Lớp học không phát thải ở Singapore

Từ hành động đơn giản là tái chế đồng phục học sinh cũ thành các món đồ thiết thực như túi xách, đồ chơi, tạp dề, sáng kiến “Lớp học tuần hoàn” đã góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục về giảm phát thải ròng trong nhiều trường học ở Singapore.
0:00 / 0:00
0:00
Hai nhà sáng lập chương trình Lớp học tuần hoàn. Ảnh: CNA
Hai nhà sáng lập chương trình Lớp học tuần hoàn. Ảnh: CNA

Hãng tin CNA dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục Singapore cho hay, mỗi năm, tại nước này có hơn 420.000 học sinh theo học ở các cấp học khác nhau, trong đó có khoảng 90.000 em sẽ tốt nghiệp. Theo một nghiên cứu có sự tham gia của Trường đại học Quản lý Singapore, hơn 70% số học sinh có từ ba bộ đồng phục trở lên và gần như tất cả đồng phục sẽ bị vứt thành rác thải khi không sử dụng đến nữa.

Trăn trở về vấn đề này, hai bà mẹ Leonie Nagarajan và Zinobia Tinwala, có con cùng theo học ở Trường tiểu học Changkat, đã bàn bạc và quyết định thành lập Lớp học tuần hoàn vào năm 2023, hướng tới xây dựng các không gian học tập tập trung vào tính bền vững và bảo vệ môi trường. Theo đó, doanh nghiệp phối hợp với các trường học để thực hiện các chiến dịch quyên góp đồng phục. Những bộ còn mới quyên góp được sẽ được bán cho các học sinh để sử dụng lại, còn những món không thể tái sử dụng sẽ được dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công.

Với kinh nghiệm của một nghệ sĩ gấp giấy origami, cũng là một thợ may, bà Tinwala là người chịu trách nhiệm lên thiết kế cho các món đồ tái chế. Một chiếc quần đồng phục sẽ được biến thành túi xách, trong khi những bộ đồng phục khác được biến thành hộp đựng cọ vẽ, mũ, ba-lô… “Chúng tôi tạo ra những vật phẩm có thể sử dụng trong trường học vì đó cũng chính là nơi chúng tôi lấy nguyên liệu”, bà Tinwala cho biết. Để tăng tính ứng dụng cho các sản phẩm, các thiết kế của đồ dùng tái chế đều được tham khảo ý kiến của các con bà, đều là những học sinh, trước khi chính thức đưa vào sử dụng.

Hiện, Lớp học tuần hoàn đang hợp tác với gần 30 trường học ở Singapore. Tập trung vào mục tiêu phục vụ xã hội và môi trường, doanh nghiệp này cung cấp nhiều việc làm xanh cho các nhóm dễ bị tổn thương; tổ chức nhiều triển lãm lưu động tại các trường học để nâng cao ý thức, tạo thói quen sống bền vững và thúc đẩy tính sáng tạo của mọi người, nhất là các em học sinh. “Điều chúng tôi muốn là mọi người đều coi đồng phục học sinh cũ là một nguồn tài nguyên có giá trị, chứ không phải là rác thải”, bà Nagarajan nói.