Tehran kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại

Chủ tịch Hội đồng Chiến lược về quan hệ đối ngoại Iran Kamal Kharrazi nhấn mạnh, trật tự thế giới đa cực mới nổi đòi hỏi các nước trong khu vực phải đoàn kết và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tại Diễn đàn Đối thoại Tehran. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tại Diễn đàn Đối thoại Tehran. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố trên được Iran đưa ra trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đang tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran.

Lạc quan về đàm phán Iran-Mỹ

Phát biểu ý kiến bên lề Diễn đàn Đối thoại Tehran, ông Kharrazi nhấn mạnh, thế giới đang chuyển sang chủ nghĩa đa phương, cho phép các quốc gia đóng vai trò lớn hơn và hiệu quả hơn trong phạm vi toàn cầu. Ông cho rằng các cường quốc trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga phải tích cực tham gia vào việc định hình các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi nhận định các cuộc đàm phán gián tiếp đang diễn ra giữa Iran và Mỹ, có thể đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực Tây Á.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran khẳng định các nước trong khu vực có thái độ tích cực đối với các cuộc đàm phán Iran-Mỹ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ khu vực đối với các cuộc đàm phán và các nỗ lực giải quyết những khác biệt giữa hai bên, nói thêm rằng việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực là vấn đề mà các nước đang đặc biệt quan tâm.

Về đàm phán Iran-Mỹ, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết, Tehran có thể đạt được thỏa thuận với Washington nếu Mỹ không áp dụng biện pháp cưỡng ép đối với Iran. Tổng thống Iran đưa ra phát biểu trên trong cuộc gặp với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani đang có chuyến thăm Tehran. Trong khi đó, Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin hoan nghênh tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời đề xuất để Moscow hỗ trợ tiến trình này.

Dưới vai trò trung gian của Oman, các phái đoàn Iran và Mỹ đã tổ chức bốn vòng đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân của Tehran và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ. Dù có những tiến triển, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Các bất đồng liên quan việc làm giàu urani và dỡ bỏ trừng phạt chống Iran vẫn là rào cản chính.

Bất đồng về việc làm giàu urani

Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Iran đều phải bao gồm cam kết không làm giàu urani. Ông Witkoff nhấn mạnh: “Chúng tôi có một giới hạn đỏ rất rõ ràng, đó là việc làm giàu urani. Chúng tôi không cho phép dù chỉ là 1% khả năng làm giàu urani”. Cùng quan điểm cứng rắn trên, phát biểu ý kiến tại Đại hội Do Thái thế giới diễn ra ở thành phố Jerusalem của Israel, tân Đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee khẳng định, Tổng thống Donald Trump sẽ “không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Đáp trả các tuyên bố từ phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Majid Ravanchi nhấn mạnh, Iran sẽ kiên quyết bảo vệ quyền làm giàu urani của mình, theo quy định trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này là thành viên. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Araghchi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục làm giàu urani dù có đạt thỏa thuận hay không với các cường quốc thế giới. Ông Araghchi nhấn mạnh, nếu Mỹ quan tâm đến việc bảo đảm Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân, một thỏa thuận là có thể đạt được và Tehran sẵn sàng cho cuộc đối thoại nghiêm túc để đạt được giải pháp bảo đảm vĩnh viễn kết quả đó. Tuy nhiên, Iran sẽ tiếp tục làm giàu urani, dù có thỏa thuận hay không.

Tại cuộc đàm phán giữa Iran với Anh, Pháp và Đức (E3) tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Araghchi cho biết Iran đã sẵn sàng xây dựng lại lòng tin và mở rộng quan hệ với các quốc gia châu Âu nếu họ thật sự tuân thủ ý chí và cách tiếp cận độc lập. Trong khi đó, nhà ngoại giao Anh Christian Turner thông báo, Iran và E3 chia sẻ cam kết đối thoại và đã đồng ý tiếp tục đàm phán, nhưng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể, đồng thời nhất trí duy trì và tận dụng tối đa các biện pháp ngoại giao.

Cuộc đàm phán giữa Iran và E3 tại Istanbul được tổ chức sau khi Bộ trưởng Araghchi cảnh báo những hậu quả không thể đảo ngược nếu châu Âu tiến tới việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Theo đó, E3 có thời hạn đến ngày 18/10 tới để kích hoạt cơ chế khôi phục các lệnh trừng phạt trước khi thỏa thuận hết hiệu lực. Nhóm các nước E3 là các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran cùng với Trung Quốc, Nga và Mỹ năm 2015. Cuộc họp tại Istanbul là vòng đàm phán đầu tiên giữa Iran và E3 kể từ khi Mỹ khởi động đàm phán hạt nhân với Tehran vào tháng 4 vừa qua.