Thế trận lòng dân nơi phên dậu Tổ quốc

Trải dài trên 40 km đường biên giới giáp Lào, 10 bản thuộc 3 xã của thị xã Mộc Châu (tỉnh Sơn La) từng là “vùng lõm” về kinh tế-xã hội, nơi đói nghèo, cách trở và tệ nạn ma túy len lỏi từng nếp nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Phiêng Cài Tráng A Tủa (ở giữa) hướng dẫn bà con trồng chè.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Phiêng Cài Tráng A Tủa (ở giữa) hướng dẫn bà con trồng chè.

Trước thực trạng ấy, cuối năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy (nay là Thị ủy) Mộc Châu đã ban hành một quyết nghị đặc biệt tạo chuyển biến tích cực cho địa bàn cơ sở.

Mở lối thoát nghèo

Sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/HU, vùng biên Mộc Châu đang từng bước thay da đổi thịt. Những mô hình phát triển kinh tế dần phát huy hiệu quả, khơi dậy sức dân cùng chung tay giữ đất, giữ bản. Cách trung tâm xã Lóng Sập 7 km, bản Phiêng Cài từng là “điểm đen” về ma túy và đói nghèo, nay đã có đường bê-tông vào tận bản, đồng thời giữ vững danh hiệu “4 không về ma túy”. Đặc biệt, tháng 12/2024, Phiêng Cài đã hoàn thành các tiêu chí trở thành bản biên giới đầu tiên của Mộc Châu cán đích nông thôn mới.

“Trước năm 2015, đời sống bà con vô cùng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã dần chuyển đổi cơ cấu sang các cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định như chè, lê, mận hậu, chanh leo; chăn nuôi bò, lợn… Giờ thu nhập bình quân của bà con đã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Bản không còn hộ nghèo”, anh Tráng A Tủa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Phiêng Cài tự hào kể.

Đồng chí Lò Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 09, xã tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển các mô hình trồng chanh leo, chè, nuôi bò, đầu tư hạ tầng đến tận bản. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự được giữ vững”.

Từ Phiêng Cài, câu chuyện đổi thay tiếp tục nối dài ở Căng Tỵ, một bản vùng cao của xã Chiềng Khừa, nơi có hơn 50% số hộ nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc H’Mông. Những căn nhà dột nát giờ được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang nhờ sự chung tay của các đoàn thể. Trong ngôi nhà mới, chị Mùa Thị Giáng rưng rưng kể: “Trước đây tuyệt vọng lắm,chồng nghiện, nhà dột, con thì đói… Giờ chồng đi cai nghiện rồi, ba đứa con được đến trường, mình có mái nhà đàng hoàng, yên tâm rồi”.

Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, đặc biệt các hộ nghèo thuộc 10 bản biên giới là một chủ trương lớn được thị xã Mộc Châu đặc biệt quan tâm. Ông Hà Văn Mươi, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ của thị xã, xã đã huy động các đoàn thể cùng chung tay xóa nhà tạm, xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại các bản biên giới. Đến nay, 6 hộ đã có nhà mới đưa vào sử dụng. Bên cạnh chỗ ở ổn định, các gia đình còn được hướng dẫn sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Tại xã Chiềng Sơn, cả hai bản giáp biên Pha Luông, Suối Thín đều đã có chi bộ đảng, không còn tình trạng “trắng đảng viên”. “Chúng tôi xác định củng cố hệ thống chính trị là then chốt; phát triển kinh tế, xã hội là nền tảng; bảo đảm an ninh quốc phòng là trụ cột để giữ đất, giữ dân”, ông Phan Thanh Hoằng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn khẳng định.

Động lực giữ đất, giữ dân

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU, 35 tỷ đồng đã được huy động để xây dựng 14 công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó có 12 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đường giao thông nội bản, đường vào khu sản xuất được cứng hóa giúp người dân thuận tiện đi lại, vận chuyển nông sản. Điện chiếu sáng được lắp đặt ở nhiều tuyến đường chính, góp phần nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh trật tự.

Các mô hình phát triển sinh kế được triển khai sát với điều kiện từng bản, từng hộ. Hơn 365 hộ dân được hỗ trợ về giống cây, phân bón, kỹ thuật sản xuất. Riêng năm 2024 đã xây dựng 10 mô hình nông nghiệp hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, các tổ công tác đã tổ chức 41 lớp tập huấn cho gần 740 lượt người, hỗ trợ 11.498 cây chanh leo, 21.500 cây chè, hàng nghìn cây ăn quả, hàng trăm con bò, lợn, hàng chục tấn phân bón… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các bản biên giới đã giảm còn 10,8%. Tình trạng tội phạm ma túy giảm rõ rệt, nhiều người từng nghiện ma túy nay đã cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở được triển khai đồng bộ. Hơn 6.300 lượt người dân được tuyên truyền pháp luật; nhiều mô hình tự quản ở bản làng như “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch”… tiếp tục phát huy hiệu quả. Lực lượng biên phòng không chỉ giữ vững an ninh, trật tự mà còn tham gia củng cố tổ chức cơ sở Đảng. Hiện 14 cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Lóng Sập được tăng cường sinh hoạt tại các chi bộ bản; 34 đảng viên đỡ đầu hộ nghèo; 2 sĩ quan đảm nhiệm Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa, Nghị quyết số 09-NQ/HU không chỉ hướng đến mục tiêu cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, mà quan trọng hơn là giúp người dân vùng biên thực sự thấy được sự đồng hành, chăm lo của Đảng và chính quyền. Trên địa bàn từng là “điểm nóng” giáp khu vực “tam giác vàng”, Mộc Châu đang từng bước xây dựng địa bàn không ma túy vào năm 2030, bằng nỗ lực kiên trì của cả hệ thống chính trị. Đến nay, sự chuyển biến lớn nhất là nhận thức khi người dân giờ không còn thụ động trông chờ, mà đã biết nắm bắt cơ hội, vươn lên thoát nghèo, tích cực góp sức phát triển quê hương.

Những con đường mở lối, mái trường sáng đèn, ngôi nhà kiên cố mọc lên giữa núi rừng… là minh chứng cho sức sống mới nơi phên dậu Tổ quốc, nơi “thế trận lòng dân” đang từng bước được bồi đắp vững chắc.