Buổi lễ đánh dấu việc tấn phong vị Giáo hoàng đầu tiên mang quốc tịch Mỹ trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội Công giáo La Mã.
Giáo hoàng thứ 267 có tên khai sinh là Robert Francis Prevost và đã chọn tông hiệu là Leo XIV. Việc Giáo hội Công giáo lần đầu có Giáo hoàng người Mỹ từng được xem là khó xảy ra trước khi làn khói trắng bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine. Trong nhiều thập kỷ, Vatican luôn thận trọng về ý tưởng một Giáo hoàng đến từ Mỹ, quốc gia vốn được xem là siêu cường chính trị và có ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa cũng như thế tục. Tuy nhiên, điều này hiện đã thay đổi.
Có nhiều tín hiệu cho thấy, Giáo hoàng Leo XIV sẽ theo con đường tiến bộ của người tiền nhiệm. Bên cạnh đó, các tuyên bố trước đây cho thấy ngài có thể cũng sẽ bám sát hơn vào học thuyết Công giáo truyền thống. Thời kỳ của Giáo hoàng Leo XIV được xem như sự tiếp nối di sản của Giáo hoàng Francis, với trọng tâm đặt vào lòng thương xót, sự hòa nhập và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Dù vậy, Giáo hoàng Leo XIV cũng mang đến một phong cách lãnh đạo mới cùng những quan điểm cải cách riêng biệt.
Dựa vào những phát biểu từ trước đến nay của Giáo hoàng Leo XIV, có thể nhận thấy một số ưu tiên trong triều đại của ông. Đầu tiên là thúc đẩy hòa bình và hòa giải, khi tân Giáo hoàng nhiều lần kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột toàn cầu, đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và các quốc gia. Ưu tiên tiếp theo của Giáo hoàng Leo XIV là bảo vệ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ông nhấn mạnh vai trò của Giáo hội trong việc đồng hành và phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời kêu gọi hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu.
Giáo hoàng Leo XIV được kính trọng vì sự tận tâm đối với người nghèo và những nhóm yếu thế trong xã hội, cũng như vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải. Tại Quảng trường Thánh Peter, đông đảo tín hữu đã bày tỏ niềm vui cùng niềm tin rằng, Giáo hoàng mới sẽ kế tục và đổi mới tích cực hơn những thành quả của cố Giáo hoàng Francis.