Nếu không sớm thay đổi biện pháp thi công trong bối cảnh thiếu cát san lấp, mục tiêu cơ bản hoàn thành cuối năm nay là một thách thức rất lớn.
Thiếu hụt gần 4 triệu m3 cát
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường vành đai 3 có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 km, đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, được khởi công vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2026. Tổng mức đầu tư dự án trọng điểm quốc gia này lên đến 75.378 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 33.788 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 41.590 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, việc bảo đảm đủ nguồn cát đắp nền là điều kiện tiên quyết, thế nhưng đến nay dự án đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh vẫn đang thiếu hụt gần 4 triệu m3 cát. Trên thực tế, việc thiếu nguồn cát san lấp đã được TP Hồ Chí Minh dự liệu từ trước và trong khi trình chủ trương đầu tư dự án vành đai 3. Khi đó TP Hồ Chí Minh đã lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án vành đai 3, do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hồ Chí Minh) là tổ trưởng, xuống các tỉnh miền Tây rà soát các mỏ cung cấp.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (nay là Sở Xây dựng thành phố) cũng đã có rất nhiều báo cáo về dự báo việc thiếu vật liệu đắp nền đường (đặc biệt là cát đắp). Tại các báo cáo kiến nghị trước đây, cơ quan này nhấn mạnh thiếu cát đang là một trong những nút thắt lớn nhất, gây khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Đối với dự án này, lãnh đạo Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dành rất nhiều sự quan tâm, tổ chức các cuộc họp, liên tục có các chỉ đạo quyết liệt nguồn cung vật liệu về công trường. Trong khi, TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động làm việc với các tỉnh để thúc đẩy tiến độ mở các mỏ cát tại các tỉnh miền Tây. Mặt khác, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động tìm kiếm thêm nguồn cát thương mại, nguồn cát nhập khẩu huy động về công trường.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông - chủ đầu tư), dự án vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh cần khoảng 6,6 triệu m3 cát để xử lý nền đất yếu. Thế nhưng đến nay dự án mới chỉ huy động được khoảng 2,15 triệu m3, tức còn thiếu gần 3,75 triệu m3. Hiện nay, lượng cát huy động về công trường phần lớn là cát thương mại (1,2 triệu m3), cát từ Campuchia (0,65 triệu m3). Trong khi đó, đối với mỏ đặc thù ở miền Tây, dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng đến nay khối lượng huy động về công trường khoảng 0,31 triệu m3.
Theo Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh, đến nay các địa phương đã cấp phép được 10/14 mỏ với công suất khai thác 2,9 triệu m3/năm. Dự kiến đến tháng 6 tới sẽ đi vào khai thác toàn bộ 14 mỏ, với tổng công suất khai thác cấp cho dự án năm 2025 là 3,9 triệu m3 (chưa nâng công suất), còn sau khi nâng công suất các mỏ lên tối đa 50%, tổng khối lượng cung cấp 4,8 triệu m3.
Một khó khăn nữa là giá cát tại mỏ đặc thù cung cấp cho dự án đường vành đai 3 tại một số tỉnh miền Tây khá cao. Chẳng hạn giá cát san lấp được địa phương công bố tại mỏ Hòa Hưng 5 (Tiền Giang) 132.000 đồng/m3, trong khi giá cát Campuchia tại nguồn khoảng 100.000 đồng/m3. Như vậy, cộng thêm với chi phí vận chuyển..., cát từ miền Tây hoặc cát từ Campuchia về đến công trường chi phí tương đương 330.000 - 350.000 đồng/m3. Nếu không sớm thay đổi biện pháp thi công, mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm nay là một thách thức rất lớn.
Ghi nhận tại công trường cầu cạn phía Đông TP Hồ Chí Minh (thuộc TP Thủ Đức), gói XL3 hiện có sản lượng thi công dẫn đầu toàn dự án với sản lượng đạt khoảng 55%. Cùng với đó, các gói XL1, XL2 cũng bứt tốc rõ rệt trong vòng tám tháng qua nhờ ít phụ thuộc vào vật liệu đắp nền. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 5 gói cầu cạn tại TP Thủ Đức phải thông xe trước ngày 31/12/2025. Trái lại, tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh (nơi thi công nền đường trên nền đất yếu), nhiều gói thầu đang ì ạch do thiếu cát đắp gia tài.
Làm mọi cách để đáp ứng đúng tiến độ
Để đáp ứng tiến độ, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần phải làm mọi cách bảo đảm tiến độ vành đai 3, đồng thời tăng tốc khép kín đường vành đai 2, triển khai vành đai 4. Khi đó, mạng lưới đường vành đai hoàn thiện, đồng bộ với hệ thống cao tốc và tạo ra đột phá cho kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Theo ý kiến của các chuyên gia, cũng cần có các giải pháp thay thế như hút chân không hoặc dùng cọc xi-măng đất thay cho giải pháp bấc thấm kết hợp đắp cát truyền thống trong trường hợp nguồn cát vẫn ì ạch về công trường. Ưu điểm của các giải pháp này là rút ngắn thời gian xử lý nền. Đối với giải pháp cọc xi-măng đất, một máy có thể làm 500 - 700m/ngày, làm đến đâu có thể thi công ngay lớp trên của bề mặt nền đường. Đổi lại, chi phí cao hơn nhiều, ước tính việc thực hiện giải pháp cọc xi-măng đất sẽ tăng 40 - 50 tỷ đồng/km tùy theo điều kiện địa chất.
Thực tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đơn cử như văn bản kết luận tại buổi làm việc với các nhà thầu chậm tiến độ dự án thành phần 1 đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (cuối tháng 4 vừa qua), UBND thành phố nhấn mạnh dự án phải bảo đảm các mốc thời gian, tiến độ.
Trong đó, Ban Giao thông được yêu cầu phải chủ động phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ nhà thầu trong tổ chức xây dựng nghiệm thu, thanh toán, bảo đảm tiến độ giải ngân. Đồng thời quản lý chặt tiến độ, nhanh chóng xem xét, giải quyết sớm cách xây dựng do nhà thầu đề xuất...
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Ban Giao thông phải có biện pháp chế tài đối với các nhà thầu yếu kém (gửi lên hệ thống đấu thầu quốc gia, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tạm ứng...). Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà thầu khẩn trương, tăng cường nguồn lực, máy móc, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp,... phương án huy động vật liệu cát đắp, đất đắp, xử lý nền đất yếu,... bù lại tiến độ đã bị chậm.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Ban Giao thông cùng các đơn vị liên quan vẫn đang tập trung đưa cát về cho đủ, bảo đảm gia tải theo tiến độ, phần cầu cạn không ảnh hưởng đến vật liệu cát thì vẫn đang đẩy nhanh, trong khi nguồn cát từ các mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long bắt đầu đưa về theo tiến độ. Do đó, hiện nay tiến độ vẫn đúng theo mục tiêu đề ra.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc, các địa phương đang khẩn trương hoàn tất thủ tục cấp phép các mỏ còn lại, đồng thời xem xét nâng công suất khai thác của các mỏ đã hoạt động nhằm kịp thời cung ứng vật liệu cho dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, dự kiến đến tháng 6 tới sẽ đi vào khai thác toàn bộ 14 mỏ, với tổng công suất khai thác cấp cho dự án năm 2025 là 3,9 triệu m3 (chưa nâng công suất), còn sau khi nâng công suất các mỏ lên tối đa 50%, tổng khối lượng cung cấp 4,8 triệu m3.
Đường vành đai 3 không chỉ là con đường giao thông, mà còn tạo ra xung lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mở ra một giai đoạn mới cho tiềm năng phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Theo phản ánh của một số nhà thầu thi công xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, công suất khai thác của các mỏ cát đặc thù ở miền Tây dành cho vành đai 3 trong giấy phép khá thấp, không đáng kể so với tiến độ theo yêu cầu. Vì vậy, tổng thể số cát đã huy động về công trường từ các mỏ miền Tây không nhiều, chỉ 331.000 m3.