Cáo buộc lẫn nhau vi phạm ngừng bắn
Không lâu sau khi lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan được công bố vào tối 10/5, cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc lẫn nhau có hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được. Truyền thông địa phương dẫn các báo cáo của cả hai bên cho biết, nhiều vụ nổ vẫn xảy ra ở hai thành phố lớn thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận được cả hai bên xác nhận.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ vào đêm 10/5 nêu rằng, “đã có nhiều hoạt động vi phạm thỏa thuận hai nước vừa đạt được”. Tuyên bố cũng cho hay, quân đội Ấn Độ đã trả đũa những “hành động xâm nhập biên giới”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cáo buộc lực lượng Ấn Độ là “bên vi phạm lệnh ngừng bắn trước”, đồng thời khẳng định, các lực lượng Pakistan duy trì cam kết thực hiện thỏa thuận, kiềm chế và xử lý tình hình một cách có trách nhiệm.
Lệnh ngừng bắn đạt được trong bối cảnh giao tranh leo thang nghiêm trọng trong ngày 10/5 khi hai bên bắn hàng loạt tên lửa xuyên biên giới. Ấn Độ xác nhận đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ không quân của Pakistan sau khi Pakistan bắn một số tên lửa vào các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự ở bang Punjab của Ấn Độ.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan được Mỹ công bố. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hai bên đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức. Theo phía Mỹ, thỏa thuận đạt được sau 48 giờ thảo luận giữa Phó Tổng thống Mỹ James David Vance và Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, với các lãnh đạo và quan chức cấp cao Ấn Độ và Pakistan. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng, Ấn Độ và Pakistan nhất trí ngừng bắn lập tức và tiếp tục đàm phán về nhiều vấn đề khác.
Ấn Độ và Pakistan sau đó xác nhận đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Phía Ấn Độ cho biết, quan chức chỉ huy quân sự hai bên đã có cuộc trao đổi và nhất trí ngừng mọi hoạt động bắn phá và các hành động quân sự trên bộ, trên không và trên biển. Chính phủ Pakistan thông báo mở lại toàn bộ không phận cho tất cả các chuyến bay.
Thúc đẩy ngừng bắn lâu dài
Nhiều nước ngay lập tức hoan nghênh Ấn Độ và Pakistan nhất trí ngừng bắn, hướng tới chấm dứt cuộc xung đột bất ngờ và tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua giữa hai nước láng giềng. Trong thông báo về lệnh ngừng bắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh đồng thời chúc mừng Ấn Độ và Pakistan đã “sử dụng lương tri và trí tuệ vĩ đại” và đồng ý ngừng bắn hoàn toàn.
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn được công bố, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có các cuộc trao đổi với các quan chức cấp cao Ấn Độ và Pakistan, bày tỏ hy vọng Ấn Độ và Pakistan tiếp tục kiềm chế, xử lý thỏa đáng các vấn đề bất đồng thông qua đối thoại, tránh leo thang căng thẳng. Điện đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: Trung Quốc ủng hộ và kỳ vọng Ấn Độ và Pakistan đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài, thông qua tham vấn, phù hợp lợi ích cơ bản của hai nước và nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với những nỗ lực của Pakistan và Ấn Độ nhằm đạt được lệnh ngừng bắn. Nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong tiến trình đối thoại tiếp theo, Trung Quốc cũng kêu gọi hai bên cùng nỗ lực duy trì ngừng bắn, ngăn chặn xung đột tái diễn.
Ai Cập cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan, đánh giá đây là bước tiến quan trọng hướng tới chấm dứt căng thẳng và thúc đẩy an ninh, ổn định ở hai nước và khu vực Nam Á. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ lập trường của Ai Cập là ủng hộ giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, đối thoại và đàm phán.
Lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan giúp giao tranh tạm lắng, tuy nhiên, nguy cơ căng thẳng tái diễn vẫn hiện hữu khi hai bên chưa tìm được giải pháp lâu dài. Việc các cáo buộc vi phạm lệnh ngừng bắn được cả Ấn Độ và Pakistan đưa ra làm dấy lên quan ngại về thời gian duy trì ngừng bắn và tính bền vững thỏa thuận. Dư luận kêu gọi Ấn Độ và Pakistan thúc đẩy đối thoại, tìm giải pháp toàn diện và bền vững cho các vấn đề bất đồng giữa hai quốc gia láng giềng.