Rừng thiêng giữa phố

Trên tiến trình “hành phương nam” mở cõi của cha ông, nhiều làng mạc mới đã hình thành cùng với quá trình dựng nước và giữ nước. Làng nuôi giấu cán bộ, làng đấu tranh chống lại cường quyền, ác bá, làng hòa chung dòng chảy lịch sử đất nước và Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng là một ngôi làng như thế.
0:00 / 0:00
0:00
Cụ Hà Thúc Duyên lần dở cuốn địa bạ thời Vua Gia Long.
Cụ Hà Thúc Duyên lần dở cuốn địa bạ thời Vua Gia Long.

Rừng che bộ đội

Từ bao đời nay dân làng Trung Sơn sống quần tụ quanh bìa rừng. Người dân ở đây thuộc từng cây lâu năm, từng đường đi, lối lại. Rừng đối với họ là tài sản vô giá, không chỉ có giá trị về sinh thái mà còn được ví như kho báu.

Cụ Hà Thúc Duyên sinh năm 1925 được cho là người thông sử ở Trung Sơn cho biết vùng đất Trung Sơn từ thuở sơ khai đã gắn liền với khu rừng. Dưới thời Vua Lê Anh Tông, vào năm 1572 đã cho lập một phòng tuyến có tên là Gò Son để ngăn chặn giặc ngoại biên và hải tặc xâm nhập vào. Sử cũ làng có ghi, năm Canh Thìn 1630, ba tộc họ Hà, Đỗ, Nguyễn là người từ phủ Điện Bàn đến chiêu dân, lập ấp, khai khẩn rừng rậm trở thành ruộng đất, đắp đập ngăn nước, dẫn thủy nhập điền, gieo trồng lương thực.

Theo các nguồn tư liệu, thời chống Pháp năm 1947, giặc tăng cường các cuộc càn quét tại cánh bắc Hòa Vang, rừng Trung Sơn được huyện ủy Hòa Vang và Ủy ban kháng chiến huyện chọn xây dựng hầm bí mật để bảo đảm an toàn cho cán bộ nằm vùng. Giai đoạn từ năm 1947-1954, rừng Trung Sơn có nhiều hầm bí mật giúp cán bộ đã bám trụ địa bàn, hoạt động qua nhiều cuộc truy quét của địch và tay sai. Rừng cũng là nơi giấu quân, súng ống, đạn dược làm bàn đạp. Cao điểm nhất nơi đây có cả thảy 53 căn hầm bí mật.

Do phát hiện là nơi ẩn nấp của bộ đội giải phóng, quân Mỹ dùng xe ủi san phẳng nhiều khu rừng chung quanh nhưng đến rừng Trung Sơn dân làng đã tổ chức lực lượng dàn hàng ngang cản đầu xe phản đối. Biết bao lần giặc lăm le san phẳng khu rừng nhưng với tinh thần quả cảm, đấu tranh vừa khôn khéo, vừa kiên quyết rừng Trung Sơn vẫn giữ được nguyên vẹn. Từ đây, hợp với những cánh quân phía tây bắc Hòa Vang như Hồng Phước, Hải Vân góp sức làm nên chiến thắng vang dội của chiến dịch Huế - Đà Nẵng, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối.

Rừng thuốc ngày nay

Ông Võ Trí Thanh là người am hiểu khu rừng hơn ai hết. Thời gian đã phủ lên khu rừng vẻ trầm mặc u hoài, vết cũ vị trí hầm gần như đã bị chôn vùi nhưng ông Thanh còn nhớ rất rõ. Ông thuộc từng địa điểm của hầm công sự, hầm cá nhân, hầm nào giấu vũ khí, đạn dược chờ ngày tiến công giành chính quyền.

Cùng ông Thanh men theo lối nhỏ vào rừng, tôi mới cảm nhận được giá trị của mảng xanh đang hiện hữu giữa đô thị hiện đại. Từ ngoài đường Nguyễn Tất Thành chỉ cần sải vài bước chân vào rừng là không khí trong lành, mát mẻ. Khi chưa có nước máy, giếng Chăm cổ ở Trung Sơn cung cấp đủ nước sinh hoạt cho cư dân các làng lân cận như Quan Nam, Phá Nhì, Thủy Tú. Vị nước giếng luôn ngọt, trong và mát mẻ, đêm bà con múc vơi, đến sáng mạch nước ra lại đầy.

Vừa dẫn đường, ông Thanh vừa giới thiệu cho tôi từng loại cây có thể dùng làm thuốc. “Nhiều gia đình vẫn thường xuyên lên đây hái thuốc nam, nhất là thuốc dành cho phụ nữ mang thai. Nhiều nhất là cây lò to cạo lấy mủ, hơ cho trẻ sơ sinh có tác dụng tăng đề kháng, giảm đau nhức đầu, sổ mũi. Cây lùng đèn dùng cho phụ nữ sinh đẻ, bà còn thường cắt về phơi khô, nấu uống hằng ngày như nước chè, giúp nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh”, ông Thanh giới thiệu.

Hiện trên khu nghĩa trang Trung Sơn, bà con đã quy tập được khoảng 200 mộ liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và hải tặc dưới sự chỉ huy của đô đốc Lê Văn Tấn thời Vua Lê Anh Tông (1556-1573). Khu mộ nằm trang nghiêm bên cạnh đường chính vào Khu công nghiệp Hòa Khánh, thuận lợi cho bà con lui tới thắp nén hương bày tỏ lòng tri ân với người đã khuất. Cách đây không lâu, khi có chủ trương mở rộng khu công nghiệp, cơ quan chức năng đã vẽ một con đường đi ngang qua khu nghĩa trang. Tuy nhiên trong một lần thị sát, qua nắm ý kiến, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của bà con, lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án nghiên cứu điều chỉnh thay vì chạy thẳng đến đoạn nghĩa trang, tránh xâm phạm vào nơi tôn nghiêm.

Câu chuyện xảy ra đã vài năm trước nhưng kể lại, ông Thanh hào hứng như mới vừa hôm qua và niềm vui vẫn còn đọng lại trong đôi mắt. Có lẽ ông vui bởi ý kiến bà con được chính quyền lắng nghe ghi nhận. Mặt khác điều đó còn thể hiện sự trân quý, tôn trọng của cấp lãnh đạo trước giá trị tinh thần thiêng liêng được bà con lưu giữ, trao truyền, tiếp nối qua nhiều đời.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng xưa Trung Sơn không còn nhiều nét cũ, nhưng những di tích như miếu âm linh, thần Nông, miếu Bà, đình làng đều được người dân tôn tạo tu bổ, cắt cử người trông coi, dọn dẹp và hương khói cẩn thận. Dân làng quy ước xem đó là trách nhiệm, nghĩa cử tri ân của các thế hệ đối với tiền nhân có công lao khai khẩn đất đai lập làng.