Sáng kiến bữa ăn miễn phí của Indonesia

Chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí (MBG) của Indonesia khởi động chính thức từ ngày 6/1, là một sáng kiến trọng điểm của chính quyền Jakarta với tầm nhìn nhân văn, nhằm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng kiến MBG được triển khai từ đầu năm tại Indonesia. Ảnh: JAKARTA POST
Sáng kiến MBG được triển khai từ đầu năm tại Indonesia. Ảnh: JAKARTA POST

Theo Jakarta Post, chương trình hướng tới cung cấp bữa ăn miễn phí cho gần 83 triệu người vào năm 2029. Đối tượng thụ hưởng bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, học sinh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú. Với ngân sách ước tính 28 tỷ USD trong 5 năm, MBG không chỉ là một chính sách xã hội mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm cải thiện chế độ ăn, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng.

Ông Dadan Hindayana, lãnh đạo Cơ quan Dinh dưỡng quốc gia Indonesia (BGN), nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình: “Chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận 17 triệu người vào cuối năm 2025 và gần 83 triệu người vào năm 2029”. Theo ông, MBG được thiết kế để cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng gồm cơm, thịt gà, cá, rau củ, trái cây và sữa, bảo đảm trẻ em và phụ nữ mang thai nhận được bữa ăn cần thiết. Cơ quan chủ quản sẽ lên danh sách những cửa hàng nhỏ, siêu thị tiện ích ở địa phương đủ tiêu chí để cung cấp bữa ăn. Do đó, chương trình còn kỳ vọng tạo ra 1,5 triệu việc làm thông qua việc trao quyền cho các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) địa phương.

Đại diện BGN cho biết thêm: “Chương trình cũng thể hiện cam kết của chính phủ trong việc hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp. MBG không chỉ cải thiện dinh dưỡng mà còn giúp giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình, đặc biệt những gia đình đông con”. Việc triển khai các bếp ăn công cộng được thực hiện theo phương án hợp tác công - tư giữa chính quyền địa phương với MSME và các tổ chức như UNICEF, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và một số quỹ.

Bà Hana Yohana là phụ huynh có con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở phía tây Jakarta, chia sẻ: “Thường thì chúng tôi phải chuẩn bị đồ ăn mỗi sáng, giờ thì không cần nữa vì học sinh được ăn sáng miễn phí ở trường”. Với khoảng 2,05 triệu học sinh thụ hưởng chương trình, MBG hướng tới việc giảm áp lực cho các gia đình, đặc biệt ở khu vực đô thị, đồng thời cũng khuyến khích học sinh đến trường, góp phần nâng cao tỷ lệ theo học và chất lượng giáo dục ở các vùng kinh tế khó khăn.

Mặc dù mang ý nghĩa lớn, MBG đối mặt nhiều thách thức trong quá trình triển khai. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm. Theo Ủy ban Bảo vệ trẻ em Indonesia (KPAI), cần phải giám sát chặt chẽ quá trình triển khai chương trình quan trọng này để ngăn chặn các sự cố đáng tiếc như ngộ độc thực phẩm, giao bữa ăn muộn, chế biến món ăn chưa đúng cách hoặc không bảo đảm an toàn vệ sinh. Vừa qua, tại Bandung, Tây Java, 342 học sinh trung học cơ sở đã bị ngộ độc sau khi dùng bữa ăn MBG. Giới chức cũng đã ghi nhận hàng trăm vụ trong 3 tháng đầu năm 2025.

Phát biểu ý kiến ngày 2/5 tại Jakarta, Phó Chủ tịch KPAI Jasra Putra nêu rõ: “Cần phải giám sát nhiều tầng lớp với sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh học sinh, nhà trường và chính các em học sinh”. Ông cho biết thêm, kể từ khi chương trình MBG khởi động, KPAI đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát tại các khu vực như Jakarta, Trung Kalimantan và Tây Kalimantan để kiểm tra tình hình thực tế.

Ông Izzudin Al Farras Adha, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tài chính ở Jakarta, chỉ ra khó khăn về hậu cần: “Sự đa dạng về văn hóa và địa lý ở Indonesia là một thách thức lớn. Việc cung cấp thực phẩm phù hợp từng vùng cũng đòi hỏi phối hợp phức tạp”. Thêm vào đó, chương trình phải đối mặt áp lực tài chính khi chi phí tăng lên 30 tỷ USD mỗi năm do mở rộng đối tượng thụ hưởng, gây lo ngại về tính bền vững và nguy cơ làm tăng nợ quốc gia. Các vấn đề khác bao gồm việc giao bữa ăn muộn và thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương, một số học sinh và phụ huynh cho rằng chương trình chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Để khắc phục, KPAI đã đề xuất tăng cường giám sát đa tầng với sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh, nhà trường và học sinh. Các bếp ăn phải có chuyên gia dinh dưỡng giám sát, thực hiện quy trình kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thực phẩm. Chính phủ cần ưu tiên đào tạo cho các MSME địa phương, cải thiện chuỗi cung ứng và xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.