Những cam kết lịch sử

Chuyến thăm ba quốc gia vùng Vịnh vừa qua là chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ hai.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHRISTO KOMARNITSKI
Biếm họa: CHRISTO KOMARNITSKI

Không chỉ khẳng định chính sách đối ngoại ưu tiên và cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Đông, chuyến thăm còn thành công trên phương diện kinh tế, với một loạt thỏa thuận hợp tác và cam kết đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD giữa Mỹ và các đồng minh khu vực.

Không theo truyền thống của các nhà lãnh đạo Nhà trắng tới nước láng giềng Canada, hay các đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Âu, Tổng thống Trump đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar. Thành công trong chuyến thăm bốn ngày này đã phản ánh sự lựa chọn và quan điểm chính sách nhất quán của Tổng thống Trump trong cả hai nhiệm kỳ. Cùng với thông điệp mạnh mẽ về chiến lược Trung Đông, chuyến thăm cũng cho thấy rõ chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, khi thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là kinh tế và thương mại.

Đánh dấu thành công nổi bật trong chặng thăm đầu tiên của Tổng thống Trump, tại Saudi Arabia, là các thỏa thuận kinh tế trị giá hơn 300 tỷ USD và cam kết của Saudi Arabia đầu tư khoảng 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ thông qua hàng loạt dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, quốc phòng, công nghệ, cơ sở hạ tầng, khoáng sản thiết yếu… Saudi Arabia còn hy vọng nâng giá trị đầu tư lên 1.000 tỷ USD trong giai đoạn tiếp theo. Nhấn mạnh Mỹ là một trong những đối tác lớn nhất trong chiến lược “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman khẳng định các khoản đầu tư chung là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Hiệp định quan hệ Đối tác kinh tế chiến lược giữa Mỹ và Saudi Arabia, được ký nhân chuyến thăm, bao gồm hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, khai khoáng và quốc phòng. Trong đó, thỏa thuận hợp tác quốc phòng trị thỏa gần 142 tỷ USD được đánh giá là thỏa thuận lịch sử, nhằm hỗ trợ hiện đại hóa năng lực các lực lượng vũ trang của Saudi Arabia.

Tại Qatar, Tổng thống Mỹ đạt được các cam kết kinh tế trị giá 1.200 tỷ USD, cùng các thỏa thuận lớn về hàng không và quốc phòng. Trong đó, nổi bật là thỏa thuận lịch sử giữa Hãng hàng không Qatar Airways với nhà sản xuất Boeing của Mỹ. Đơn hàng của Qatar Airways đặt mua 210 máy bay thân rộng trở thành hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của Boeing. Hai nước cũng ký ý định thư về hợp tác và các thỏa thuận quốc phòng trị giá 42 tỷ USD.

Trong loạt thỏa thuận thương mại trị giá hơn 200 tỷ USD mà Tổng thống Trump đạt được trong chặng cuối chuyến thăm, tại UAE, nổi bật cũng là các hợp đồng mua sắm trị giá 14,5 tỷ USD giữa Hãng hàng không Etihad Airways với Tập đoàn Boeing và nhà cung cấp động cơ máy bay GE Aerospace. Nhà trắng đánh giá thương vụ này không chỉ củng cố mối quan hệ hàng không thương mại giữa Mỹ và UAE, mà còn tạo cú huých cho các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế số một thế giới.

Ngoài những hợp đồng mua sắm quốc phòng và thỏa thuận thương mại, các cam kết hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là điểm nhấn thành công của Tổng thống Trump trong chuyến công du Trung Đông lần này. Một trong những thỏa thuận quan trọng đạt được tại Saudi Arabia là việc Công ty DataVolt của Saudi Arabia cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu AI và hạ tầng năng lượng tại Mỹ. Một loạt tập đoàn lớn cam kết đầu tư khoảng 80 tỷ USD vào ngành công nghệ của cả hai nước.

Tổng thống Trump cũng chứng kiến lễ khai trương giai đoạn một của một cơ sở AI toàn diện mới có công suất 5GW tại Abu Dhabi. Đây là cơ sở AI có quy mô lớn nhất bên ngoài nước Mỹ, là nơi đặt trụ sở của các công ty quy mô siêu lớn của Mỹ để thúc đẩy năng lực phục vụ toàn khu vực Nam bán cầu. Cơ sở này sẽ do tập đoàn hàng đầu về AI của UAE là G42 phối hợp với các đối tác Mỹ xây dựng và vận hành.

Dự án trên là bước triển khai khuôn khổ mới của quan hệ “đối tác tăng tốc” giữa Mỹ và UAE nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về AI và các công nghệ tiên tiến. Thỏa thuận AI sẽ thúc đẩy xây dựng các trung tâm dữ liệu quan trọng của UAE để phát triển các mô hình AI, cũng như cam kết của UAE về đầu tư, xây dựng và tài trợ các trung tâm dữ liệu của Mỹ. Nhà trắng đánh giá đây là thỏa thuận mang tính lịch sử, bởi bao gồm cam kết của UAE nhằm điều chỉnh chặt chẽ hơn các quy định theo hướng phù hợp với Mỹ. Khi các dự án và thỏa thuận được triển khai tại các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là tại UAE, khu vực này sẽ trở thành trung tâm quyền lực thứ ba trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu, sau Mỹ và Trung Quốc.