Giải quyết khủng hoảng rác thải dệt may

Một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về cuộc khủng hoảng rác thải dệt may đang được triển khai, bằng cách tái chế những núi quần áo bị bỏ lại tại sa mạc Atacama (Chile).
0:00 / 0:00
0:00
Quần áo thải loại bị bỏ ở sa mạc Atacama, Chile. Ảnh: THE GUARDIAN
Quần áo thải loại bị bỏ ở sa mạc Atacama, Chile. Ảnh: THE GUARDIAN

Theo The Guardian, Chile từ lâu đã trở thành điểm tập kết quần áo cũ và hàng tồn kho. Năm 2022, hơn 131.000 tấn quần áo đã được chuyển tới nước này, phần lớn tập trung tại thành phố cảng Iquique ở miền bắc, một trong những cảng tự do thương mại quan trọng nhất Nam Mỹ. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ số quần áo này được bán lại, trong khi 70% còn lại bị thải ra sa mạc mỗi năm. Nguyên nhân là do luật pháp Chile cấm chôn lấp rác thải dệt may trong các bãi rác hợp pháp nhằm tránh gây mất ổn định đất.

Năm 2023, những bức ảnh vệ tinh ghi lại núi quần áo phế thải khổng lồ tại sa mạc đã khiến dư luận quốc tế bàng hoàng. Để giảm tải số rác thải dệt may, người dân địa phương tìm cách đốt quần áo, nhưng hành động này lại tạo ra khói độc hại, đe dọa môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trước thực trạng đó, Bastián Barria đã phối hợp cùng các nhà hoạt động thời trang từ Fashion Revolution Brazil, Công ty quảng cáo Artplan và nền tảng thương mại điện tử Vtex để khởi động chiến dịch "Re-commerce Atacama", nhằm đưa câu chuyện rác thải thời trang tại sa mạc ra thế giới. Mỗi tuần, Barria đều tiến vào sa mạc để tìm kiếm quần áo bị bỏ lại. Anh cho biết, trong số hàng trăm món đồ thu nhặt được, khoảng một nửa vẫn còn nguyên vẹn. “Ban đầu, tôi thật sự không tin vào mắt mình. Tôi tự hỏi tại sao những bộ quần áo còn tốt như vậy lại bị vứt giữa sa mạc, trong khi ngoài kia còn rất nhiều người cần chúng”, anh chia sẻ.

Chiến dịch “Re-commerce Atacama” triển khai một quy trình chọn lọc và phục hồi kỹ lưỡng các món quần áo, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi đưa lên nền tảng bán hàng trực tuyến. Khi đó, người mua chỉ cần thanh toán chi phí vận chuyển, còn sản phẩm được tặng miễn phí. Vào tháng 3 năm nay, 300 món đồ - bao gồm các sản phẩm từ những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Calvin Klein - đã được niêm yết trực tuyến lần đầu. Lô hàng đã được bán hết sạch chỉ trong vòng năm giờ đồng hồ, với khách hàng đến từ nhiều quốc gia như Brazil, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Anh. Chiến dịch cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhân vật nổi tiếng, trong đó có Dudu Bertholini, giám khảo chương trình Drag Race Brasil, góp phần lan tỏa thông điệp tới cộng đồng thông qua các trang mạng xã hội.

Re-commerce Atacama không chỉ đơn thuần là một sáng kiến tái sử dụng quần áo, mà còn là lời kêu gọi toàn cầu cân nhắc lại về lối tiêu dùng và sản xuất hiện nay. Chiến dịch ra đời sau buổi trình diễn thời trang đặc biệt tại sa mạc, nơi người mẫu sải bước trên cát trong những bộ trang phục tái chế từ rác thải. “Chúng tôi muốn mọi người không chỉ xem mà còn hành động - mua quần áo và lan truyền câu chuyện này”, Barria chia sẻ.

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 92 triệu tấn rác thải dệt may, tương đương mỗi giây một xe tải quần áo bị vứt bỏ. Theo bà Fernanda Simon, Giám đốc Fashion Revolution Brazil, nguyên nhân nằm ở nhu cầu tiêu dùng bùng nổ cùng mô hình sản xuất thời trang ngày càng nhanh và thiếu minh bạch. “Cách thức sản xuất hiện tại đang sai lệch nghiêm trọng. Chúng ta sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, nhưng gần như không có sự minh bạch trong quy trình”, bà nhận định.

Nếu như 20 năm trước, các thương hiệu chỉ ra mắt bốn bộ sưu tập mỗi năm, thì nay, dưới áp lực của thời trang nhanh và siêu nhanh, con số đó có thể lên tới 52 bộ sưu tập. Hàng tồn kho và quần áo cũ, chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu và châu Á thường được đẩy tới các nước Nam bán cầu. Tại Thủ đô Accra của Ghana, những bãi rác quần áo trải dài ven biển. Các quốc gia Nam bán cầu cung cấp nguyên liệu, nhưng khi quần áo dư thừa, chúng lại bị đẩy trả về.

Bà Simon nhấn mạnh: “Đây là một vấn đề toàn cầu. Không chỉ ở Chile hay Ghana. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng rác thải toàn diện. Đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại về hệ thống thời trang hiện tại”. Bà cũng đánh giá Re-commerce Atacama như “một hành động đấu tranh công khai”, không chỉ thu gom quần áo mà còn truyền cảm hứng cho những mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.