Đó là nhận định của các khách mời khi nói về vị danh nhân mang trong mình sứ mệnh canh tân và là ông tổ ngành nhiếp ảnh Việt Nam tại hội thảo nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh.
1. Đặng Huy Trứ không chỉ là nhà nho yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp thế kỷ 19, cụ còn là quan chức triều Nguyễn có tư tưởng canh tân, một đời vì nước, vì dân.
Ông Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường do Đặng Huy Trứ sáng lập vào năm 1869 (sau 30 năm nhiếp ảnh thế giới ra đời) là cơ sở nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ. Tại đây, ông đã vừa chụp và vừa giới thiệu kỹ thuật nhiếp ảnh đến với giới quan lại, quý tộc triều Nguyễn thời đó. “Những tấm ảnh chân dung gia đình, phong cảnh do Đặng Huy Trứ thực hiện đã tạo ra sự mới lạ, gây tò mò. Không chỉ chụp, cụ còn hướng dẫn, truyền nghề, từ đó đặt nền móng cho thế hệ những thợ ảnh đầu tiên của Việt Nam”, ông Minh nhận định.
Theo ông Minh, Đặng Huy Trứ còn là người đề cao vai trò nhiếp ảnh trong việc ghi chép lịch sử, ghi nhận vẻ đẹp văn hóa dân tộc, phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển của đất nước. Câu chuyện đó cho thấy ông là người tiên phong trong việc thay đổi tư duy văn hóa, tinh thần canh tân để thế hệ ngày nay tiếp nối trong thời đại toàn cầu hóa.
2. Nhắc đến tinh thần canh tân của Đặng Huy Trứ phải kể đến các lĩnh vực nổi bật như giáo dục, kinh tế, quân sự. Dẫn chứng về điều này, PGS, TS Nguyễn Tất Thắng (Khoa lịch sử, Trường đại học Sư phạm Huế) cho hay, chính Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đề xướng phương châm “sư đệ tương trưởng”, nghĩa là thầy và trò cùng học, cùng trưởng thành và là bạn của nhau. Hay ở lĩnh vực quân sự, ông nhận thấy tầm quan trọng sức mạnh nhân dân, quan hệ giữa tướng sĩ phải là quan hệ “cha dạy con, anh dạy em, thầy dạy trò”. Và trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Huy Trứ đã chủ trương theo phái chủ chiến, xây dựng đội dân binh, tự đóng thuyền, lập cục cơ khí. “Không chỉ có tư tưởng mới mà bản thân Đặng Huy Trứ là người bắt tay hành động. Ông dám dấn thân để làm lợi cho dân”, ông Thắng đánh giá.
Đồng quan điểm khi nói về bậc tiền nhân, bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhìn nhận Đặng Huy Trứ là người có “tầm nhìn vượt thời đại” khi nhận ra giá trị của nhiếp ảnh và không quản ngại khó khăn khi đưa kỹ thuật mới lạ này về Việt Nam. Đó không chỉ là việc du nhập ngành nghề mới mà còn thể hiện mạnh mẽ khát vọng “khai dân trí”. “Cụ chính là hiện thân của tinh thần dám nghĩ, dám làm, mở đường cho một lĩnh vực mà sau này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam”, bà Đông khẳng định.
Thông qua hội thảo, đại diện Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mong muốn đây là dịp để mọi người nhìn lại những gì đã làm được cũng như ngẫm về trách nhiệm hiện nay. Với ngọn lửa đam mê và tinh thần tiên phong mà danh nhân Đặng Huy Trứ thắp lên, đây sẽ là nguồn cảm hứng, ánh sáng soi đường cho các nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật.