Cơ hội cho phụ nữ làm du lịch

Tại nhiều quốc gia, ngành du lịch vẫn là "sân chơi" của nam giới, phụ nữ thường chỉ đảm nhận những công việc cấp thấp. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú tại Sri Lanka và Ấn Độ đang tuyển dụng lao động nữ, không chỉ phá vỡ định kiến giới mà còn mở ra cánh cửa cơ hội nghề nghiệp cho hàng nghìn phụ nữ.
0:00 / 0:00
0:00
Các nữ nhân viên tại khách sạn Amba Yaalu. Ảnh: THE GUARDIAN
Các nữ nhân viên tại khách sạn Amba Yaalu. Ảnh: THE GUARDIAN

Chị Jeewanthi Adhikari, 42 tuổi, đã dành hơn 10 năm để nỗ lực tìm kiếm sự thăng tiến trong ngành du lịch Sri Lanka, nơi phụ nữ chỉ chiếm chưa đến 10% lực lượng lao động. Trong suốt sự nghiệp, chị nhiều lần chứng kiến sự bất bình đẳng giới tại nơi làm việc. “Ngay cả trong các buổi phỏng vấn, họ cũng hỏi liệu tôi có dự định kết hôn hoặc sinh con không, rồi nói rằng tôi sẽ phải dành thời gian cho gia đình”, Adhikari chia sẻ.

Chỉ đến khi gia nhập Amba Yaalu, khách sạn đầu tiên và duy nhất ở Sri Lanka có đội ngũ nhân viên hoàn toàn là nữ, sự nghiệp của Adhikari mới bước sang trang mới. Khai trương vào tháng 1 vừa qua, khách sạn này hiện có 84 nữ nhân viên, trở thành biểu tượng cho sự đổi thay trong ngành du lịch tại một quốc gia còn nặng định kiến giới.

Amba Yaalu là một phần của chuỗi khách sạn Thema, do doanh nhân Chandra Wickramasinghe sáng lập. Ý tưởng thành lập một khách sạn do phụ nữ điều hành bắt nguồn từ chính người mẹ của ông - một y tá đơn thân nuôi tám người con. “Chúng tôi có những người phụ nữ rời Sri Lanka đến Trung Đông làm giúp việc, nơi họ đôi khi bị đối xử tệ bạc. Tôi muốn tạo ra một cơ hội khác cho họ ở quê nhà”, ông nói.

Theo Giám đốc điều hành của UN Tourism Natalia Bayona, dù phụ nữ chiếm 54% lực lượng lao động toàn cầu trong ngành du lịch, chỉ 14% trong số đó có thể vươn lên vị trí quản lý. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo bước ngoặt quan trọng. “Covid-19 mở ra cánh cửa cho những cơ hội mới, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi trước đây phụ nữ gần như không thể tiếp cận ngành du lịch”, Bayona nhận định. Bà cũng cho rằng, xu hướng nữ giới lãnh đạo đang trở thành động lực cho một ngành du lịch nhân văn, đa nhiệm và bền vững hơn.

Tại Ấn Độ, khách sạn Westin Hyderabad Hitec City, do Tập đoàn Marriott International quản lý, đã trở thành mô hình tiêu biểu khi hoạt động với đội ngũ nhân viên chủ yếu là nữ. Bà Amrita Biswas, bếp phó tại khách sạn này chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc trong những căn bếp do nam giới thống trị. Nhưng hiện nay, nhiều phụ nữ Ấn Độ được công nhận năng lực về ẩm thực và dấn thân mạnh mẽ vào ngành nghề vốn được xem là của nam giới”.

Trên khắp châu lục, các mô hình du lịch do phụ nữ lãnh đạo đang chứng minh rằng bình đẳng giới không chỉ là khẩu hiệu, mà là con đường thực tế để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo công ăn việc làm và tái định hình lại một ngành công nghiệp toàn cầu đang từng bước thay đổi.