Những gam mầu sáng
Tại Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử hiện là điểm đến có lượng du khách chỉ đứng sau Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với khoảng 2 triệu lượt người mỗi năm. Yên Tử là một thí dụ tiêu biểu trong việc huy động hiệu quả nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn, tôn tạo di sản và thực hiện chuyển đổi xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm (Quảng Ninh), doanh nghiệp đã chủ động gắn kết với chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm tạo việc làm, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Trong hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống cáp treo phục vụ du khách chiêm bái Yên Tử được đầu tư vận hành bằng năng lượng sạch. Các hoạt động dịch vụ tại đây cũng hạn chế sử dụng rác thải nhựa, kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ cảnh quan và giá trị di sản.
Nhiều điểm đến trên cả nước đang tích cực chuyển mình theo hướng này. Khu du lịch Cù Lao Chàm (Quảng Nam), từng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là một thí dụ điển hình. Tại đây, nguyên tắc “nói không với túi ni-lông” được áp dụng nghiêm ngặt. Du khách trước khi xuống thuyền ra đảo phải cam kết không sử dụng, thay thế hoàn toàn bằng các vật dụng thân thiện với môi trường.
Anh Trần Quốc Hà, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Khi đặt chân lên đảo, tôi thấy một không gian xanh mướt, biển trong vắt không có rác. Ai cũng biết rác thải nhựa là mối đe dọa lớn đối với môi trường biển. Từ việc nhỏ như thế này sẽ góp phần vào việc hình thành quan niệm đi “du lịch xanh” của du khách”.
Bà Nguyễn Thị Vân, chủ một cơ sở lưu trú tại Cù Lao Chàm cho biết: “Cung cấp dịch vụ lưu trú là sinh kế của người dân ở đây nên bảo vệ môi trường là bảo vệ quê hương và công ăn việc làm của mình. Vì vậy, chúng tôi đều nghiêm túc thực hiện quy định trong hoạt động phục vụ khách”.
Đồng hành cùng khát vọng chuyển đổi xanh của du lịch Việt Nam, các sáng kiến của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang góp phần tạo nên những thay đổi thiết thực. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch” do UNDP và Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ đã giúp giảm 40-55% lượng nhựa dùng một lần tại các tỉnh thí điểm như Ninh Bình, Quảng Nam. Ứng dụng quản lý rác thải thông minh và bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa cũng là những bước tiến cụ thể, dễ nhân rộng.
Những lực cản không nhỏ
Tại Diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam”, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết: “Những con số tăng trưởng du lịch ấn tượng của Việt Nam trong hai năm qua cho thấy sức mạnh nội tại của ngành. Tuy nhiên, hiện thực đang đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản hướng tới các hoạt động xanh. Chúng ta biết rằng hành trình này chỉ vừa khởi bước, thường diễn ra trên quy mô nhỏ nên việc lan tỏa và nhân rộng những hành động thiết thực mới là điều then chốt”.
Hành trình “du lịch xanh” không dễ dàng. Rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư. Các thiết bị tiết kiệm năng lượng, hệ thống xử lý nước thải, hay vật liệu sinh thái đều đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, điều mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm phần lớn trong ngành, khó tiếp cận. Thêm vào đó là nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng. Từ chủ nhà nghỉ đến hướng dẫn viên bản địa, không phải ai cũng sẵn sàng hoặc đủ năng lực tham gia.
Một thách thức khác là giá thành. Dịch vụ của các tour tuyến này thường cao hơn so du lịch đại trà, trong khi thị trường lại chưa hoàn toàn nhận thức được giá trị mà các mô hình này mang lại. Nếu thiếu chiến lược truyền thông hiệu quả, sản phẩm dễ rơi vào tình thế “cao cấp nhưng ít khách”. Cuối cùng là thiếu chính sách khuyến khích rõ ràng. Dù khái niệm du lịch bền vững đã được nhấn mạnh trong các văn kiện ngành, nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, hay đấu thầu công khai. Điều này khiến nhiều đơn vị “chùn chân” trước ngưỡng cửa chuyển đổi.
Theo các chuyên gia, trước mắt, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí thống nhất về “du lịch xanh”, làm cơ sở đánh giá, giám sát và định hướng phát triển. Song song với đó là việc thiết lập các mô hình hợp tác đa ngành giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương bảo đảm hiệu quả triển khai trên thực tế. Các chương trình truyền thông, giáo dục cũng cần được đẩy mạnh, nhằm từng bước hình thành lối sống, thói quen du lịch có trách nhiệm, thân thiện với môi trường trong mỗi người. Đây mới là cách để Việt Nam nâng tầm vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời khẳng định tinh thần trách nhiệm chung của mình về phát triển bền vững.