Học các cụ xưa, khai sinh thuyền văn hóa
Dành cả cuộc đời tìm hiểu về miền Tây, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng có khối kiến thức đồ sộ để viết thành sách, thành các bài nghiên cứu... Với ông, đó là cách “trả nợ “ và để con cháu mai sau thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất này.
Tôi thường gặp Nhâm Hùng ở các cuộc hội thảo về văn hóa, các sự kiện lớn không chỉ ở Cần Thơ mà cả Đồng bằng sông Cửu Long. Ông luôn gây ấn tượng bởi dường như bất cứ câu hỏi nào về văn hóa, lịch sử, con người miền đất này, ông đều trả lời ngay được. Câu trả lời cứ thế tuôn ra, đầy đủ, súc tích và hợp lý. Cách ông trả lời cũng rất “miền Tây”, mộc mạc, giản dị và dễ gần, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Những cách lý giải cho từng tên gọi địa phương, các sự tích, tập tục… của con người miền Tây được ông biến thành câu chuyện, tạo nên sự cuốn hút lạ thường. Nhiều người gọi ông là “cuốn từ điển sống của miền Tây”.
Xứng với biệt danh đó, những năm tháng kham khổ, Nhâm Hùng thâm nhập vào từng chốn xa xôi, hẻo lánh, gặp những con người mà nếu ông không tìm đến để hỏi chuyện, để nghiên cứu thì có lẽ, nhiều câu chuyện, nhiều sử liệu của đất và người đã bị chìm vào quên lãng.
Trong quán cà-phê nhỏ, nơi ông vẫn thường ghé khi tiếp khách ngay trung tâm TP Cần Thơ, Nhâm Hùng mở đầu câu chuyện: “Nhiều người nghĩ miền Tây chỉ có sự trù phú. Nơi đó cũng từng có rắn rết, cọp, voi, cá sấu và thấm đẫm xương máu của bao thế hệ cha anh vào đất phương nam mở cõi”. Rồi ông bắt đầu câu chuyện của đời mình, của duyên nợ với “nghề” nghiên cứu văn hóa. Ông sinh năm 1949 ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thời niên thiếu, do bị địch truy đuổi, ông cùng gia đình chuyển lên Sài Gòn. Trong những năm tháng ở đây, cậu học sinh Nhâm Hùng tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào yêu nước, phản chiến. 3 lần ông bị bắt giam, tù đày tại các khám Chí Hòa, Tây Ninh, Long An. Ở trong tù, với lòng yêu quê hương, đất nước, ông đã sáng tác nhiều bài thơ, được nhiều bạn tù cách mạng hưởng ứng. Sau khi miền nam được giải phóng, ông giã từ những công việc đầy hấp dẫn ở Sài Gòn, khăn gói về quê gây dựng sự nghiệp, với lời giải thích ngắn gọn: “Còn nặng nợ”!
Ông được phân công làm cán bộ ngành văn hóa, Đội trưởng Thông tin lưu động tỉnh Hậu Giang, rồi Chủ nhiệm Nhà văn hóa huyện Phụng Hiệp. Từ năm 1987, với niềm đam mê sẵn có, ông nghiên cứu sâu về các thiết chế văn hóa miền Tây. Năm 1992, bài nghiên cứu đầu tiên của ông có tên “Bước đi của thuyền văn hóa huyện Phụng Hiệp” được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu của Bộ Văn hóa thông tin lúc bấy giờ. Đó là thành quả của việc nghiên cứu thực nghiệm mô hình, sau đó, được nhân rộng gần chục thuyền văn hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông lý giải: Sau ngày thống nhất, mặc dù Nhà nước có nhiều giải pháp nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, nhưng do giao thông còn trở ngại, cơ sở vật chất thiếu thốn, người dân vẫn sống trong tình cảnh “đói văn hóa”. Một cán bộ làm văn hóa như ông đã nhiều đêm trăn trở. Cuối cùng, ông tìm thấy lời giải đáp từ trong quá khứ, trên những ghe hát ngày xưa. Thuyền văn hóa được xây dựng như một nhà văn hóa nổi. Hình thức giống các thuyền vận tải, nhưng phần mui được thiết kế thành sân khấu biểu diễn. Bên trong là phòng chiếu phim, đọc sách, sinh hoạt câu lạc bộ. Các con thuyền len lỏi trên các kênh, rạch để biểu diễn văn nghệ, thông tin cổ động, triển lãm… góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân.
![]() |
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng đi nghiên cứu về tháp cổ Vĩnh Hưng (tỉnh Bạc Liêu). |
Người đầu tiên có ý tưởng ấp văn hóa
Năm 2006, Nhâm Hùng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô và cống hiến ở đó cho đến khi về hưu vào năm 2009. Đó như là cơ duyên, cũng là may mắn, vì quá trình công tác này đã cho ông thêm nhiều thời gian để nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật biểu diễn của Tây Nam Bộ. Từ đó đến nay, hàng loạt công trình nghiên cứu của ông ra đời. Ông là người đầu tiên có ý tưởng về mô hình ấp văn hóa và sau này, được nhân rộng khắp Tây Nam Bộ. Cuốn “Chuyên đề nghiệp vụ nâng cao chất lượng ấp văn hóa” do ông biên soạn trở thành tài liệu được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương vào những năm 2000. Ông là tác giả của hàng chục đầu sách mang giá trị văn hóa, lịch sử cao như “Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long”, “Tìm hiểu đất và người Hậu Giang”, “Cần Thơ phố cũ nét xưa”, “Văn hóa khăn rằn”… Nhâm Hùng trở thành cái tên uy tín được chính quyền các địa phương giao nhiều nhiệm vụ như thiết kế đường hoa xuân TP Cần Thơ, đạo diễn nhiều sự kiện văn hóa lớn. Ông cũng được coi là một trong những người mở đường cho Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, một lễ hội được tổ chức hằng năm và thu hút đông đảo du khách… Vừa qua, tại các cuộc họp, hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến chuyên gia về việc đặt tên gọi cho các địa danh sau sáp nhập, ông cũng được mời xin ý kiến và có những đề xuất quan trọng.
Ông nhận mình là nhà nghiên cứu “đơn thương độc mã”. Tức là, ông thường đi nghiên cứu một mình, không nhân danh cơ quan, tổ chức nào. Kinh phí ăn ở, đi lại cũng do ông dè sẻn từ đồng lương công chức và nhuận bút các kịch bản, bài báo, tạp chí được đăng tải. Các cuốn sách của ông cũng do ông tự bỏ tiền túi in mà ít kêu gọi tài trợ, dù nhiều cá nhân, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Cuộc trò chuyện với ông, chỉ vài tiếng đồng hồ, mà tôi gần như giải đáp được tất cả những thắc mắc về mảnh đất Tây Nam Bộ. Vì sao các bữa ăn của người miền Tây thường có vị ngọt? Vì ngày xưa, trên mảnh đất này, hoa quả nhiều và phần lớn có vị rất ngọt. Người dân ăn trái cây nhiều, quen dần với vị ngọt và dần dần các loại đồ ăn của dân miền Tây cũng được thêm đường cho hợp khẩu vị. Vì sao có các tên gọi Cái Răng, Đầu Sấu? Theo chuyện dân gian: Hồi đó, có một ghe rước dâu đang đi trên sông, bất ngờ một con cá sấu nhấn chìm ghe, cướp cô dâu mang đi. Vì quá yêu thương vợ, người chồng quyết tìm con cá sấu trả thù. Biết con cá sấu này rất mê nghe hát bội, người chồng cho làm hàng rào, giăng bẫy. Đêm nọ, khi cá sấu mò lên bờ nghe hát, khi nước ròng, bị kẹt lại. Người chồng cùng trai làng lao đến bắt giết con cá sấu. Phần đầu ném về một khúc sông, sau thành địa danh Đầu Sấu. Phần răng ném về đoạn sông khác, sau dân gian đặt gọi Cái Răng… Ông say sưa lý giải từng câu hỏi và ở mỗi câu trả lời, ông đều chú thích rõ ràng là có ở tài liệu nào, ông làm cách nào sưu tầm được.
Ông đang viết cuốn sách: “Đờn ca tài tử trong không gian du lịch” và đã lên đề cương cho 2 cuốn tiếp theo là “Chuyện xưa, chuyện lạ ở miền Tây” và “100 nhân vật văn hóa Cần Thơ”. Sắp đến ngưỡng bát tuần, nhưng gặp Nhâm Hùng lúc nào cũng vậy, cảm nhận được ở ông là sự lạc quan, yêu đời và tràn đầy năng lượng.