Đừng để nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác

Hoen gỉ, bốc mùi, nhếch nhác đó là thực trạng chung của phần lớn các nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại các quận nội thành Hà Nội. Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị và môi trường sống, những công trình này dường như không làm tròn chức năng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
NVSCC đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa của một thành phố.
NVSCC đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa của một thành phố.

Xuống cấp theo thời gian

NVSCC tại ngõ 62 Trần Quý Cáp (quận Đống Đa, Hà Nội) có tuổi đời gần 60 năm giờ đây chỉ còn là một phế tích. Từng được thiết kế tương đối đầy đủ gồm buồng tắm, khu vệ sinh riêng cho nam và nữ, công trình giờ đây hoang phế với vòi nước hỏng, tường bong tróc, loang lổ nấm mốc, mạng nhện giăng kín. Cánh cửa mục nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào nếu không biết mở đúng cách. Tình cảnh tương tự diễn ra tại nhà vệ sinh ở ngõ 214 Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) với khung cảnh hoang tàn, ngập rác thải từ khu dân cư. Bể nước đọng cặn bẩn, trở thành ổ vi khuẩn và côn trùng, mùi hôi từ rác và nước thải hòa quyện, khiến không khí chung quanh ô nhiễm nặng nề.

Ngay cả những công trình mới hơn, như nhà vệ sinh tại ngã ba Lê Thái Tổ-Hàng Trống, cũng không khá hơn. Dù được thiết kế hiện đại để tô điểm mỹ quan đô thị, thực tế công năng hiện nay cũng không hơn với những công trình cũ: bồn cầu hỏng van xả, cửa không khóa được, bóng đèn chập chờn. Bà Dương Thị Nhân, công nhân vệ sinh, cho biết: “Cuối tuần cao điểm, nơi này đón gần 700 lượt khách, kể cả du khách quốc tế. Cơ sở vật chất xuống cấp khiến việc dọn dẹp vất vả, mất thời gian hơn”.

Hà Nội có 351 NVSCC, trong đó 176 nhà vệ sinh được xây bằng gạch, 91 nhà vệ sinh kết cấu vỏ thép, 84 NVSCC lắp ghép sẵn. So với nhu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch đang là mũi nhọn phát triển con số này vẫn quá ít. Không những vậy, hiệu quả sử dụng của nhiều công trình lại rất hạn chế.

Chị Võ Thanh Thủy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mỗi khi ra ngoài chơi, chị không cho các con sử dụng NVSCC vì cơ sở hạ tầng quá xuống cấp. “Nếu quá bí bách tôi sẽ tạt vào hàng quán giải khát nào đó mua nước để các con được dùng tạm nhà vệ sinh, thậm chí tôi từng chấp nhận mất tiền gửi xe vào thẳng trung tâm thương mại để các cháu giải quyết nhu cầu, chị Thanh Thủy bày tỏ.

Xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện

Từ đầu tháng 3, UBND thành phố Hà Nội đã khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh ở 4 quận trung tâm nhân rộng mô hình “Free Restroom” - xã hội hóa nhà vệ sinh trên tinh thần tự nguyện để hỗ trợ du khách. Sau 1 tháng, hầu hết các nhà hàng, hộ kinh doanh đều ủng hộ mô hình này. Ông Trương Minh Quang (Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và đô thị quận Đống Đa) chia sẻ: “Thực tế chúng tôi không phải thiết kế một NVSCC nào ở ngoài đường mà toàn bộ hộ kinh doanh đều đồng ý cung cấp dịch vụ này. Vừa bảo đảm cảnh quan môi trường, vừa giúp du khách được sử dụng những dịch vụ tốt, miễn phí mà những hộ kinh doanh cũng có cơ hội tăng thu nhập”.

Ở TP Đà Nẵng, mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng có tên “Thoải mái như ở nhà - Comfort as Home” là một sáng kiến đầy tính nhân văn của thành phố. Nhằm tạo sự thoải mái, nâng cao hình ảnh thành phố du lịch văn minh, mô hình này đã huy động sự tham gia tự nguyện của hàng trăm cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Mô hình còn được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố lân cận như Huế và Hội An (Quảng Nam), cho thấy tính hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng và du khách. Điều này không chỉ góp phần khắc phục sự thiếu hụt NVSCC mà còn tạo nên hình ảnh đẹp về một điểm đến thân thiện và chu đáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, NVSCC không chỉ là một công trình phụ trợ, mà thật sự là một yếu tố thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa của một thành phố. Việc xây dựng và duy trì hệ thống NVSCC đầy đủ, sạch sẽ và tiện nghi thể hiện một quan niệm nhân văn sâu sắc về xây dựng và phát triển đô thị. Đó không chỉ là việc đáp ứng nhu cầu sinh lý cơ bản của con người, mà còn là sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống, đến sự thoải mái và tiện nghi của người dân và du khách.