Trên vùng đất thuần khiết (Kỳ 1)

Trước khi đặt chân tới Pakistan, trong tôi là những hình dung nửa hư nửa thực. Một đất nước Hồi giáo, nổi bật ở những dãy núi bí hiểm, những vùng đất khô cằn và những xung đột tôn giáo dai dẳng.
0:00 / 0:00
0:00
Cao tốc Karakoram.
Cao tốc Karakoram.

Một quốc gia với GDP đầu người chỉ hơn 1.500 USD/năm và một tuần trước khởi hành, tin về những cuộc đánh bom khu vực Karachi cũng đủ khiến tôi giật mình.

Kỳ 1: Hồi ức tơ lụa

Ngược về quá khứ, đất nước mà theo tiếng Urdu nghĩa là miền đất thuần khiết - từng có một thời vàng son chói lọi đúng nghĩa. Đây là nơi dòng sông Indus (Ấn Hà) huyền thoại chảy qua, nuôi dưỡng nền văn minh sông Ấn từ 4.500 năm trước, một trong những cái nôi văn minh lâu đời nhất thế giới. Nền văn minh sông Ấn, với các thành phố như Harappa và Mohenjo-Daro, đã có hệ thống quy hoạch đô thị tinh vi, hệ thống thủy lợi, đường sá và giao thương với Trung Á, Ả Rập và thậm chí Lưỡng Hà.

Theo dấu Marco Polo

Thủ đô Islamabad đón chúng tôi với hàng dài người đi bộ từ ga đến sân bay cho tới tận ngoài đường. Thủ đô đang mất điện. Trạm gác với những anh quân cảnh vũ trang đầy đủ được chiếu sáng bằng đèn sạc, quây tạm bằng một vài tấm cót. Riaz, người dẫn đường cho chúng tôi, mở đầu câu chuyện từ thủ đô Islamabad, rằng điện ở Pakistan vốn dĩ chẳng hề dư dả, dù nơi đây thừa nắng và gió - thứ năng lượng mà cả thế giới đang tìm cách tận dụng.

Pakistan nằm trên trục nối liền Trung Á - Nam Á - Tây Á. Chính vị trí ấy đã đưa vùng đất này trở thành mắt xích chiến lược của mọi đế chế. Từ thời Alexander Đại đế vượt qua dãy Hindu Kush để chinh phục vùng Indus năm 327 TCN trong Chiến dịch Ấn Độ, đến khi người Mông Cổ, người Ả Rập, rồi sau đó là đế quốc Moghul tung hoành, Pakistan luôn là điểm trung chuyển của hàng hóa, tôn giáo và xung đột.

Dọc con đường chúng tôi đi là những vết tích còn lại của các caravanserai - nhà trọ cho đoàn lữ hành, những khu chợ cổ giờ chỉ còn phảng phất trong hơi thở của các bazaar. Pakistan từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa Đông - Tây. Những đoàn lạc đà chở lụa, gia vị, và ý tưởng đã đi qua các thung lũng và đèo núi của Pakistan, để lại dấu vết trên những vách đá ở Gilgit-Baltistan, nơi các bản khắc đá cổ vẫn còn kể chuyện về những lữ khách xa xưa.

Ngày nay, con đường tơ lụa không còn là tuyến thương mại chính. Thay vào đó là những cao tốc, những hàng rào biên giới, và những trạm kiểm soát. Trong dự án “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc, Pakistan giữ vị trí then chốt với tuyến hành lang kinh tế Trung - Pakistan (CPEC), nối liền Kashgar với Gwadar. Một tuyến đường mới, nhưng giấc mộng thì cũ.

Tôi đứng trên một sườn đồi ở Gilgit - nơi giao nhau của ba dãy núi vĩ đại Himalaya, Karakoram và Hindu Kush - và cố hình dung ra cảnh đoàn lữ hành Marco Polo đi qua hơn 800 năm trước. Không ai chắc chắn hành trình chính xác của ông, nhưng những ghi chép sót lại cho biết ông đã vượt qua những đèo cao hơn 5.000 m. Phía vách núi gần đỉnh Rakaposhi vẫn còn vết tích của con đường tơ lụa cổ. Người ta thậm chí vẫn còn dùng nó mãi tới khi cao tốc Karakuram hoàn thành.

Đôi khi, cái tên Marco Polo vẫn còn đó như một thương hiệu ăn khách. Ở cái thời đại của thế giới phẳng, người ta sẽ không thể hiểu được cái kỳ diệu của những con đường lạc đà xuyên qua từ sa mạc Sahara tới Gobi, từ những cao nguyên khắc nghiệt nhất của các dãy núi già cao nhất thế giới, từ đại dương qua đại dương của những người đi trước.

Đúng là “Trên đời làm gì có đường, người ta đi mãi mà thành đường thôi”. Những dấu chân lạc đà trên cát có thể tạo nên những đền đài, thành trì, những dấu ấn tín ngưỡng, văn hóa rực rỡ. Không một quốc gia nào nhỏ bé và không có vai trò trong hành trình kết nối ấy.

Trên vùng đất thuần khiết (Kỳ 1) ảnh 1

Cửa khẩu cao nhất thế giới Khunjerab.

Hiểu nhầm Taxila

Cách Islamabad vài chục cây số là di chỉ Taxila, nơi UNESCO đã ghi danh là Di sản thế giới năm 1980.

Trong “Tây du ký”, bốn thầy trò Đường Tăng lên đường tới Tây Trúc thỉnh kinh, trải qua 81 kiếp nạn mới gặp được Phật Tổ Như Lai, để mang bộ kinh Đại thừa về Đông Thổ Đại Đường. Lịch sử đúng là có Đường Huyền Trang rời tháp Đại Nhạn ở Trường An (Trung Quốc), bước chân qua Ngọc Môn Quan tiến vào Tây Vực, đi qua hơn 100 quốc gia con đường tơ lụa và ở lại Tây Trúc. Rất nhiều năm qua, nhiều tài liệu du lịch vẫn nói Taxila chính là vùng Tây Trúc đó. Nhưng hóa ra đó là hiểu lầm to lớn.

Năm 629, đoàn người của Đường Huyền Trang bắt đầu dấn thân vào hành trình thỉnh kinh học đạo hơn 30 năm. Ông đi qua Đôn Hoàng (nay thuộc Cam Túc, Trung Quốc), vượt qua sa mạc Taklamakan và Vương quốc Khotan (nay thuộc Tân Cương, Trung Quốc), sau đó vượt dãy Pamir để vào Bactria (Afghanistan), sau đó qua đèo Khyber để vào Swat, Peshawar và Gandhara (tây bắc Pakistan ngày nay). Điểm dừng chân cuối cùng của ông là Vương quốc Magadha, Na Lan Đà (đông bắc Ấn Độ). Những di chỉ Na Lan Đà ở vùng đông bắc Ấn là minh chứng cho thực tế này.

Những năm đầu Công nguyên, Taxila đúng là trung tâm Phật giáo lớn bậc nhất châu Á, là thành phố tri thức, là nơi hội tụ của tư tưởng Hy Lạp - Ấn Độ - Phật giáo trong hình thức nghệ thuật Gandhara. Đặc biệt là thời kỳ Vua Ashoka, nghệ thuật điêu khắc Taxila đã đạt tới đỉnh cao.

Nhưng tới cuối thế kỷ V, Taxila bị người Hephthalite (Bạch Hung) xâm lược, các công trình bị phá hủy và nền văn minh lụi tàn kể từ đó. Thế nên thời điểm Đường Huyền Trang thỉnh kinh, Taxila không còn là đô thị phát triển nữa. Những dấu ấn hoàng kim khi đó chỉ còn là các phế tích và mãi tới đầu thế kỷ 20 chúng mới được các nhà khảo cổ Anh - Ấn phát hiện. Trong “Đại Đường Tây Vực ký”, Huyền Trang mô tả khá kỹ về Udyana (vùng Swat) và Gandhara (vùng Peshawar), nhưng không hề có dòng nào mô tả Taxila.

Sự nhầm lẫn có thể do trước đó, Taxila đã từng là điểm đến của Pháp Hiển - một nhà sư thời Đông Tấn. Trong khoảng từ năm 399 đến 414, Pháp Hiển đã đi bộ qua các nước Trung Á, tới Ấn Độ học Phật giáo Đại thừa và trở về Trung Hoa theo đường biển. Trong “Phật Quốc ký”, Pháp Hiển đã mô tả mình đến Gandhara và “đi tiếp về phía đông hơn 700 lý đến nước Chukhsa”. Chukhsa đã được các học giả thống nhất đây chính là Taxila. Taxila khi ấy được mô tả là một nơi “Nhiều tu viện hoạt động, có nhiều tháp Phật, kinh viện, dân cư đông đúc”.

Còn bây giờ, Taxila chỉ còn là một di chỉ, với tất cả cổ vật có thể tìm thấy gom trong một phòng trưng bày. Đâu đó là vài dấu vết tượng Phật nằm im dưới đám rêu phong. Nếu xét về tầm ảnh hưởng, có lẽ Taxila cũng chẳng thua kém vườn Lumbini ở Nepal hay Na Lan Đà ở đông bắc Ấn. Nó cũng cho thấy sự biến đổi của lịch sử và những xung đột có thể khiến các nền văn hóa đi từ giao thoa đến đứt gãy ra sao. Con đường tơ lụa kết nối giao thương, kết nối các nền văn hóa. Nhưng cũng trên con đường ấy chứng kiến những cuộc giao tranh liên miên, những biến đổi của nhiều triều đại. Và vương quốc Ấn Độ cổ đại chia năm xẻ bảy, kéo theo những mâu thuẫn tới tận giờ. Sông Indus là con sông duy nhất trên thế giới, mang tên một nước khác, nhưng lại nằm trong lãnh thổ một nước khác. Chỉ riêng điều ấy thôi, cũng đủ nói lên mối quan hệ phức tạp giữa Ấn Độ - Pakistan. Trung tâm Phật giáo Taxila, chỉ còn là dấu tích hoang tàn bên trong một Nhà nước Hồi giáo.

Trên vùng đất thuần khiết (Kỳ 1) ảnh 2

Di chỉ Taxila.

Kỳ tích Karakoram

Từ Sarkdu, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên con đường mà nhiều người gọi là “kỳ quan thứ tám của thế giới hiện đại”: tuyến cao tốc Karakoram - Karakoram Highway (K.K.H). Con đường dài 1.300 km nối liền Pakistan với Trung Quốc, bắt đầu từ Hasan Abdal (tỉnh Punjab) rồi đi qua các thung lũng Hunza, Gilgit và kết thúc tại Khunjerab - con đèo cao nhất thế giới có thể đi bằng xe hơi, nơi cao nhất hơn 4.693 m. Vượt qua cửa khẩu Khunjerab là tới địa phận Tân Cương (Trung Quốc).

Trong suốt 20 năm xây dựng, từ thập niên 1950 đến 1978, đã có 408 người thiệt mạng. Khi tuyến đường hoàn thành, khoảng đầu những năm 80, phóng viên New York Times (Mỹ) đã từng có một trải nghiệm dọc Karakoram sang Tân Cương. Họ gọi đó là hành trình theo chân Marco Polo. Một vài đoạn, cho đến tận bây giờ, vẫn còn giống như NYT mô tả mấy chục năm trước. Vài ngôi mộ đá nằm rải rác, đánh dấu bằng máu và sinh mạng những đoạn đèo khúc khuỷu, những thung lũng với những khúc cua lạnh gáy. Từ cổng vào Khu bảo tồn thiên nhiên Karakoram - đường đến đèo Khunjerab - là xuyên giữa hai dãy núi tuyết. Độ tương phản giữa ánh sáng mặt trời, mầu trắng của tuyết trên đỉnh núi và vùng tối do những vách núi che phủ khơi gợi một cảm giác đầy tò mò và cũng đầy hiểm nguy. Nó không chỉ là một tuyến đường giao thông mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, dọc theo những vách đá uốn lượn cao, xuyên qua cả ba dãy núi cao nhất thế giới: Pamir, Himalaya và Karakoram. Hầu hết các đỉnh núi cao nhất thế giới đều ở Karakoram.

Đường lên Khunjerab là con đường hướng tới những ngọn núi tuyết hình răng cưa chọc lên trời xanh như rìa của một hành tinh khác. Bên cạnh sự trầm trồ về cảnh sắc thì có những lúc không khỏi nín thở trước những khúc cua rợn người. Không khí loãng, lạnh, và tĩnh lặng đến mức nghe rõ tiếng gió quét qua khe đá. Marco Polo từng vượt qua những dãy núi hơn 5.000 m để đến Khanbalik (nay là Bắc Kinh, Trung Quốc). Tuyến đường ông đi, dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng gần như chắc chắn đã băng qua khu vực ngày nay là Karakoram.

Khunjerab là một cổng biên giới sừng sững, ngoài cửa khẩu chỉ có vỏn vẹn hai cây ATM giữa tuyết trắng. Trong lịch sử, ít ai chọn Khunjerab trong hành trình tơ lụa. Những nhà sư như Huyền Trang thường chọn đèo Khyber, phía biên giới Pakistan - Afghanistan để tiến sâu vào Ấn Độ. Nhưng bây giờ, dường như vị trí Karakoram đã trở thành một con bài chiến lược của Một vành đai - Một con đường. Khunjerab quanh năm tuyết phủ. Đó gần như là cửa khẩu sống còn trong kinh tế Pakistan.

(Còn nữa)