày, sản phẩm dao Lê Lâm “made in Đa Sỹ” sẽ xuất hiện trong những căn bếp, nhà hàng, công xưởng ở các nước Đức, Mỹ... Và mong hình ảnh làng Đa Sỹ hôm nay thêm sinh động, gần gũi qua câu chuyện trải nghiệm của mỗi người”.

Năm 2020, anh Lê Ngọc Lâm được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” do Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng. Năm 2024, xưởng rèn gia truyền Lê Lâm Đa Sỹ đạt danh hiệu “Top 10 thương hiệu uy tín quốc gia 2024” do Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam chứng nhận. Những năm trở lại đây, xưởng thường xuyên được Hiệp hội làng nghề Hà Nội cử làm đại diện làng nghề rèn Đa Sỹ tham dự quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ làng nghề, trưng bày sản phẩm truyền thống như: Hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội 2024, Lễ hội du lịch Hà Nội 2024, Hội chợ sản phẩm OCOP Đón xuân huyện Thường Tín năm 2024, Hội chợ Thủ công mỹ nghệ và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Đông Anh năm 2025…