Cuối năm 2024, Công ty Samsara Eco công bố phát triển enzyme mới có khả năng tái chế nylon 6 và polyester - loại sợi tổng hợp phổ biến trong ngành may mặc và ô-tô. Ngay sau đó, một loạt hãng thời trang, trong đó có thương hiệu thời trang thể thao Lululemon, tuyên bố hợp tác với công ty này để sản xuất các sản phẩm từ nhựa tái chế bằng enzyme.
Thành lập năm 2021, đến nay, start-up này đã gây quỹ thành công số vốn lên tới 100 triệu USD để khởi động các dự án nghiên cứu và tái chế nhựa của mình. Công ty nhắm đến mục tiêu tái chế 1,5 triệu tấn nhựa hằng năm vào năm 2030.
Hiện tại, công ty này tập trung nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải của ngành công nghiệp thời trang. Đại diện Samsara Eco chia sẻ, khoảng 60% quần áo được sản xuất hiện nay được làm từ nylon và polyester. Start-up này cũng cho hay, phần lớn hàng dệt may bị loại bỏ cuối cùng sẽ được đưa vào bãi rác, bị đốt cháy hoặc rò rỉ chất độc ra môi trường. Mỗi năm, khoảng 92 triệu tấn quần áo bị chôn lấp hoặc đốt, gây áp lực lớn lên môi trường.
Công nghệ tái chế phổ biến nhất hiện nay là phương pháp nhiệt phân, nung nóng rác nhựa đến khi phân rã thành dầu và khí tổng hợp, sau đó sử dụng làm năng lượng cho nhà máy tái chế. Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Veena Singla, Trường đại học Columbia, quy trình này vẫn tạo ra chất thải độc hại do nhựa chứa nhiều hợp chất nguy hiểm. Ngoài ra, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tái chế theo cách này thật sự giúp giảm lượng khí thải hơn so sản xuất nhựa mới.
Paul Riley, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Samsara Eco, chia sẻ công nghệ mới này sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và khí thải carbon liên quan dệt may. Bằng cách phân hủy quần áo hỗn hợp có nguồn gốc từ nhựa thành các phân tử cốt lõi, công ty khởi nghiệp này có thể tái tạo quần áo hoàn toàn mới nhiều lần.
Nhờ đó, thời trang sẽ thoát khỏi tai tiếng là ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau sản xuất dầu mỏ. Hạn chế lớn nhất của công nghệ này đó là kinh phí. Việc xây dựng các nhà máy tái chế thương mại với công nghệ này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ước tính từ 80 đến 100 triệu USD cho mỗi nhà máy. Thêm vào đó, mặc dù đã đạt được tiến bộ với nylon 6 và polyester, việc phát triển enzyme cho các loại nhựa khác vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.