Khinh nhờn pháp luật?

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Quyên Đỗ (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội)

Gần đây, trong khi tham gia giao thông trên phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi đã gặp một tai nạn hy hữu liên quan đến đoàn xe UAZ gắn logo của một đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Do đoàn xe đi rất chậm để ngắm cảnh phố phường, tôi đã chủ động bật tín hiệu xi-nhan xin vượt. Tuy nhiên, cánh cửa đằng sau của một chiếc xe trong đoàn bỗng bật chốt, đập vào phương tiện khiến tôi ngã ra đường. May mắn thay, ô-tô đi phía sau đã kịp thời đánh lái để bánh xe không chèn qua người tôi.

Qua tìm hiểu, tôi được biết những chiếc xe UAZ này đã tham gia kinh doanh vận tải khách du lịch từ lâu, thậm chí được nhiều người nước ngoài ưa chuộng khi tới Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, loại phương tiện này đã quá niên hạn sử dụng rất nhiều năm theo luật pháp hiện hành, thậm chí không ít lần bị các lực lượng chức năng xử phạt.

Nếu sống ở khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần bắt gặp những chiếc xe UAZ được hoán cải, trang trí lòe loẹt, vừa gầm rú vừa nhả khói đen kịt trên đường để phục vụ mục đích thu lợi cá nhân. Không những vậy, loạt xe “hết đát” này còn ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách bừa bãi gây ảnh hưởng tới tình hình giao thông vốn đã rất phức tạp ở phố cổ.

Việc các phương tiện từ “ngày xửa ngày xưa” vẫn ngang nhiên lăn bánh trên đường, bất chấp an toàn giao thông, khí thải và cả tính mạng con người là câu hỏi đặt ra cho toàn bộ hệ thống quản lý và ý thức xã hội. Trách nhiệm không chỉ nằm ở người sử dụng để trục lợi, mà còn ở những lỗ hổng trong kiểm soát an toàn giao thông của các cơ quan quản lý.