Tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, Nestlé đã có thông báo về việc gia tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, với số tiền gần 1.900 tỷ đồng dành cho việc mở rộng Nhà máy Nestlé Trị An tại tỉnh Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư giai đoạn 2024-2025 đạt hơn 4.300 tỷ đồng. Nhờ vào dự án mở rộng này, tổng số vốn đầu tư của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã vượt mốc 20.200 tỷ đồng.
Niềm tin tiếp tục được củng cố
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, khoản đầu tư lần này là sự đầu tư mở rộng hoạt động, thể hiện cam kết dài hạn về việc đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình. Trong thời gian tới, Nestlé sẽ tiếp tục đầu tư nguồn vốn, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và góp phần vào sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Điều này đã minh chứng cho niềm tin của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Thực tế này còn được thể hiện qua số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), sau 4 tháng đầu năm 2025, ngoại trừ vốn đăng ký mới vẫn đang giảm do sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn, thì vốn đầu tư tăng thêm và đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh.
Cụ thể, các con số tương ứng là 6,4 tỷ USD, tăng gấp gần 3,9 lần và 1,83 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ số vốn tăng, mà số lượng các dự án đăng ký mới, điều chỉnh vốn và số lượng các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cũng tăng nhanh. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục được củng cố. Doanh nghiệp không chỉ đến đầu tư mới, mà còn mở rộng quy mô hoạt động.
Trong khi đó, mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2025 là khoảng 35 - 40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27 - 28 tỷ USD. Nói về triển vọng từ nay đến cuối năm, GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) dự báo thu hút FDI của Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện; nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.
Cụ thể, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp Nhật Bản từ trong nước và từ Trung Quốc sang các nước ASEAN gia tăng rõ rệt, trong đó số lượng lớn sang Việt Nam. Trong tổng số 176 trường hợp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN có 90 trường hợp dịch chuyển sang Việt Nam.
Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, các doanh nghiệp châu Âu vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam. Theo đó, 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, thể hiện cam kết dài hạn của họ. Tăng trưởng kinh tế ổn định cùng với dự báo GDP tích cực cũng phần nào giúp trấn an các nhà đầu tư, thể hiện các doanh nghiệp đánh giá cao cơ hội thương mại và đầu tư cũng như sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và du lịch.
Tăng ưu đãi cho nhà đầu tư
Mặc dù “thiên thời, địa lợi” nhưng trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới biến động khó lường tạo ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung, cũng như hoạt động thu hút FDI nói riêng.
Đơn cử như việc các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngoài ra, chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.
Theo ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho đến nay, phần lớn doanh nghiệp châu Âu vẫn chưa thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật. “Nhu cầu về các cải cách mạnh mẽ nhằm củng cố niềm tin và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang trở nên vô cùng cấp thiết”.
Trong khi đó, dù khẳng định trong ngắn hạn dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa thể giảm ngay, song bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê cho rằng mức thuế 46% nếu được áp dụng và kéo dài thì có thể làm tăng chi phí sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cũng theo bà Nga, nhiều tập đoàn lớn FDI sản xuất và xuất khẩu các nhóm máy vi tính điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện,... có thể cân nhắc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh về chính quốc hoặc về các nước khác để giảm rủi ro tập trung. Ngoài ra, các nhà đầu tư FDI mới đang tìm hiểu thị trường Việt Nam cũng sẽ có những lo ngại và có thể tìm đến các quốc gia khác để thay thế.
Với lợi thế sẵn có, đại diện Cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường ưu đãi thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, bền vững... Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy. Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước...
Cùng với đó, cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. “Cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu”.
Để thu hút FDI duy trì nhịp độ tích cực, đặc biệt trong những lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, big data, năng lượng sạch, ông Mại cũng cho rằng, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, nới lỏng các quy định, tăng thêm ưu đãi cho nhà đầu tư. Trong đó, cần phải đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.
Cùng với đó, với sự dẫn dắt của xu thế xanh, công nghệ và số hóa, trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các luật đã có, kịp thời ban hành một số luật mới để thích ứng với kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Nghị định về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Tuy vậy, tình trạng phổ biến là thời gian soạn thảo luật, nghị định khá dài, khi Quốc hội thông qua luật thì phải chờ nghị định, thông tư.
Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng thực hiện chức năng của Quốc hội là cơ quan lập pháp, soạn thảo và ban hành luật pháp với nội dung hoàn chỉnh đủ điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội. “Việc hoàn thiện thể chế đòi hỏi những chuyển biến đột phá trong tư duy và hành động để phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút FDI, nhất là của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới”, ông Mại nhấn mạnh.