Bài toán khó phòng lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Kạn

Đã mấy ngày, thôn Tẩn Lượt, xã Đồng Phúc vẫn ngổn ngang. Hàng nghìn khối đất, đá từ trên núi xô về theo dòng nước giờ mắc lại trên đường, trong nhà, gốc cây…
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà dân ở thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể ngập trong bùn, đất, đá sau lũ quét. Ảnh: TUẤN SƠN
Một nhà dân ở thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể ngập trong bùn, đất, đá sau lũ quét. Ảnh: TUẤN SƠN

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng tại chỗ và nhân dân chung tay dọn dẹp. Dọn chưa được hết thì trời lại mưa to.

Không ai ngờ lũ quét lại đổ về Tẩn Lượt khi mà điểm khởi phát của cơn lũ quét này bắt nguồn từ đỉnh núi cách thôn hàng cây số. Từ đỉnh núi này hướng về phía Tẩn Lượt là một khe núi. Sau tiếng động lớn, đất, đá ụp xuống theo dòng nước cuồn cuộn xô về Tẩn Lượt. Khủng khiếp nhất là thời điểm đó gần 12 giờ đêm, người dân đang say ngủ và hậu quả càng thảm khốc. Chỉ sau đó có vài giờ, rạng sáng 18/5, người dân thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương cũng đang say ngủ. Cơn lũ quét ập đến vào thời điểm không ai phòng bị gì đã gây hậu quả nặng nề.

Hai cơn lũ quét đã cướp đi sinh mạng của 4 người dân xấu số. Người duy nhất bị lũ cuốn nhưng may mắn thoát chết là ông Triệu Văn Du ở thôn Tẩn Lượt. Ông bám được vào ngọn tre, dập dờn giữa dòng nước xiết cho đến sáng thì được lực lượng chức năng phát hiện cứu sống.

Đi kèm với lũ quét, nguy cơ sạt lở đất cũng đang hiển hiện khi mà thời tiết được dự báo vẫn tiếp tục có mưa lớn trên địa bàn. Đây là điều đã xảy ra khi vào tháng 9/2024, sau cơn bão số 3 (Yagi), tại tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện 20 điểm sạt lở, uy hiếp tính mạng và tài sản của 427 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Khoảng 70 hộ dân ở điểm dân cư nhỏ, lẻ cũng hứng chịu nguy cơ sạt lở đất.

Hiện nay, toàn tỉnh có 501 điểm với 2.480 hộ dân tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai. Thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân khách quan thì những khu vực đã xảy ra sạt lở thường thiếu sâu sát trong quản lý đối với việc san ủi đất đồi để làm nhà mà chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Những vị trí đã chuyển đổi mục đích sử dụng thì cũng chưa có hướng dẫn, giám sát khi san ủi để giảm nguy cơ sạt lở. Do phong tục tập quán nên phần lớn các hộ vẫn bố trí phòng ngủ ở khu vực phía sau, thường là các vị trí sát với ta-luy dương nên khi xảy ra sạt lở dễ thiệt hại về người. Ngoài ra, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn, thiếu kinh phí nên việc đánh giá các điểm sạt lở, nguy cơ lũ quét chủ yếu dựa trên cảm quan, kinh nghiệm và một số tài liệu địa chất hiện có. Điều này dẫn tới khoanh vùng các điểm nguy cơ khó đầy đủ và chính xác. Giải pháp căn cơ nhất là di dời các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến sinh sống ở nơi an toàn hơn. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí nên số dự án bố trí ổn định dân cư ở Bắc Kạn được triển khai rất ít, số hộ được di dời còn quá ít so với số đang nằm trong vùng nguy cơ.

Bắc Kạn hiện đang rất cần được hỗ trợ về nguồn lực để có thể di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Người dân hai xã Yến Dương và Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chưa hết bàng hoàng trước hai cơn lũ quét tràn qua. Khu vực hứng lũ quét lại gần như chưa bao giờ được ghi nhận, đánh giá là có nguy cơ. Sự thất thường của thiên tai là khó dự báo nhưng rõ ràng cần có giải pháp căn cơ để ứng phó.