Thế nhưng, nếu hỏi chất lượng quản lý có tốt không, cũng không ai dám mạnh miệng khen tốt. Bởi, bản chất của tiền kiểm là xin-cho, đã xin lên được thì bớt xuống được. Cho nên, khi trình độ phát triển chưa cao, quy mô quản lý chưa lớn, thì tiền kiểm là cơ chế kiểm soát tạm chấp nhận được.
Tuy nhiên, khi xã hội phát triển đến chừng mực nhất định, quy mô nền kinh tế đủ lớn, đòi hỏi trình độ quản lý cao hơn, thì cơ chế tiền kiểm không còn thích hợp nữa. Tự nhiên, tiền kiểm phải chuyển dần sang hậu kiểm. Lúc này, việc cấp phép sẽ không còn gói gọn trong một tờ giấy phép, cấp riêng rẽ cho từng đối tượng, từng doanh nghiệp. Mà sự cho phép sẽ được ban bố rộng rãi hơn, công khai, minh bạch hơn, thông qua các hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản pháp luật. Ai có nhu cầu, cảm thấy phù hợp, nghiền ngẫm xong cứ mặc sức làm. Khi có hình hài, có thực lực, cơ quan nhà nước mới thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định đã ban hành, đạt được thì tiếp tục, chưa đạt được thì khắc phục. Nói chung, so với tiền kiểm, vẫn là một bầu trời tự do lồng lộng.
Vì vậy, hậu kiểm chính là cơ chế giúp doanh nghiệp nở rộ, giúp nền kinh tế tiến bộ, đồng thời cũng là thước đo trình độ phát triển của doanh nghiệp và quyết tâm của quản lý nhà nước.
Khi vận hành cơ chế hậu kiểm, doanh nghiệp sẽ không bị hạn chế ở đầu vào, vì cứ nộp hồ sơ hợp lệ là cấp đăng ký kinh doanh; cũng không bị hạn chế ở hoạt động, vì cứ tự giác tuân thủ quy định pháp luật là tồn tại, phát triển. Mà doanh nghiệp thành lập, tồn tại nhiều, phát triển nhanh thì kinh tế giàu mạnh.
Vấn đề còn lại, là quyết tâm của quản lý nhà nước. Muốn hậu kiểm vận hành tốt, thì chiếc “kiềng ba chân” của hậu kiểm phải tốt: Thứ nhất, phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định pháp luật hoàn thiện. Thứ hai, phải có hệ thống hậu kiểm đầy đủ về lượng, vững mạnh về chất. Thứ ba, phải có cơ chế giám sát hậu kiểm đa dạng, độc lập và có tính khả thi cao. Cả ba “cột trụ” này đều cần quyết tâm chính trị của quản lý nhà nước.
Chẳng hạn, như ở nước ta hiện nay, cán cân hậu kiểm đã chiếm lợi thế ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, từ quản lý đầu tư, thuế, hải quan đến y tế, môi trường, xây dựng… Tuy nhiên, vẫn còn đó những giấy phép con, những công văn chỉ đạo riêng lẻ xuất phát từ các cấp, các ngành nắn, chỉnh đường hướng cho doanh nghiệp. Đây được coi là phương cách “tinh vi” của cơ chế tiền kiểm còn rơi rớt. Hay nhìn từ góc độ khác, việc thực hiện hậu kiểm hoặc quá tải hoặc tiêu cực nên đã bỏ sót nhiều trường hợp cần kiểm tra. Trong khi đó, việc giám sát hai khâu xây dựng chính sách và thực hiện hậu kiểm nói trên lại chưa đủ đa dạng, chưa đủ độc lập và chưa đủ điều kiện… đủ mạnh để vào cuộc. Tất cả những hạn chế ấy đã làm cho cơ chế hậu kiểm chưa phát huy hết tác dụng vốn tiến bộ của nó.
Sắp tới, Đảng, Nhà nước ta chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa thì việc chuyển mạnh sang cơ chế hậu kiểm càng có ý nghĩa đồng bộ quan trọng. Hy vọng, hai bước chuyển đều nên tràn đầy quyết tâm này, sẽ tạo động lực tương hỗ để cùng đưa Việt Nam bước nhanh và vững chắc vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.