Trình bày trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026 nhằm thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng. Phạm vi giảm thuế cũng được đề xuất mở rộng, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ quan trọng như công nghệ thông tin, kim loại đúc sẵn, hóa chất, xăng dầu, than cốc, dầu mỏ tinh chế, than nhập khẩu và thương mại.
Chính sách hỗ trợ đã “dài hơi”
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, mặc dù việc giảm VAT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng tác động tích cực của nó lại rất rõ rệt. Chính sách này không chỉ kích thích sản xuất và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mà còn mở ra cơ hội tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách trong tương lai. Dự báo, việc giảm thuế VAT sẽ khiến ngân sách nhà nước thiếu hụt khoảng 121.740 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2025 và cả năm 2026. Cụ thể, nửa cuối năm 2025 sẽ giảm khoảng 39.540 tỷ đồng, còn năm 2026 là 82.200 tỷ đồng.
Tác động tích cực của chính sách này là không thể phủ nhận. Giảm thuế VAT giúp giảm giá thành hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn, đây là một yếu tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số thành viên trong Ủy ban đều đồng thuận tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT trong sáu tháng cuối năm 2025 và năm 2026. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang đối diện với nhiều thách thức và nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, đây là biện pháp quan trọng để kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đã đề ra.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, việc giảm VAT không làm giảm mà còn giúp tăng thu ngân sách. Minh chứng rõ nhất là năm 2024 tổng thu ngân sách lần đầu tiên vượt mức 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 320.000 tỷ đồng so với năm 2023. Điều này cho thấy sự hiệu quả của chính sách giảm thuế trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mục tiêu tăng trưởng cao đã được đặt ra, việc giảm thuế cần phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, thậm chí “phủ sóng” chính sách cho toàn bộ mặt hàng và dịch vụ có thuế suất 10%. Bởi lẽ, trong sản xuất, mỗi sản phẩm không chỉ là đầu ra của một ngành mà còn là đầu vào của ngành khác. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng một cách toàn diện và hiệu quả, việc giảm thuế VAT cần phải mở rộng đối tượng được hưởng.
Cũng theo ông Tú, khi thuế VAT giảm, giá hàng hóa và dịch vụ cũng giảm theo, giúp người tiêu dùng có thể mua được nhiều sản phẩm hơn với số tiền bỏ ra. Thay vì chỉ mua được 10 sản phẩm, họ có thể mua được 11 hoặc 12 sản phẩm, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhìn lại chương trình giảm VAT từ năm 2022 đến nay cho thấy, đề xuất lần này đã thật sự mang tính “dài hơi”, khi công bố một lần kéo dài 18 tháng, khác hẳn so với các đợt giảm thuế trước đây chỉ vỏn vẹn sáu tháng. Việc cứ sáu tháng công bố giảm thuế một lần tạo ra sự thiếu ổn định và khó khăn trong việc lên kế hoạch dài hạn.
Cụ thể, doanh nghiệp không thể tính toán chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách rõ ràng, trong khi người tiêu dùng cũng không thể biết liệu họ có tiếp tục được giảm thuế trong nửa năm tiếp theo hay không để an tâm chi tiêu. Trong khi đó, chính sách chỉ thật sự đạt hiệu quả khi người tiêu dùng biết chắc rằng việc giảm thuế sẽ tiếp tục diễn ra, và họ có thể điều chỉnh hành vi, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn mà không lo lắng về giá cả. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với yêu cầu kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ, việc củng cố thị trường nội địa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
![]() |
Giảm thuế VAT là biện pháp quan trọng để kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Vẫn cần giải pháp thuế toàn diện
Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% được đặt ra, nhưng động lực từ xuất khẩu có dấu hiệu chững lại, nhiều chuyên gia cho rằng việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế, đặc biệt là VAT là cần thiết. Việc duy trì mức giảm 2% thuế VAT trong vòng 18 tháng được đánh giá là hợp lý. Khoảng thời gian này đủ dài để doanh nghiệp xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đồng thời giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi biết rằng mình có thể tiết kiệm một khoản đáng kể trong mỗi lần mua sắm. Đây là tiền đề quan trọng để cả doanh nghiệp lẫn người dân tận dụng tốt nhất lợi ích từ chính sách thuế.
Tuy vậy, nhiều ý kiến chuyên gia cũng bày tỏ sự thận trọng. Họ cho rằng, việc kéo dài một chính sách mang tính tạm thời như giảm thuế, nếu không có lộ trình rút lui rõ ràng sẽ dễ tạo ra tâm lý ỷ lại, làm chậm quá trình cải cách thuế một cách bền vững. Điều này càng trở nên đáng lưu ý khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, đòi hỏi sự ổn định và định hướng lâu dài.
Kinh nghiệm quốc tế cũng đặt ra những cảnh báo. Tại Thailand hay Indonesia, sau đại dịch, chính phủ các nước này từng đối mặt với phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp và người dân khi chấm dứt các ưu đãi thuế tạm thời mà không truyền thông rõ ràng. Nếu Việt Nam chưa đánh giá kỹ tác động và không xây dựng một khung pháp lý vững chắc, việc kéo dài chính sách giảm thuế có thể trở thành rào cản cho các cải cách mang tính dài hạn.
Một số chuyên gia kinh tế còn cảnh báo về nguy cơ rơi vào “bẫy hỗ trợ tài khóa”. Nếu chính sách giảm thuế ngắn hạn bị lặp lại quá thường xuyên, sẽ làm méo mó kỳ vọng của thị trường. Trong khi đó, các sắc thuế có tính điều phối và công bằng hơn như thuế tài sản hay thuế môi trường lại chưa được phát huy hiệu quả. Kết quả là hệ thống thuế thiếu những công cụ điều tiết mang tính ổn định và lâu dài.
Ở góc độ thực tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn và chưa phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong sáu tháng cuối năm 2025 và kéo dài sang năm 2026 là hợp lý để kích thích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần có nghiên cứu khoa học, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách này đối với nền kinh tế, đồng thời rà soát kỹ lưỡng đối tượng được thụ hưởng để tránh dàn trải. Việc giảm thuế cần tập trung vào các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, cũng như mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua giá cả hàng hóa được điều chỉnh giảm tương ứng.
Ở góc nhìn thực thi chính sách, luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, chính sách thuế chỉ phát huy hiệu quả khi được thực hiện một cách minh bạch, cả về mục tiêu lẫn phương thức áp dụng. Nếu tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đầu ra. Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong khâu phân phối, cần có trách nhiệm chứng minh việc điều chỉnh giá bán phù hợp với mức giảm thuế.
Điều đáng lo ngại hiện nay là sự thiếu vắng một cơ chế hậu kiểm đủ mạnh đối với các chính sách miễn, giảm thuế tạm thời. Theo bà Hà, không thể để những chính sách hỗ trợ trở thành “vùng xám” mà trong đó doanh nghiệp đầu chuỗi được hưởng lợi, trong khi người tiêu dùng và ngân sách nhà nước lại không được hưởng đúng như mục tiêu ban đầu. Do đó, cần xây dựng ngay từ đầu một cơ chế hậu kiểm rõ ràng, bao gồm điều kiện rút lui, trách nhiệm giải trình của cơ quan thuế, và chế tài xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp không chuyển lợi ích giảm thuế vào giá hàng hóa, dịch vụ.