Đẩy mạnh khai thác tài nguyên dữ liệu

Chuyển đổi số, với dữ liệu là trung tâm, đang làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống. Nếu không đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên này, cơ hội “vươn mình” của Việt Nam có thể bị bỏ lỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Quy trình chăn nuôi, sản xuất sữa của Tập đoàn TH được áp dụng công nghệ hiện đại với những dữ liệu chính xác.
Quy trình chăn nuôi, sản xuất sữa của Tập đoàn TH được áp dụng công nghệ hiện đại với những dữ liệu chính xác.

Nguồn tài nguyên của kinh tế số

Sự bùng nổ của dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) cùng các nền tảng số đang tạo nên cuộc cách mạng sâu rộng, làm thay đổi cách vận hành của nhiều trang trại nông nghiệp tại Việt Nam.

Giờ đây, những cánh đồng bát ngát rộng hàng ngàn ha của Tập đoàn TH đã vắng bóng người lao động. Tất cả được điều hành bởi ứng dụng thông minh hoàn toàn tự động trong việc “ra lệnh” tưới tiêu cho các loại cây trồng làm thức ăn cho bò như cao lương, ngô hay các loại cỏ. Các nhà khoa học đã lập trình một chương trình: Giờ nào, lượng nước bao nhiêu thì tốt nhất cho năng suất và chất lượng từng loại cây, từ đó ra lệnh cho các “cánh tay” tưới phun nước. Một công đoạn khác là vắt sữa bò cũng được thu thập dữ liệu cẩn thận, bởi nếu không có thiết bị bảo vệ, không có dữ liệu lập trình để phân tích các yếu tố ảnh hưởng, chất lượng sữa sẽ không được bảo đảm.

“Tại TH, sữa vắt được đưa từ bình sữa cá thể chuyển qua đường ống vào tank lớn, trong toàn bộ quá trình đó, nhiệt độ duy trì từ 2-4 độ C…”, bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khẳng định. Mọi dữ liệu ghi nhận tại các ứng dụng sẽ được tập hợp lại trong một kho dữ liệu chung để quản lý, từ đó nâng cao năng lực quản trị, cải thiện chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế. Cũng theo bà Thái Hương, yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, sử dụng dữ liệu vào sản xuất, kinh doanh là bắt buộc trong kỷ nguyên mới.

Hiểu rõ về sức mạnh của dữ liệu, CEO Huy Nguyễn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Phygital Labs (Công ty công nghệ vật lý số đầu tiên tại Việt Nam) cũng luôn nỗ lực khai thác tài nguyên dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Từng là một trong những quản lý cấp cao trẻ nhất Google, Huy Nguyễn rời Mỹ về Việt Nam, tiên phong đưa công nghệ vào văn hóa di sản trong nước.

Phygital Labs đã tiếp cận và đưa ứng dụng của mình đến với các sản phẩm về thời trang như Ortho; sản phẩm nông nghiệp như Cà phê Le J', The Hồ Tiêu; sản phẩm thủ công mỹ nghệ như Đá mỹ nghệ Non Nước; Bảo tàng di tích Cố Đô Huế, Linh vật nghê Văn Miếu-Quốc Tử Giám... để định danh số, đưa lên bảo tàng số, phục vụ đắc lực cho lĩnh vực giáo dục, quảng bá, triển lãm và thương mại sản phẩm.

Những món quà bình dị trở nên hấp dẫn ngày càng được nhân rộng bởi công nghệ NFC (Near Field Communication) do Phygital Labs khởi xướng. Các sản phẩm quà tặng thông minh như thẻ thành viên NFC, bộ nhận diện thương hiệu NFC, vật phẩm lưu niệm NFC, ấn phẩm quà tặng Vật lý số Báo Nhân Dân, sản phẩm quà lưu niệm của dự án “Đế Đô Khảo Cố Ký”... do Phygital Labs tiên phong thực hiện đã mang đến những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

“Nhiều người nghĩ công nghệ không ứng dụng được vào những lĩnh vực truyền thống như văn hóa, di sản, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực để chứng minh rằng, ngay cả di sản vẫn có thể tạo ra nền kinh tế số mới”, Huy Nguyễn chia sẻ.

Cơ hội dành cho tất cả

Với việc Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu năm 2024, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia đã tiến hành luật hóa lĩnh vực này trên thế giới. Cùng với đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, sự ra đời của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia hay Hiệp hội Dữ liệu quốc gia… đã tiếp thêm động lực to lớn cho các doanh nghiệp trong nước tự tin bước vào hành trình chuyển đổi số.

Theo CEO Huy Nguyễn, muốn phát triển nhanh phải có động lực mới. Vì vậy, khai mở nền kinh tế số là một bước đi cần thiết. “Doanh nghiệp nào cũng đang có hệ thống dữ liệu, nhưng nếu không có trung tâm, hiệp hội nào “gom” dữ liệu lại, chỉ cho người ta cách khai thác tài nguyên dữ liệu đúng hướng, đúng luật, thì dữ liệu không có ý nghĩa nhiều. Không có sự liên kết dữ liệu giữa các lĩnh vực, ngành nghề, thì tài nguyên dữ liệu không có giá trị. Giá trị kinh tế chỉ có được khi liên kết dữ liệu đồng bộ với nhau, dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước”, ông Huy Nguyễn nhấn mạnh.

Ngành kinh tế dữ liệu được nhiều chuyên gia dự báo sẽ phát triển mạnh trong vòng 3-5 năm tới. Ông Lương Vũ An Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An ninh mạng Iris khẳng định: “Về mặt thể chế chính trị và chính sách, chúng ta đã có điều kiện cần là Nghị quyết 57, Luật Dữ liệu, Luật Căn cước... Điều kiện cần thứ hai chính là sự đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ, nỗ lực chuyển đổi số của chính các doanh nghiệp. Cơ hội đang dành cho tất cả các doanh nghiệp”. Cũng theo ông Bình, ngoài xây dựng các chính sách khích lệ, dẫn dắt các thành phần kinh tế, Nhà nước cần tạo ra một môi trường an toàn để dữ liệu được chia sẻ đúng luật, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số phát triển.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành "năng lượng mới", thậm chí là "máu" của nền kinh tế số”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ý kiến tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia.