Những chủ nhân mới của Pulitzer

Giải thưởng Pulitzer năm 2025 vừa chính thức công bố những người đoạt giải trong các lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản và nghệ thuật. Đây là giải thưởng có tuổi đời hơn 100 năm, được xem như "Oscar của giới báo chí Mỹ".
0:00 / 0:00
0:00
Bài báo về cuộc xung đột ở Sudan giành giải hạng mục "Quốc tế". Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Bài báo về cuộc xung đột ở Sudan giành giải hạng mục "Quốc tế". Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo thông báo trên trang web của giải Pulitzer năm 2025, ban tổ chức đã trao cho Reuters giải nhất hạng mục "Báo chí điều tra", với loạt bài điều tra về đường dây buôn lậu fentanyl vào Mỹ. Loạt bài này “đã khéo léo phơi bày mặt phi đạo đức của thị trường toàn cầu liên quan các hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl, một loại ma túy tổng hợp đang gây ra cuộc khủng hoảng lớn tại Mỹ, với hơn 450.000 cái chết được ghi nhận tính đến nay”, theo thông cáo. Các phóng viên của Reuters đã vào vai người mua nguyên liệu sản xuất fentanyl, qua đó phơi bày cách thức các cuộc giao dịch bí mật này diễn ra, đồng thời chỉ ra sự thiếu sót trong nỗ lực của chính quyền Mỹ để ngăn chặn sự tràn lan của loại thuốc này.

Bà Alessandra Galloni, Tổng Biên tập Reuters cho hay: “Loạt bài về fentanyl là bằng chứng cho sức mạnh của báo chí điều tra để tạo ra sự thay đổi, buộc những người nắm quyền phải chịu trách nhiệm”. Phóng sự này đã làm nổi bật những vấn đề nhức nhối trong chính sách và quản lý thương mại của Mỹ, cùng một thực tế rằng, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hành động hiệu quả để ngăn chặn dòng chảy fentanyl”.

Ngoài hạng mục "Báo chí điều tra", giải Pulitzer 2025 ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong các hạng mục khác. Trong hạng mục "Báo chí cộng đồng", tờ ProPublica đã đưực vinh danh cho những bài báo về rủi ro y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, liên quan những luật lệ nghiêm ngặt về phá thai ở Mỹ. Hạng mục "Tin nóng" đã được trao cho The Washington Post về loạt tin, bài liên quan âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiếp ảnh gia Doug Mills của tờ The New York Times cũng thắng giải Pulitzer cho chùm ảnh về vụ ám sát hụt ứng cử viên Tổng thống khi đó là ông Donald Trump.

Hạng mục "Báo chí trong nước" thuộc về đội ngũ phóng viên, biên tập viên của The Wall Street Journal với “ghi chép những thay đổi về chính trị và cá nhân của người giàu nhất thế giới - Elon Musk”. Ủy ban cho biết, hạng mục "Báo chí quốc tế" vinh danh các nhà báo của tờ The New York Times với “cuộc điều tra mang tính khám phá về cuộc xung đột ở Sudan, bao gồm đưa tin về ảnh hưởng của hoạt động buôn lậu hay nguyên nhân thúc đẩy cuộc xung đột này, cũng như những bằng chứng rùng rợn về bạo lực và nạn đói”. Năm nay, tờ The New York Times đã mang về bốn giải thưởng, gồm giải cho những phân tích sâu về sự can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan, giải thưởng báo chí địa phương được thực hiện kết hợp với tờ Baltimore Banner về tác động của fentanyl tại thành phố Baltimore.

Các nhà báo Raj Mankad, Sharon Steinmann, Lisa Falkenberg và Leah Binkovitz của tờ báo địa phương The Houston Chronicle đoạt giải Pulitzer cho hạng mục "Xã luận", với “loạt bài viết mạnh mẽ về các điểm giao cắt đường sắt nguy hiểm cho người dân và cộng đồng”. Tờ The New Yorker giành chiến thắng với podcast “In the Dark” (Tạm dịch là "Trong bóng tối") tập trung vào vụ sát hại thường dân không vũ trang ở Iraq. Ngoài ra, một giải cống hiến đặc biệt đã trang trọng vinh danh nhà báo da mầu Chuck Stone (đã qua đời) vì “công trình mang tính đột phá” của ông khi đưa tin về phong trào dân quyền với tư cách là cây bút da mầu đầu tiên của tờ The Philadelphia Daily News và là người đồng sáng lập Hiệp hội Nhà báo da mầu quốc gia của Mỹ.

Dù nổi tiếng với giải thưởng cho báo chí, Ủy ban Pulitzer cũng giành một phần ghi nhận những đóng góp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như giải cho tiểu thuyết hư cấu và phi hư cấu, âm nhạc, thơ, kịch hay sách lịch sử. “Những bài thơ mới và chọn lọc” của nữ tác giả Marie Howe, hay hai cuốn sách lịch sử về người bản địa ở Bắc Mỹ và cuốn sách về người da mầu được vinh danh trong dịp này…

Giải Pulitzer do Joseph Pulitzer, nhà sáng lập Trường báo chí tại Trường đại học Columbia (Mỹ), thành lập vào năm 1917. Giải thưởng này do Quỹ Columbia tài trợ, với một hội đồng thẩm định giải bao gồm các nhà báo, nhà văn, nhà học thuật, những người có uy tín trong ngành. Trải qua lịch sử giải thưởng hơn 100 năm tới nay, Pulitzer đã trở thành “Oscar” cho báo chí, khuyến khích các bài báo có chất lượng, thúc đẩy sự đổi mới trong nghề làm báo và văn học, nghệ thuật ở Mỹ.