Xe bus Thái Nguyên lúng túng trước “chuyển đổi xanh”

Tại Thái Nguyên, loại hình vận tải xe bus đang đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình “chuyển đổi xanh” và có nguy cơ “teo tóp” dần nếu không có cơ chế hỗ trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Một số doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe bus tỉnh Thái Nguyên đang gặp khó trong quá trình chuyển đổi.
Một số doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe bus tỉnh Thái Nguyên đang gặp khó trong quá trình chuyển đổi.

Tiềm năng dồi dào, nhu cầu lớn

Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 100 nghìn công nhân các khu công nghiệp, hơn 100 nghìn sinh viên đại học Thái Nguyên và các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là trung tâm khám, chữa bệnh lớn nhất khu vực miền núi phía bắc. Điều kiện kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu di chuyển hằng ngày bằng xe bus của công nhân, học sinh, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh khá lớn.

Hiện có gần 160 phương tiện xe bus kết nối các huyện, thành phố trong tỉnh với TP Thái Nguyên, các khu công nghiệp, các bệnh viện, trường đại học; đưa-đón hành khách đến khu vực giáp ranh các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Kạn và cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, điều kiện kinh tế của các tầng lớp xã hội này.

Là doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe bus lớn tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan mỗi ngày tổ chức 550 chuyến xe, vận chuyển khoảng 15 nghìn hành khách, chiếm 80% thị phần vận tải hành khách bằng xe bus trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Công ty Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Hành khách đi xe bus chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh, người dân ở các địa phương trong tỉnh đến làm việc ở các khu công nghiệp, học tập, khám, chữa bệnh ở TP Thái Nguyên. Đây là những đối tượng có nhu cầu đi lại hằng ngày bằng xe bus, phù hợp thu nhập, điều kiện kinh tế. Với người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi khám, chữa bệnh, công ty thường xuyên có chính sách giảm giá vé”.

Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG), ngành may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh những năm gần đây. Đến nay, ngành may mặc của tỉnh có hơn 30 nghìn công nhân, trong đó Công ty TNG hiện đóng góp 18 nghìn công nhân và sẽ tăng lên hơn 20 nghìn công nhân trong năm nay. Với quan điểm “Ly nông không ly hương”, các nhà máy may mặc của Công ty TNG đều được xây dựng tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Công ty tổ chức xe bus đưa đón công nhân có chỗ ở cách nhà máy 10 km trở lên nhằm giảm áp lực về đi lại, nhà ở cho công nhân. Dù việc này gây áp lực chi phí khá lớn, nhưng doanh nghiệp vẫn đều đặn duy trì để hỗ trợ công nhân.

Làm sao đừng để mất thị trường

Việc mở rộng, đầu tư mới hàng chục khu, cụm công nghiệp, số lượng công nhân dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, kéo theo nhu cầu đi lại hằng ngày bằng xe bus cũng tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe bus đang đối mặt nhiều khó khăn trong lộ trình “chuyển đổi xanh”, phải từng bước thay thế ô-tô chạy nhiên liệu xăng, dầu bằng ô-tô điện.

Ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: Công ty chúng tôi đang đối mặt khó khăn lớn, đó là buộc phải chuyển đổi 40% xe bus sử dụng nhiên liệu xăng, dầu sang xe điện với tổng cộng hơn 40 xe. Giá xe bus điện loại nhỏ hiện nay khoảng 4 tỷ đồng/xe, xe loại lớn là 7 tỷ đồng/xe, trong khi đó giá ô-tô sử dụng xăng, dầu chỉ khoảng 1 tỷ đồng/xe. Bên cạnh đó, còn phải đầu tư các trạm sạc điện với chi phí lớn.

Do đó, nếu đưa xe bus chạy điện với vốn đầu tư lớn vào hoạt động, giá bus sẽ tăng cao, không phù hợp thu nhập của công nhân, khả năng chi trả của học sinh, sinh viên, người dân có thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế. Nếu không tăng giá vé thì doanh nghiệp sẽ lỗ, vận tải hành khách bằng xe bus sẽ “teo tóp” dần và từng bước rời khỏi thị trường vận tải hành khách.

Tại buổi làm việc của ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên với Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan, doanh nghiệp này và Hội Doanh nghiệp vận tải hành khách tỉnh Thái Nguyên kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với chuyển đổi sang xe bus điện. Bên cạnh đó, ngành vận tải bằng xe bus cũng đề nghị chính quyền tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư trạm sạc điện, trợ giá vé đối với các thành phần yếu thế trong xã hội nhằm củng cố, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển phương tiện giao thông xanh nhằm giảm thiểu khí thải carbon và metal, chính quyền tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy “chuyển đổi xanh” với phương tiện giao thông. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2026, ít nhất 50% xe bus và taxi mới sẽ sử dụng năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (bao gồm cả xe máy) sẽ chuyển hoàn toàn sang sử dụng điện và năng lượng xanh.