Thay đổi thói quen mua sắm
Hơn một năm nay, Nguyễn Huyền Trang, sinh viên năm hai Trường đại học Hà Nội, luôn mang theo bình nước cá nhân khi đi học, du lịch hay tham gia thể thao. Thói quen bắt đầu từ nỗi ám ảnh rác nhựa mỗi lần mua đồ uống mang đi. “Combo quen thuộc” gồm cốc, nắp, ống hút, quai xách... đều là rác thải khó phân hủy. Một cốc nhựa PET/PP chứa 8-15g nhựa, có thể tồn tại 300-500 năm. Ống hút và quai nylon siêu mỏng gần như không thể tái chế.
Nhiều quán quảng bá dùng cốc giấy bã mía, ống hút PLA thân thiện môi trường nhưng thực tế chúng cũng khó phân hủy nếu không có điều kiện xử lý công nghiệp. “Không quan trọng cốc làm từ gì, mà là cách mình sử dụng nó”, Trang nói. Từ đó, cô chuyển sang dùng đồ đựng cá nhân, tích cực tham gia các chương trình đổi rác lấy cây và ưu tiên tiêu dùng xanh.
Tại một cửa hàng tiện lợi ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), xử lý rác cũng có quy định riêng. Thí dụ như xử lý hộp mì ăn liền thừa, nhân viên phải đổ qua chậu có rổ lọc, giúp rác khô và ướt không bị trộn lẫn vào nhau. Hành động nhỏ này đã tạo được thiện cảm với nhiều khách hàng trong đó có Nguyễn Thế Trung (sinh năm 2000). "Chỉ mất chưa đến 30 giây để gạt nước thừa, cửa hàng không chỉ sạch hơn mà còn giảm chi phí xử lý rác. Bạn bè tôi cũng ngày càng quan tâm đến sản phẩm xanh và sẵn sàng chi thêm trong khả năng tài chính cho lựa chọn có trách nhiệm với môi trường”, Trung cho biết.
Cơ hội cho sản phẩm xanh
Theo định nghĩa xuất hiện năm 2010 và được Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP)chấp nhận: Tiêu dùng xanh là một phần của tiêu dùng bền vững, trong đó người tiêu dùng nhận thức và có trách nhiệm hơn với môi trường khi mua sắm. Đây là động lực giúp các doanh nghiệp đổi mới theo hướng “xanh hóa”, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Khảo sát năm 2024 của Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trung bình 15% mỗi năm từ 2021 đến 2023. Trong đó, 72% người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Anh Nguyễn Ngọc Huy, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thìa, đĩa gỗ thay thế thìa nhựa dùng một lần, cho biết cách đây 5 năm, sản phẩm của anh rất khó vào các cửa hàng tại Hà Nội. Tuy nhiên, gần đây tình hình đã khác. Thay vì phải trực tiếp đến từng nhà hàng giới thiệu, nhiều đơn vị chủ động tìm đến anh đặt sản phẩm thay thế thìa nhựa.
Càng hiểu biết hơn về lối sống bền vững, người tiêu dùng trẻ càng có xu hướng ưu ái những sản phẩm gắn với cam kết xanh. Thành công của Cocoon, thương hiệu mỹ phẩm thuần chay luôn xuất hiện với các hoạt động marketing bảo vệ môi trường là thí dụ. Một trong những hoạt động nổi bật của Cocoon là “Thu hồi pin cũ-Bảo vệ Trái đất xanh”. Theo đó, cứ 10 viên pin cũ được thu hồi, người dùng sẽ nhận được một sản phẩm son dưỡng dầu dừa của Cocoon. Thương hiệu cũng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trẻ khi liên tục triển khai chương trình “Đổi vỏ chai cũ-Nhận sản phẩm mới”.
Hay như Dòng Dòng, thương hiệu thời trang bền vững với các sản phẩm túi xách và phụ kiện tái chế từ bạt mái hiên, xe tải. Từ năm 2019, nhận thấy có rất nhiều bạt nhựa bị thải ra môi trường thành phố, một nhóm các bạn trẻ quyết định thiết kế nên sản phẩm túi từ chất liệu này. Sau nhiều thử nghiệm và cả trăm mô hình thất bại, chiếc ba-lô tái chế từ bạt cũ đầu tiên ra đời, hiện trở thành một trong những thương hiệu yêu thích của nhiều bạn trẻ.
“Chúng tôi không xem bền vững là một lựa chọn, bởi đây là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp cần hướng tới hiện nay”, Trần Kiều Anh, đại diện Dòng Dòng chia sẻ.
“Ngày càng nhiều cửa hàng sử dụng các sản phẩm xanh để cạnh tranh, thu hút và giữ chân khách hàng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thân thiện môi trường như chúng tôi”, anh Huy nhấn mạnh.