Suất cơm treo truyền cảm hứng thiện nguyện

Trong nhịp sống hối hả vẫn hiện hữu những câu chuyện nhân văn về sự sẻ chia cộng đồng. Gần đây tại TP Quy Nhơn (Bình Định) xuất hiện một hình thức làm từ thiện mới là “treo” những món ăn như cơm, bún, bánh cuốn, bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi ngày, quán ăn của bà Giang lại dành một số suất ăn cho người nghèo, kéo theo những người khác cùng hỗ trợ.
Mỗi ngày, quán ăn của bà Giang lại dành một số suất ăn cho người nghèo, kéo theo những người khác cùng hỗ trợ.

Những suất ăn “treo” tuy giản dị nhưng vẫn đủ dinh dưỡng cho người lao động nghèo, người vô gia cư, hay bất kỳ ai đang gặp khó khăn có được một bữa no.

Mong tỏa lan đến nhiều quán khác

Quán Cơm Lu của anh Hoàng Huy Hải (số 77 đường Mai Xuân Thưởng, phường Trần Phú) đều đặn dành một số suất ăn “treo” trong ngày. Với thực đơn thường xuyên thay đổi từ cá kho, thịt kho đến canh rau, những suất ăn này đầy đủ dưỡng chất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Hải chia sẻ: “Từng ở trong hoàn cảnh nghèo khó nên tôi thấu hiểu một bữa cơm no quan trọng thế nào đối với những người lao động chân tay”. Để duy trì hoạt động, anh dành một phần lợi nhuận từ quán cơm để bù vào chi phí, đồng thời kêu gọi sự đóng góp từ bạn bè và các nhà hảo tâm. “Bất kể ai, kể cả người trẻ bước vào quán, chúng tôi đều hỗ trợ. Một bữa ăn miễn phí không chỉ giúp no bụng, mà còn cho người yếu thế niềm tin vào sự tử tế. Do ý tưởng này mới, mọi người chưa biết đến nhiều nên mỗi khách hàng đóng góp, tôi chỉ nhận 3-5 phần để tránh lãng phí”, anh Hải nói.

Tương tự, quán bánh cuốn, bún chả Hà Nội tại số 125 đường Hai Bà Trưng cũng đang thực hiện mô hình “bún chả, bánh cuốn treo” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Giải thích về cụm từ này, bà Đào Hương Giang, chủ quán cho biết, mỗi phần bún chả hoặc bánh cuốn “treo” là phần ăn đã được khách hàng hoặc chính quán trả trước để tặng cho người nghèo. “Một số người chưa quen nên đôi khi tự tôi phải ra mời vào quán. Mỗi ngày, quán tự bỏ ra 5-10 phần ăn và khách ủng hộ thêm khoảng 5-10 phần. Đây không phải việc làm to lớn nhưng giúp được ai khó khăn thì chúng tôi giúp. Qua đây hy vọng có thể lan tỏa tinh thần này đến nhiều quán kinh doanh khác nữa”, bà Giang chia sẻ.

“Tôi không phải chịu cảnh đói bụng...”

Chị Nguyễn Thị Gái quê ở Quảng Ngãi, chồng mất sớm, mưu sinh bán nước giải khát trên đường Lê Hồng Phong chỉ mong kiếm được đủ tiền gửi về quê nuôi con. Mỗi ngày, chị kiếm được từ 50 đến 100 nghìn đồng nên chỉ dám ăn suất bánh mì hoặc cơm trưa 10 đến 15 nghìn đồng. Từ ngày biết đến quán “bún chả treo”, chị hạnh phúc khi được mời vào ăn, biết đến hương vị món ăn mà theo chị là “xa xỉ”.

Vài suất cơm, bát bún “treo” tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng cả một tấm lòng. Đó cũng là cách những người chủ quán gửi gắm sự cảm thông, thấu hiểu rằng ai cũng xứng đáng được đối xử bằng sự tử tế, rằng giữa cuộc sống mưu sinh vẫn còn có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ người lạ. Ông Minh, một lao động tự do xúc động chia sẻ: Tôi làm nghề bốc vác, nhưng có những ngày nắng, ế khách, không kiếm được đồng nào. Nhờ những bữa ăn như thế này mà tôi không phải chịu cảnh đói bụng. Những người ở quán không chỉ cho tôi bữa ăn mà còn hỏi thăm sức khỏe, khiến tôi cảm thấy mình luôn được quan tâm.

Bên cạnh những suất ăn “treo” của các chủ quán, nhiều cá nhân và tổ chức tại Quy Nhơn đã và đang duy trì các hoạt động thiện nguyện bằng nhiều hình thức đóng góp khác nhau. Người thì thường xuyên góp gạo, nhóm thì ủng hộ rau củ hoặc tiền mặt, trong khi các bạn trẻ tình nguyện viên sẵn sàng dành thời gian đến phục vụ và trò chuyện cùng khách.

Những câu chuyện từ các suất ăn “treo” đã truyền cảm hứng đến nhiều người khác, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm cộng đồng trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội ở thành phố biển Quy Nhơn. Điều đó cho thấy, giữa một xã hội ngày càng phát triển, điều làm nên giá trị của lòng nhân ái không chỉ nằm ở vật chất mà còn ở sự chân thành. Những việc làm tuy nhỏ nhưng khi được nhân lên sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong việc truyền cảm hứng, từ đó xây dựng một xã hội văn minh, tràn đầy tình thương.

Anh Lê Văn Hùng, một nhà hảo tâm thường xuyên đóng góp chia sẻ: “Mỗi người một chút nhưng khi cộng lại đủ để duy trì hoạt động từ thiện trong nhiều năm nữa. Tôi tin điều chúng tôi làm gieo hy vọng cho những người đang gặp khó. Biết đâu về sau chính họ lại đi giúp những phận đời khác”.