Nestlé vướng bê bối xử lý nước khoáng

Một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới, Nestlé, vừa bị cáo buộc sử dụng phương pháp lọc nước bị cấm trong sản phẩm nước khoáng thiên nhiên Perrier. Bê bối không chỉ làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch của Nestlé mà còn đặt các nhà quản lý Pháp vào vòng nghi vấn bao che cho sai phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Nước khoáng Perrier. Ảnh: AP
Nước khoáng Perrier. Ảnh: AP

Theo Euronews, báo cáo sau cuộc điều tra dài sáu tháng do Thượng viện Pháp công bố ngày 19/5 cho thấy, Nestlé đã sử dụng các phương pháp xử lý bằng tia cực tím và bộ lọc than hoạt tính cho sản phẩm nước khoáng thiên nhiên. Đây là phương pháp bị cấm theo quy định của Liên minh châu Âu (EU). Quy định của EU nghiêm cấm mọi hình thức khử trùng hoặc xử lý có thể làm thay đổi đặc tính tự nhiên của nước khoáng, yếu tố cốt lõi khiến sản phẩm này có giá cao hơn nhiều lần nước máy.

Không chỉ vạch ra những sai phạm của Nestlé, báo cáo chỉ ra nhiều bằng chứng về mối quan hệ "gần gũi bất thường" giữa Nestlé và một số cơ quan quản lý. Báo cáo cũng nhấn mạnh, các nhà quản lý Pháp đã được thông báo về vụ việc từ năm 2022 nhưng không công bố, cũng như không có hành động pháp lý cụ thể nào. Nghị sĩ Antoinette Guhl, thuộc đảng Xanh, nhấn mạnh: “Đây là một vụ bê bối lớn, làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin giữa người dân và các nhà chức trách”. Tuy nhiên, giới chức Pháp đã phủ nhận thông tin liên quan vụ việc này.

Perrier là một trong những sản phẩm nước khoáng nổi tiếng nhất thế giới, có nguồn gốc từ một con suối ở miền nam nước Pháp và được Nestlé mua lại vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 2024, Nestlé thừa nhận đã sử dụng bộ lọc bị cấm và xử lý bằng tia cực tím trong quy trình sản xuất nước khoáng. Tuy nhiên, công ty khẳng định luôn bảo đảm an toàn cho sản phẩm và không che giấu thông tin với các cơ quan chức năng.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện vào tháng 3, Giám đốc điều hành Nestlé Waters, bà Muriel Lienau, nhấn mạnh: “Tất cả sản phẩm nước của chúng tôi đều tinh khiết ngay từ nguồn. Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của việc làm rõ các khúc mắc và chưa bao giờ phản đối tính hợp pháp trong công việc của Thượng viện”.

Nhằm tránh hành động pháp lý liên quan hành vi xử lý nước không đúng quy định, Nestlé sau đó đã nộp khoản tiền phạt hai triệu euro. Công ty cũng khẳng định đã thay thế các bộ lọc bị cấm bằng phương pháp lọc vi mô được chính phủ chấp thuận, đồng thời nhấn mạnh nước của họ luôn “tinh khiết”.

Tuy nhiên, tổ chức giám sát thực phẩm độc lập Foodwatch đã đệ đơn kiện Nestlé Waters, cáo buộc tập đoàn này cố ý “lừa dối người tiêu dùng”. Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Foodwatch, bà Karine Jacquemart bày tỏ hy vọng cuộc điều tra sẽ làm sáng tỏ mọi trách nhiệm của Nestlé Waters, cũng như vai trò của các cơ quan công quyền. Một thẩm phán tại Paris đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự.

Đây không phải lần đầu Nestlé vướng phải các bê bối sai phạm. Tập đoàn này cũng phải chịu áp lực ở Pháp sau khi công ty con của họ bị cáo buộc có liên quan vụ nhiễm khuẩn bánh pizza nhãn hiệu Buitoni, bị nghi dẫn đến cái chết của hai trẻ em vào năm 2022.

Theo AP, Pháp là quốc gia hàng đầu thế giới trong sản xuất nước khoáng thiên nhiên, với 104 nguồn khoáng trên khắp cả nước. Ngành công nghiệp này trị giá 2,7 tỷ euro và tạo ra hơn 41.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Chính vì vậy, vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp mà còn đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch trong quản lý lĩnh vực này.

Trước đó, nhiều vụ sai phạm liên quan nước khoáng đã bị phát hiện tại Pháp. Năm 2019, một người tố giác đã cảnh báo về nhà sản xuất Sources Alma, sở hữu các thương hiệu như Cristaline và Vichy Célestins, bị nghi sử dụng phương pháp lọc không hợp lệ. Khi điều trần trước Thượng viện, đại diện Sources Alma khẳng định: “Chúng tôi không sử dụng các phương pháp xử lý bất hợp pháp và nước của chúng tôi hoàn toàn an toàn”.

Giới quan sát cho rằng vụ việc hiện tại cho thấy những lỗ hổng trong ngành quản lý nước khoáng tại Pháp, có thể dẫn đến một cuộc cải tổ toàn diện trong cách giám sát lĩnh vực nổi tiếng của “đất nước hình lục lăng”, đồng thời buộc các công ty lớn phải minh bạch hơn trước áp lực ngày càng gia tăng từ xã hội và truyền thông.