Hỏi & Đáp

Bạn đọc:
0:00 / 0:00
0:00

Xin hỏi Thời Nay, bán phá giá là gì? Trong kinh doanh, hành vi này có vi phạm pháp luật không? (Lê Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Thời Nay

Theo Từ điển tiếng Việt thì phá giá là động từ chỉ hành động giảm giá sản phẩm hoặc dịch vụ một cách mạnh mẽ, bao gồm cả việc giảm giá sản phẩm xuống mức thấp hơn so với giá trị thực nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018, cấm bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Theo Luật Cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Như vậy, hành vi bán phá giá hàng hóa (trong nước) được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, theo Luật Cạnh tranh. Nếu việc bán hàng với giá thấp được xác định là gây thiệt hại hoặc có khả năng loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, nhắm tới độc quyền hoặc kiểm soát thị trường về lâu dài thì người bán hàng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 21 Nghị định 75/2019, tổ chức có hành vi bán phá giá nhằm loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó thì bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Đối với hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì mức phạt tiền gấp hai lần tương đương từ 1,6 - 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổ chức có hành vi bán phá giá thì bị tịch thu tang vật, phương tiện và tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi bán phá giá.