Cùng bà con H’Mông thoát nghèo với cà-phê

Năm 2012, cầm tấm bằng cử nhân chuyên ngành tài chính - ngân hàng của Trường đại học Kinh tế quốc dân, chàng thanh niên dân tộc H’Mông sinh năm 1989 Sùng A Dia ở bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), khấp khởi mừng khi nghĩ về những tháng ngày phía trước. Vậy nhưng, bao dự định lại không dễ dàng…
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ sự hướng dẫn của Sùng A Dia, người dân bản Pha Nàng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã gieo ươm thành công gần 100 nghìn cây giống sẵn sàng cho vụ trồng mới cây cà-phê năm 2025.
Nhờ sự hướng dẫn của Sùng A Dia, người dân bản Pha Nàng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã gieo ươm thành công gần 100 nghìn cây giống sẵn sàng cho vụ trồng mới cây cà-phê năm 2025.

Từ chuyện “chờ xem xét…”

Hôm nay, nhiều năm đã qua đi và sau rất nhiều mùa hè phượng thắp lửa, chàng sinh viên Sùng A Dia ngày nào giờ đã là người đàn ông già dặn, cứng cáp. Trong gia đình, Dia là trụ cột chính, là người để mẹ, vợ và hai con thơ trông cậy.

Với Hợp tác xã Pha Đin, Dia cũng là người đứng mũi chịu sào; là người tính toán, sắp đặt công việc cho 15 thành viên để sao cho ai cũng có công, có việc làm đều. Ngoài các việc ấy, Dia còn là người tư vấn, hướng dẫn bà con người dân tộc H’Mông ở các bản Hua Sa A, Hua Sa B, Tỏa Tình, Chế Á… cách chọn hạt cà-phê để ươm cây giống, chăm cây. Mỗi mùa thu hái cà-phê, Dia lại xuôi ngược khắp các bản trong xã Tỏa Tình và nhiều xã lân cận trong huyện, như: Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở để thu mua cà-phê cho bà con. Việc rất nhiều không sao kể hết nhưng nói như cách dí dỏm của Dia thì “cứ là việc liên quan đến cà-phê hoặc là việc của bà con cần thì Dia đều sẵn sàng để bà con yên tâm trồng, chăm sóc cây cà-phê”.

Trò chuyện với Dia, tôi cảm nhận rõ sự nhanh nhẹn và những tính toán rõ ràng cho từng công việc Dia đang làm, nhưng thú thực tôi không thể lý giải vì sao Dia không đi làm ngay khi tốt nghiệp ở trường đại học uy tín mà lại chọn cách khởi nghiệp ở nơi núi cao mây mù che phủ quanh năm trên đỉnh đèo Pha Đin? Như đoán được điều tôi đang muốn hỏi, Dia cúi xuống bấm đốt ngón tay và nói: Hè này là tròn 13 năm em cầm bằng cử nhân chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường đại học Kinh tế quốc dân. Đó là tấm bằng mơ ước của em và cả gia đình, thế nhưng khi em cầm hồ sơ với tấm bằng cử nhân ấy đi gõ cửa từ xã ra huyện rồi từ huyện đến tỉnh thì đều nhận được lời hẹn “chờ xem xét khi nào có chỉ tiêu sẽ liên hệ lại”. Kiên nhẫn chờ thêm gần hai năm không có thông tin gì, Dia quyết định bàn với bố mẹ cho Dia vay vốn ngân hàng để buôn bán nhỏ tại nhà.

Cùng bà con H’Mông thoát nghèo với cà-phê ảnh 1

Sùng A Dia (áo trắng, cầm cây đứng giữa) đang hướng dẫn bà con dân tộc H’Mông xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông cách đào hố trồng cây cà-phê.

Đến câu hỏi “Hợp tác xã là gì?”

Được bố mẹ ủng hộ, Dia dành toàn bộ tiền vốn vay ngân hàng để thu mua hạt cà-phê của bà con trong bản, sau đó thuê xe chở về Sơn La bán cho các cơ sở thu mua. Mùa theo mùa qua đi, không chỉ người dân trong bản Hua Sa B biết địa điểm thu mua cà-phê uy tín tại nhà Dia mà bà con dân tộc H’Mông ở các bản lân cận cũng tìm về. Chẳng phân biệt người có nhiều hay ít, cứ hễ ai thông báo có quả chín bán là Dia đến tận nhà hoặc tận vườn cân mua để bà con đỡ mất công đi lại. Chăm chỉ làm lụng, tích cóp mấy năm, Dia dành dụm được ít tiền để đầu tư mua xe tải nhỏ làm phương tiện vận chuyển cà-phê đi Sơn La; việc thu mua, vận chuyển cà-phê của Dia từ đó đỡ vất vả hơn mà nguồn thu cũng dần tăng.

Cuối năm 2023 khi có thông tin huyện Tuần Giáo chủ trương mở rộng diện tích trồng cà-phê và coi cà-phê là một trong hai loại cây kinh tế chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì Sùng A Dia đã chủ động liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên đề nghị cấp chứng nhận cây đầu dòng cho vườn cây của gia đình. Cùng với đó, Dia dành thời gian đến từng gia đình trong bản Hua Sa B vận động người tham gia thành lập hợp tác xã để có một tổ chức chính danh, đủ điều kiện sản xuất, cung cấp hạt và cây cà-phê giống. Dù rất tin tưởng Dia nhưng với đề nghị thành lập hợp tác xã thì không ít người dân trong bản lại… e dè, bởi không biết “Hợp tác xã là gì?”, “sao cà-phê lại để hợp tác xã đứng ra bán mà không bán trực tiếp cho Dia như cách dân bản vẫn làm?”! Bởi còn nhiều băn khoăn cho nên đầu năm 2024 khi Hợp tác xã Pha Đin ra mắt chỉ có 7 thành viên đại diện cho 7 gia đình trong bản Hua Sa B tham gia; Chủ nhiệm hợp tác xã chính là Sùng A Dia.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo, ngay khi Hợp tác xã Pha Đin đi vào hoạt động đã có đơn hàng tuyển hạt ươm cây giống, bởi thế Sùng A Dia và các thành viên đều vui mừng khôn xiết. “Cuối năm 2024 hoàn thành bàn giao hơn 3,3 tấn hạt cà-phê giống cho trung tâm thì em mới thở phào. Ngay lúc ấy, em đã nghĩ đến những ngày sau sẽ tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật chuyên sâu từ khâu tuyển lựa hạt, cách chọn cây ươm tum bầu và cách chăm sóc, thu hái khi cây cà-phê cho quả. Con đường phía trước của Hợp tác xã Pha Đin và dân bản Hua Sa B không chỉ là mở rộng diện tích mà phải đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm cây cà-phê có thương hiệu, có chỗ đứng riêng trên thị trường”, Sùng A Dia khẽ nói!

Sùng A Dia hiện là Chủ nhiệm Hợp tác xã Pha Đin có trụ sở tại bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo. Mỗi khi thời tiết thay đổi hay mỗi khi chuyển mùa, bà con dân tộc H’Mông ở các xã Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở lại điện hỏi Dia cách kiểm tra, phát hiện bệnh cho cây. Nói như lời ông Lường Văn Thọng, Trưởng bản Pha Nàng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo thì Dia là người hiểu cây, hiểu cả bệnh của cây cho nên hỏi Dia sẽ có cách chữa bệnh cho cây!

Có một người thầy Sùng A Dia

Và rồi, theo đúng dự định của người chèo lái hợp tác xã, sau hơn một năm ra mắt đi vào hoạt động thì cái tên Hợp tác xã Pha Đin đã trở nên thân quen với hầu hết người trồng cà-phê trong huyện Tuần Giáo cùng nhiều xã thuộc huyện Điện Biên Đông. Ngoài việc thu mua, cung cấp hạt giống ươm cây, Chủ nhiệm Sùng A Dia còn được nhiều người tìm đến nhờ hướng dẫn kỹ thuật ngâm hạt, ủ mầm, chọn cây cấy vào bầu.

Tin tưởng cách làm và sự tận tình của Dia, cuối năm 2024 triển khai hỗ trợ hạt giống cho các hộ dân đã đăng ký trồng cà-phê, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo đã đề nghị Sùng A Dia hỗ trợ cán bộ kỹ thuật đến từng bản tuyên truyền, hướng dẫn và làm mẫu. Theo phương pháp hướng dẫn lý thuyết và thực hành tại vườn ươm, lại có cả phiên dịch viên tiếng H’Mông là Sùng A Dia nên đồng bào dân tộc H’Mông các bản thuộc xã vùng cao, như Nà Tòng, Pú Xi đã dễ dàng làm theo. Nhờ đó việc triển khai ươm, trồng cà-phê của Tuần Giáo thuận lợi hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo, nói rằng: Kế hoạch huyện dự kiến năm 2025 sẽ trồng khoảng 2.300 ha cà-phê bằng cách ươm hạt làm tum bầu, thế nhưng tại thời điểm này con số dự kiến đã tăng lên 3.000 ha bởi bà con rất tích cực thực hiện. Có được kết quả đó là nhờ có sự tham gia nhiệt tình của Sùng A Dia, Chủ nhiệm Hợp tác xã Pha Đin - người đã tự nguyện đồng hành với cán bộ trung tâm suốt thời gian triển khai chương trình mà không đòi hỏi một đồng công thực hiện.

Còn riêng với bà con dân tộc H’Mông ở Tuần Giáo và bà con dân tộc H’Mông ở xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), thì Sùng A Dia đã không chỉ là người đồng hành mà còn là người thầy đã không quản gian khó khi đã lặng lẽ vượt nắng vượt gió trên từng cung đèo để về từng nương đồi hướng dẫn bà con cách đào hố, trộn phân, ủ hạt trồng cây…