Sử dụng hiệu quả trụ sở công sau sáp nhập

Về chuyện các trụ sở công sau sáp nhập, gần đây đang thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí. Có thể nhìn lại để rút ra những bài học cần thiết từ việc mở rộng địa bàn Hà Nội năm 2008 trong việc sử dụng lại, chuyển đổi công năng các công trình. Để từ đó, tránh tình trạng những công sở vắng lặng, để không gây lãng phí.
0:00 / 0:00
0:00

Hoặc có thực tế như ở Bắc Giang, khi có trụ sở mới khang trang, thì trụ sở cũ chậm được xử lý, phát huy vào các chức năng mới. Ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, vừa hoàn thành sắp xếp giai đoạn 1, đã có những kỳ vọng về việc tái sử dụng hàng trăm công sở dôi dư sao cho hiệu quả. Mong muốn chung là tránh để cho công sở sau sáp nhập mà gần như tỉnh, thành phố nào cũng sẽ có trở nên phổ biến, đại trà, dễ dẫn đến xuống cấp, lãng phí.

Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Nội vụ, hậu sáp nhập cấp tỉnh, sẽ dôi dư khoảng 4.200 trụ sở. Cấp xã, từ hơn 10.000 đơn vị, nhập lại còn hơn 3.300 đơn vị, sẽ phải đối diện với hai vấn đề: Thứ nhất, lo đầu tư, nâng cấp trụ sở mới để bảo đảm hoạt động cho hệ thống chính quyền cơ sở mới sắp xếp. Thứ hai, lo xử lý con số khổng lồ các trụ sở cũ sao cho khỏi lãng phí. Rõ ràng, đây là bài toán cân bằng khó khăn, vì ngoài khoảng 1.000 trụ sở cấp huyện có thể sử dụng cho sáp nhập mới, thì còn phải đầu tư, nâng cấp khoảng hơn 2.000 trụ sở tương đương.

Ngoài ra, còn một vấn đề cần chú trọng khác. Đó là những trụ sở dôi dư này khi chuyển đổi công năng cần được nghiên cứu cải tạo, thiết kế lại, sửa chữa hoặc tận dụng một cách hợp lý. Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học về mặt kỹ thuật xây dựng, cải biến kiến trúc, sử dụng nguyên vật liệu phù hợp. Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả các công trình, không gian này. Và cũng phải trên cơ sở tiết kiệm, không lãng phí. Nếu không dễ dàng, không thuận lợi và còn những khúc mắc nào đó, thì việc xử lý con số hàng nghìn trụ sở này, để cân đối được lợi ích là vô vàn gian khó.

Với mục tiêu sử dụng vào mục đích công cộng, cũng như phát huy giá trị công ích, chẳng hạn, sử dụng cho giáo dục, y tế công lập thì trước hết phải rà soát quy hoạch, xã hội học xem có phù hợp không, nhằm tránh sự lãng phí khi các địa phương cũng đã có đủ các công trình, trụ sở đó rồi. Còn lựa chọn cho văn hóa, thể thao, công cộng khác, thì phải xem mô hình quản lý thế nào, bảo trì, bảo dưỡng, bù lỗ, thu phí ra sao. Hoặc, ở góc độ chuyển sang bất động sản nhà ở xã hội phi lợi nhuận, cũng có thể sẽ góp phần thực hiện tốt hơn, sớm hơn chương trình, mục tiêu nhà ở xã hội vốn đang cấp bách của Đảng, Nhà nước ta.

Rất cần sự nhất quán từ chủ trương cho đến việc triển khai. Một chủ trương mạnh mẽ, nhất quán sẽ giải tỏa nhiều lưỡng lự, băn khoăn.