chỉ đạo đó là những chiếc chìa khóa quan trọng để tháo gỡ bất cập, bức xúc của không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi phải đi qua những cánh cửa công quyền, cơ quan chức năng địa phương.
Đã không ít những băn khoăn, phàn nàn về thủ tục nhiêu khê và cả những tốn kém thời gian, vật chất không đáng có khi người ta muốn trôi chảy, suôn sẻ công việc kinh doanh, mua bán của mình. Theo quy định pháp luật và cả đạo đức xã hội, thì sự nhũng nhiễu vốn đã không được chấp nhận, nhưng vẫn len lỏi trong đời sống. Nay sẽ càng được xác định là những tiêu cực cần phải triệt tiêu để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cho hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ… được nhanh, mạnh hơn. Điều này đặt ra những yêu cầu như tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình, quy định, thủ tục ở các địa phương, địa bàn cơ sở nhằm giúp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thuận lợi, được hỗ trợ tốt hơn trong việc kinh doanh của mình chứ không phải là “xin” để được “cho”. Cũng như, tăng cường giám sát để phát hiện, xử lý nạn nhũng nhiễu nếu phát sinh.
Đặc biệt là chúng ta hay nói đến giám sát từ nhân dân, thì chính ở đây, vai trò giám sát của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là chủ yếu và rất quan trọng. Những “người trong cuộc” đó rất nên được nâng cao bản lĩnh, ý thức minh bạch, công khai, phản biện của mình trong việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục, các việc liên hệ, trao đổi, báo cáo hay kiến nghị… với chính quyền, cơ quan chức năng cơ sở. Những việc này lại rất thường xuyên, phổ biến chứ không cứ là “đao to búa lớn” như ở tầm sản xuất tại các khu công nghiệp, xây dựng các khu đô thị, phát triển các trung tâm thương mại… Nhiều công to việc nhỏ như vận chuyển hàng hóa, ra mẫu mã mới, trưng bày sản phẩm, mở cửa hàng cửa hiệu, kinh doanh ăn uống, hay như sạp hàng ở chợ và những dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ… cũng đều liên quan đến kinh doanh, đến thành phần kinh tế tư nhân và nhiều những việc mà họ phải thực hiện trong sự liên quan, ràng buộc với pháp luật, chính quyền địa phương, cơ sở. Chính những người trực tiếp kinh doanh, làm các dịch vụ này phải tích cực phòng, chống những biểu hiện phiền nhiễu, ngăn trở không chính đáng với mình.
Giúp đỡ, đồng hành với họ, tất nhiên phải là các cơ quan chức năng với một cơ chế tiếp nhận phản ánh thuận tiện và nhanh chóng xử lý những bất cập, sai phạm đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Theo tinh thần những định hướng của Đảng và Nhà nước, đó còn là trách nhiệm của các cơ quan này, nhằm bảo vệ, thúc đẩy cho các hoạt động kinh doanh lành mạnh trong xã hội.
Chủ động chống nhũng nhiễu, một việc cần ý thức và hành động từ chính địa bàn cơ sở.