Nông dân Kenya thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thời tiết trở nên khó lường do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nông dân trên khắp Kenya quay lại sử dụng các giống hạt giống bản địa như một giải pháp bảo đảm an ninh lương thực và tăng khả năng chống chịu với thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Một loại hạt giống được bảo quản trong Ngân hàng hạt giống. Ảnh: GETTYIMGES
Một loại hạt giống được bảo quản trong Ngân hàng hạt giống. Ảnh: GETTYIMGES

Tại làng Kamathatha thuộc miền trung Kenya, bà Martha Njenga đang dẫn dắt một “cuộc cách mạng thầm lặng”. Từng là một nông dân, nay bà trở thành người truyền cảm hứng và hướng dẫn cho cộng đồng cách bảo quản, lưu trữ và sử dụng hạt giống bản địa - những giống cây trồng từng bị lãng quên trong làn sóng hiện đại hóa nông nghiệp. “Ngân hàng hạt giống cộng đồng giúp nông dân dễ dàng tiếp cận hạt giống đúng lúc, đặc biệt trong mùa khô hạn. Nếu mùa màng thất bát, họ có thể quay lại lấy hạt giống và gieo trồng lại, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí”, bà Njenga chia sẻ.

Ý tưởng thành lập ngân hàng hạt giống bản địa được xem là một giải pháp căn cơ. Những hạt giống được lưu giữ tại đây đều là loại đã thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, mang lại cho nông dân sự tự chủ và khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường ngày càng biến động.

Trường hợp của bà Martha Wangui là một thí dụ điển hình. Trước kia, bà thường chỉ trồng một hoặc hai loại cây như ngô hoặc đậu, với mỗi vụ mùa thu hoạch kéo dài cả năm. Tuy nhiên, sự thất thường của thời tiết khiến những cây trồng này nhiều lần bị mất trắng. Bà Wangui đã phải vật lộn để kiếm đủ thức ăn cho gia đình. Kể từ khi chuyển sang sử dụng các giống cây bản địa như sắn dây, bà đã có thể thu hoạch quanh năm. “Chúng tôi không còn phụ thuộc vào chỉ một vụ mùa nữa. Các giống cây truyền thống giúp tôi và gia đình có cái ăn quanh năm, bất kể thời tiết ra sao,” bà Wangui cho biết.

Xu hướng quay lại với giống bản địa đang lan rộng khắp Kenya, trong bối cảnh giá hạt giống thương mại tăng cao và hiệu suất canh tác của chúng không ổn định. Các giống bản địa không chỉ chống chịu tốt hơn với BĐKH mà còn đa dạng hơn về sản lượng và thời gian thu hoạch.

Nhận thấy tiềm năng từ giải pháp này, Chính phủ Kenya đã và đang đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng nông dân, nhằm kết nối tri thức truyền thống với tiến bộ công nghệ. Trong một sự kiện gần đây, nhiều viện nghiên cứu và tổ chức nông nghiệp đã trình làng các giải pháp canh tác thích ứng với khí hậu - bao gồm cả giống cây trồng cải tiến và các công cụ kỹ thuật số dành cho người làm nông.

Tiến sĩ Robert Musyoki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp và chăn nuôi Kenya (KALRO) cho biết: “Hạt giống bản địa có nhiều tiềm năng, nhưng chất lượng và độ tin cậy là yếu tố then chốt. Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện và chứng nhận các giống cây này để bảo đảm năng suất trong nhiều điều kiện sinh thái khác nhau”.

Từ năm 2012, việc bán hạt giống chưa được chứng nhận đã bị cấm theo luật pháp Kenya. Đây là động thái nhằm bảo vệ nông dân khỏi những kẻ buôn bán hạt giống giả và thúc đẩy năng suất. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được các cộng đồng địa phương tổ chức các buổi trao đổi hạt giống phi chính thức, nơi họ gìn giữ và chia sẻ tri thức canh tác truyền thống đã được tích lũy qua nhiều thế hệ.

Ông Daniel Wanjama, người sáng lập mạng lưới Seed Savers Network nhấn mạnh: “Khoảng 80% lượng hạt giống dùng để sản xuất thực phẩm ở Kenya hiện nay đến trực tiếp từ nông dân. Nếu chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thương mại, chúng ta sẽ mất khả năng tự sản xuất lương thực cho chính mình”.

Theo The Guardian, Kenya là một trong những quốc gia vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH, trong đó trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những rủi ro liên quan những cú sốc và căng thẳng về khí hậu. Nhiều trẻ em cùng gia đình phải rời bỏ nhà cửa vì hạn hán hoặc lũ lụt do mưa lớn, những hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên phổ biến ở Kenya trong những năm gần đây. Trước những diễn biến khó lường của BĐKH, giới chức Kenya đã kêu gọi triển khai nhiều sáng kiến nhằm ứng phó tình hình.

Việc phục hồi và tôn vinh giá trị của hạt giống bản địa không chỉ giúp người nông dân Kenya tăng cường khả năng chống chịu trước khủng hoảng khí hậu, mà còn là một bước đi quan trọng hướng tới nền nông nghiệp bền vững và tự chủ.