Tiếp lửa lịch sử bằng công nghệ số

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), triển lãm và phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân thể hiện sự đổi mới độc đáo về cách thức tuyên truyền lịch sử, đưa những giá trị quá khứ đến gần hơn với công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân đã giúp bà con kiều bào tại Pháp ôn lại dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc. Ảnh: MINH DUY
Phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân đã giúp bà con kiều bào tại Pháp ôn lại dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc. Ảnh: MINH DUY

Khởi đầu đặc biệt

Năm 2024, Báo Nhân Dân tổ chức hai triển lãm ngay tại tòa soạn, thu hút đông đảo công chúng, là phép thử thành công cho phương thức truyền thông mới: kết hợp báo chí, công nghệ và không gian trải nghiệm thực tế.

Đầu tiên, với triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” (7/5/1954-7/5/2024), từ học sinh, sinh viên đến du khách quốc tế được trải nghiệm không gian chiến trường qua các thiết bị số hóa, mang lại cảm giác chân thực và xúc động. Phụ san tích hợp AR cho phép quét mã QR có thể xem cảnh bộ đội kéo pháo, cờ đỏ tung bay trên đồi A1 đã tạo “cơn sốt” trên mạng xã hội. Phụ san panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó được vinh danh tại Giải thưởng Đổi mới Báo in ở Vienna (Áo), đánh dấu bước tiên phong của báo trong việc ứng dụng công nghệ đưa lịch sử đến gần giới trẻ.

Tiếp nối là triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), dùng công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality) tái hiện 10 dấu mốc tiếp quản Thủ đô. Với dự án “Mỗi người, một mảnh ghép”, các độc giả gửi ảnh cá nhân ghép thành bức tranh lớn về Cột cờ Hà Nội. Phụ san kèm mô hình cắt dán Cột cờ Hà Nội và mã QR có nội dung mở rộng, vừa trang trí, vừa lưu giữ thông tin.

Tiếp lửa lịch sử bằng công nghệ số ảnh 1

Trải nghiệm công nghệ 3D mapping lần đầu được báo sử dụng chiếu hình ảnh chiến dịch. Ảnh: NAM ANH

Hiệu ứng xã hội từ một ấn phẩm lịch sử

Với triển lãm tương tác dịp 30/4 vừa qua tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội, 11 tấm hình phóng to trang nhất Báo Nhân Dân đã tái hiện từ Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khuôn viên triển lãm tạo ấn tượng với mô hình chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập cùng lều dã chiến với công nghệ 3D mapping lần đầu được báo sử dụng chiếu hình ảnh chiến dịch. Đặc biệt là phụ san tái hiện một phần Chiến dịch Hồ Chí Minh với dấu mốc tiến công Dinh Độc Lập với hình ảnh và âm thanh sống động.

“Cơn sốt” mà triển lãm tạo ra thể hiện qua hình ảnh hàng dài các bạn trẻ ngay ngắn xếp hàng nhận phụ san, tham quan triển lãm. Bạn Nguyễn Ngọc Linh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Vì nhà xa nên em đã xin lên nhà bạn ngủ từ tối trước để sáng sau xếp hàng từ sớm. Những đợt triển lãm đặc biệt của báo làm em rất ấn tượng và học được nhiều thông tin hữu ích”. Nhiều cô, chú lớn tuổi cũng tham gia xếp hàng, bà Nguyễn Thị Hiền (80 tuổi, Hà Nội), cựu thanh niên xung phong đứng lặng hồi lâu: “Nhìn lều dã chiến, tôi nhớ lại những đêm hành quân, lòng vẫn tự hào. Giờ công nghệ phát triển quá, chỉ một tờ báo phẳng cũng có thể chiếu được hình xe tăng, dân quân tiến vào, thế các bạn trẻ mới dễ hình dung, hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh”.

Phụ san đã nhanh chóng lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kon Tum, Đồng Nai, Hải Phòng, Sơn La... Hàng trăm phụ san được chuyển tới các địa phương ở nước Pháp, gửi tới cộng đồng người Việt. Thông tin từ cơ quan đại diện Báo Nhân Dân khu vực miền nam tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, số phụ san được phát đến tay người dân tại khu vực thành phố lên đến hơn 120 nghìn tờ. Nhiều bạn sinh viên khi cầm được phụ san trên tay đã nhảy cẫng lên như giành được một “chiến thắng”. Nhiều người dân cũng nồng nhiệt đón nhận: từ các bà bán vé số xin một tờ để cho cháu học lịch sử, đến cựu chiến binh mang huân chương đến cơ quan xin báo vì “quá ấn tượng và nhiều kỷ niệm”. Một số người còn xin thêm để gửi sang Mỹ cho người thân, hoặc thêm một bản để lưu giữ.

“Không ngờ sức hút của ấn phẩm lại mạnh mẽ đến vậy. Ban đầu chỉ định phát ở tầng ba của cơ quan, nhưng sau đó phải chuyển xuống sân vì lượng người đến nhận quá đông. Có lúc, dòng người xếp hàng kéo dài cả cây số, từ ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Nguyễn Thị Minh Khai đến tận cổng cơ quan, hai chiều đường Võ Thị Sáu kín đặc người. Tụi tôi phát cả ngày, nhưng vẫn vui vẻ, hạnh phúc vì thấy sản phẩm của báo mình đến được với công chúng một cách thiết thực”, Trưởng cơ quan đại diện Báo Nhân Dân khu vực miền nam Lê Nam Tư cho biết. Theo anh Tư, nhiều người mong đợi ngày 2/9 sắp tới sẽ có phụ san để bổ sung vào bộ sưu tập báo của mình.

Tại Sơn La, dù không có cảnh xếp hàng dài như ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, nhưng ngay từ đợt phát đầu tiên với 500 bản, chỉ trong một buổi sáng là hết. Phóng viên thường trú đã phải gọi về xin tăng cường thêm 1.000 bản nữa và tổng cộng 1.500 bản cũng nhanh chóng được phát hết. Theo Trưởng văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Sơn La Luyện Ngọc Tuấn, ấn phẩm được đón nhận rộng rãi từ cán bộ, đảng viên các sở, ngành, trường học, đến hội nhà báo tỉnh, cơ quan báo chí địa phương. Nhiều người còn phải nhờ người quen giữ lại giúp hoặc xếp hàng từ sớm để nhận một bản. “Đặc biệt, cộng đồng lưu học sinh và cán bộ Lào đang học tập tại Sơn La cũng rất hào hứng. Có nơi đã trình chiếu phụ san trên máy chiếu để sinh viên cùng trải nghiệm, một số khác khám phá ấn phẩm trên điện thoại và bất ngờ với cách báo in truyền tải lịch sử bằng công nghệ số hiện đại”, anh Tuấn thông tin.

Tại Đà Nẵng, tuy phát hành muộn hơn so Hà Nội, song gần 30 nghìn tờ đã được phát hết tới tay bạn đọc. Hàng trăm bản đã được gửi tặng đến các trường học và đơn vị, đoàn thể, nhiều giáo viên đã dùng phụ san để giảng bài môn lịch sử, vì hình ảnh sinh động, tích hợp nội dung mở rộng bằng mã QR nên học sinh rất hứng thú. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát đến 11/5 và các trường đại học, các đơn vị lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, công an đã đăng ký. Không chỉ dừng lại ở giá trị nội dung, mà còn ở thông điệp tinh thần: báo Đảng không ngừng đổi mới hình thức, ứng dụng công nghệ để đồng hành với bạn đọc”, phóng viên Báo Nhân Dân Nguyễn Anh Đào tại Đà Nẵng thông tin.

Phát huy giá trị lịch sử và bài học cho tương lai

Công chúng tại các địa phương đã đề xuất nhiều ý tưởng để Báo Nhân Dân tiếp tục đổi mới trong các sự kiện lớn tới đây của đất nước. Bạn Phan Vũ Thủy Tiên (Hải Châu, Đà Nẵng) mong triển lãm được tổ chức lưu động tại các tỉnh nhỏ và vùng sâu, vùng xa để học sinh địa phương được trải nghiệm. Chị Cao Dương Tâm Linh (biên tập viên thời sự quốc tế của kênh YouTube BNC Now (FBNC) cho biết, công nghệ Yoolife có thể nâng cao độ phủ sóng, người dùng có thể tương tác, tham quan triển lãm từ xa, tra cứu tư liệu qua mã QR và trải nghiệm hình ảnh, âm thanh chân thực, đặc biệt thu hút giới trẻ. Chính vì vậy, việc tích hợp thêm chatbot AI cho phép người dùng đặt câu hỏi lịch sử và nhận câu trả lời tức thời sẽ giúp học sinh, sinh viên hoặc người quan tâm lịch sử dễ dàng tiếp cận thông tin phù hợp nhanh chóng.

Cùng với đó là nhiều ý kiến cho việc tích hợp đa ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp,... để quảng bá lịch sử Việt Nam toàn cầu; các dữ liệu lịch sử được quy vào một ứng dụng hoặc trang web để có thể dễ dàng tra cứu. Những thu hoạch hữu ích từ người sử dụng, từ công cụ giáo dục tại nhà đến tài liệu trực quan trong trường học khẳng định giá trị lan tỏa của các sản phẩm báo chí tích hợp công nghệ. Thông tin về lịch sử nước nhà đang từng bước chuyển mình sống động, truyền cảm hứng và đồng hành cùng nhịp sống hiện đại.

Bé Phúc Minh (9 tuổi, Trường tiểu học Thành Công A) thích thú: “Con được thấy xe tăng chạy, bom nổ giống hoạt hình, rất thú vị ạ”. Chị Trần Bích Ngọc (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, đã trình chiếu phụ san tại nhà để các con xem. “Phụ san của Báo Nhân Dân vừa là món trang trí, vừa lưu giữ kiến thức, có thể xem lại bất cứ lúc nào”, chị nói.