Hồ sơ nhạc sĩ Hoàng Vân:

Cho muôn đời sau

Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên một bộ sưu tập (BST) âm nhạc của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đó là “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” (1930-2018) của Việt Nam. Sự kiện mở đường để các di sản tương tự tìm kiếm sự công nhận quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua Di sản tư liệu thế giới.
Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua Di sản tư liệu thế giới.

Bức tranh tư liệu sinh động

BST được chương trình Ký ức thế giới của UNESCO là kho lưu trữ phong phú ghi lại hành trình sáng tạo kéo dài gần sáu thập kỷ của một trong những nhạc sĩ tiêu biểu thế kỷ 20. Điểm đặc biệt của BST chính là ở giá trị toàn cầu và giá trị lịch sử đối với công chúng thế giới, bởi ý nghĩa sâu sắc của nó như một di sản tư liệu mang tầm vóc toàn cầu.

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới - UNESCO, hồ sơ của Việt Nam đáp ứng nhiều tiêu chí với những giá trị nổi bật. Được sáng tác trong bối cảnh Việt Nam trải qua các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ là nghệ thuật mà còn là một dạng “biên niên sử” bằng âm thanh, ghi lại tâm tư của người dân qua từng giai đoạn. Những ca khúc về lao động, chiến tranh, hay tình yêu quê hương phản ánh chân thực cuộc sống của nông dân, công nhân, người lính…

Với cộng đồng thế giới, BST này mở ra một cánh cửa để hiểu về hành trình của một quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn giữ được bản sắc và hy vọng. Quan trọng hơn, các bản thảo, ghi âm và video không chỉ bảo tồn những giai điệu mà còn giữ lại câu chuyện đằng sau chúng - từ cảm hứng sáng tác đến bối cảnh biểu diễn.

BST không chỉ dành cho khán giả yêu âm nhạc mà còn là kho tư liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và âm nhạc học. Các tác phẩm và tài liệu đi kèm cung cấp thông tin về sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại, cũng như mối liên hệ với các phong trào nghệ thuật ở châu Á và thế giới. Với các học giả quốc tế, di sản tư liệu này là một “cửa sổ” để nghiên cứu cách âm nhạc phản chiếu và định hình bản sắc quốc gia trong bối cảnh hậu thuộc địa.

Sự phong phú về thể loại tư liệu cũng góp phần làm nên giá trị toàn diện cho hồ sơ. Trong tổng số hơn 700 tư liệu trong BST, có đến 200 bản ghi âm, hơn 300 bản tổng phổ, phân phổ, ảnh tư liệu, bài báo, tệp tin số và các bản thu âm từ Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cùng nhiều chương trình biểu diễn. Tất cả đã tạo nên một bức tranh tư liệu đầy đủ và sinh động về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Cho muôn đời sau ảnh 1

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chúc mừng gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nhiều điểm cộng trong hành trình ghi danh

TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đã tư vấn trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử và góp phần làm hồ sơ đạt tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối. Theo TS Minh Hương, hồ sơ của nhạc sĩ Hoàng Vân còn mang ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử âm nhạc Việt Nam, một trong những giá trị rất đáng chú ý chính là khía cạnh “vật mang tin” - một thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực lưu trữ.

Nhạc sĩ Hoàng Vân thuộc về thế hệ cuối cùng của các nhạc sĩ Việt Nam và trên thế giới, còn sáng tác thủ công bằng bút mực trên giấy năm dòng kẻ. Bộ sưu tập của ông còn lưu giữ được rất nhiều bản viết tay, đặc biệt là những bản tổng phổ được sử dụng trong các chương trình biểu diễn hoặc thu thanh của VOV, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), những đơn vị biểu diễn từ thời nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam còn ở những ngày đầu.

Điều này có ý nghĩa rất lớn với giới nghiên cứu âm nhạc quan tâm tới giai đoạn lịch sử này, bởi nó phản ánh quy trình lao động sáng tạo nguyên bản của một nhà soạn nhạc. Sau này, khi công nghệ phát triển, các nhạc sĩ trẻ đã có thể sáng tác trực tiếp trên những phần mềm chuyên dụng như “Sibelius” hay “Finale” và vật mang tin đã chuyển từ giấy sang dạng số. Sự chuyển đổi vật mang tin này có ảnh hưởng rất rõ rệt tới công tác lưu trữ và bảo tồn di sản tư liệu âm nhạc. “Những bản tổng phổ của nhạc sĩ Hoàng Vân là chứng tích sống động cho một thời kỳ lịch sử âm nhạc, là những tài liệu gốc, rất quan trọng trong nghiên cứu cả về lý thuyết âm nhạc lẫn kỹ thuật sáng tác”, TS Minh Hương phân tích.

Việc phát hiện những giá trị độc đáo này là kết quả của sự phối hợp rất chặt chẽ giữa gia đình nhạc sĩ và các chuyên gia di sản tư liệu, nhà sử học và nhà lưu trữ. Trong hướng dẫn của UNESCO, các tiêu chí đánh giá hồ sơ được trình bày rất cụ thể. Gia đình đã chủ động liệt kê những nội dung quan trọng, sau đó cùng chuyên gia phân tích, hiệu đính nhiều lần để làm rõ những yếu tố đặc biệt có giá trị quốc tế đối với việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam và cả thế giới. Vai trò của gia đình là rất đáng ghi nhận, bởi gia đình không chỉ lưu giữ mà còn chủ động phát hiện ra những yếu tố độc đáo trong di sản của nhạc sĩ. Cùng với sự tư vấn của các chuyên gia, những tiêu chí này được làm đậm hơn, rõ nét hơn.

TS Minh Hương chia sẻ: “Trong hệ thống tiêu chí của UNESCO để xét duyệt các hồ sơ di sản tư liệu thế giới, mỗi BST không bắt buộc phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chí mà chỉ cần chứng minh được giá trị nổi bật dựa trên những tiêu chí phù hợp nhất. Với hồ sơ di sản tư liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân, BST đã thể hiện sự vượt trội khi đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí quan trọng, từ tính chân thực, giá trị lịch sử đến sự đa dạng, phong phú về chất liệu tư liệu”.

Đặc biệt, nhóm xây dựng hồ sơ - chính là các thành viên trong gia đình cố nhạc sĩ - đã lựa chọn và nhấn mạnh hai tiêu chí nổi bật là giá trị toàn cầu và chủ đề ưu tiên của UNESCO hiện nay là về giới. Các tác phẩm, nghiên cứu và bài báo của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ có ý nghĩa tại Việt Nam, mà còn thu hút sự quan tâm nghiên cứu từ quốc tế, đóng góp vào nền âm nhạc thế giới cả về nội dung và hình thức tư liệu. Đây là tiêu chí bắt buộc đối với mọi hồ sơ.

“Đáng chú ý, toàn bộ BST đã được chuyển giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, một trong bốn trung tâm lưu trữ lớn thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Việc này không chỉ bảo đảm điều kiện bảo quản tối ưu, tránh được rủi ro về cháy nổ và độ ẩm - những nguy cơ thường trực trong môi trường gia đình - mà còn là một điểm cộng quan trọng được các chuyên gia của Ủy ban tư vấn quốc tế UNESCO đánh giá cao trong quá trình thẩm định”, TS Minh Hương nhấn mạnh.

Gia đình nhạc sĩ, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của TS âm nhạc Lê Y Linh (con gái nhạc sĩ) và nhạc trưởng Lê Phi Phi (con trai nhạc sĩ), đã số hóa BST và công bố trên trang web hoangvan.org bằng năm ngôn ngữ. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của gia đình, bảo đảm rằng những giá trị này không bị mai một, mà ngược lại, có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.