Từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, từ cửa hàng vỉa hè đến siêu thị hiện đại, hàng giả len lỏi, trà trộn, đánh tráo giá trị thật bằng những sản phẩm gắn mác “cao cấp” nhưng rẻ tiền và nguy hiểm. Trong một xã hội mà niềm tin là vốn quý nhất, sự lan tràn của hàng giả chính là một cuộc khủng hoảng âm thầm nhưng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ riêng năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 91 nghìn vụ việc, xử lý hơn 44 nghìn vụ vi phạm, phạt hành chính khoảng 425 tỷ đồng. Trong số đó, một phần đáng kể liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, vụ việc gây chấn động gần đây là đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả tại Hòa Bình, trong đó có 305 sản phẩm do doanh nghiệp “tự công bố” rồi biến mất khỏi địa chỉ đăng ký - một lỗ hổng pháp lý đang bị lợi dụng nghiêm trọng.
Tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng vừa phát hiện một kho mỹ phẩm giả trị giá hàng chục tỷ đồng, làm nhái các thương hiệu lớn như L’Oréal, Estée Lauder, Shiseido... Tại Hà Nội, hàng loạt thực phẩm chức năng giả được phát hiện, trong đó có nhiều sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như viên uống hỗ trợ gan, tim mạch, xương khớp. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ vi phạm sở hữu trí tuệ cao nhất, phần lớn đến từ nạn hàng giả tràn lan.
Tấn công trên mọi mặt trận
Tình trạng hàng giả hiện nay không chỉ phổ biến mà còn tinh vi. Theo Bộ Công thương, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát hiện khoảng 120 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả và gian lận thương mại. Trên một số sàn thương mại điện tử còn xuất hiện tình trạng hàng giả được rao bán công khai, đánh lừa người tiêu dùng bằng giá thấp và bao bì bắt mắt, gần như không thể phân biệt bằng mắt thường.
Đáng lo ngại hơn, một số nghệ sĩ, bác sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng bá sản phẩm - đặc biệt là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm - bằng các phát ngôn thổi phồng công dụng, không kiểm chứng, đang góp phần tiếp tay cho hàng giả và hàng kém chất lượng lan rộng. Việc gắn hình ảnh cá nhân với các sản phẩm không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng dễ bị lừa dối bởi tâm lý tin tưởng vào thần tượng hoặc người có chuyên môn y khoa. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho thấy, có đến 62% người tiêu dùng dưới 35 tuổi cho biết họ từng mua sản phẩm theo lời quảng bá của người nổi tiếng trên mạng xã hội, trong đó, không ít trường hợp dẫn đến hậu quả sức khỏe hoặc phát hiện hàng kém chất lượng.
Tác hại của hàng giả là đa chiều. Với người tiêu dùng, đó là nguy cơ ngộ độc, dị ứng, suy gan, thậm chí tử vong. Bộ Y tế ghi nhận hơn 30% số ca ngộ độc do thực phẩm chức năng trong năm qua có liên quan đến sản phẩm không rõ nguồn gốc. Với doanh nghiệp chân chính, hàng giả bóp méo cạnh tranh, đánh cắp thương hiệu, làm giảm doanh thu và niềm tin thị trường. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 80% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ. Với Nhà nước, hậu quả là thất thu ngân sách, rối loạn trật tự thị trường và suy giảm hiệu lực pháp luật. Và với toàn xã hội, hàng giả làm bào mòn đạo đức kinh doanh, tiếp tay cho sự gian dối và làm suy yếu niềm tin công cộng.
Những lỗ hổng từ hệ thống
Thực trạng hàng giả tràn lan là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có những bất cập kéo dài về thể chế, quản lý, thị trường và hành vi xã hội.
Về thể chế, hệ thống pháp luật dù đã tương đối đầy đủ, nhưng hiệu lực thi hành còn yếu. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng vẫn chỉ dừng ở mức phạt hành chính. Cơ chế “tự công bố sản phẩm” tuy mang tính cải cách, nhưng lại thiếu hệ thống hậu kiểm nghiêm ngặt, dễ bị lợi dụng. Trách nhiệm quản lý thì bị phân tán, thiếu một đầu mối chỉ huy thống nhất và chuyên sâu.
Về thị trường, lợi nhuận siêu cao từ hàng giả khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp chân chính lại thụ động trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, đầu tư công nghệ chống giả, hay bảo vệ thương hiệu qua các biện pháp pháp lý.
Về người tiêu dùng, tâm lý “ham rẻ”, thiếu kỹ năng phân biệt hàng giả - hàng thật và sự thờ ơ trước vi phạm đang tiếp tay cho nạn hàng giả sinh sôi. Nhiều người sau khi bị lừa chọn cách im lặng vì sợ phiền phức hoặc không tin rằng hành vi đó có thể bị xử lý.
Về công nghệ và quản lý dữ liệu, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa rộng khắp. Các sàn thương mại điện tử cho phép cá nhân dễ dàng mở gian hàng mà không cần xác minh nghiêm ngặt nguồn gốc sản phẩm, trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả phát triển.
Giải pháp đồng bộ, phòng vệ toàn diện
Để đối phó hiệu quả với hàng giả, cần một chiến lược tổng thể, phân vai rõ ràng và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Trước hết, Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài, xử lý hình sự mạnh tay với các hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, nhất là hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hệ thống hậu kiểm cần được nâng cấp cả về pháp lý, năng lực chuyên môn và ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, cần chuyển hướng hậu kiểm từ nơi đăng ký sang nơi tiêu thụ thực tế, vì nhiều doanh nghiệp đăng ký một nơi nhưng tiêu thụ tại nhiều địa phương khác. Phải kiểm tra trực tiếp tại các kênh phân phối, cửa hàng, siêu thị, sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối... - tức là kiểm tra nơi hàng thật sự “chạm tay” người tiêu dùng. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng, bác sĩ, chuyên gia khi tham gia quảng bá sản phẩm. Việc phát ngôn sai lệch, không có căn cứ khoa học cần bị xử phạt nghiêm và công khai hóa để răn đe.
Các địa phương cần được trao quyền chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trên địa bàn. Cần hình thành các tổ công tác liên ngành tại cấp cơ sở, kết hợp giữa quản lý thị trường, y tế, công an, chính quyền và người dân.
Về phía doanh nghiệp, cần đầu tư công nghệ chống giả như mã QR, blockchain, truy xuất nguồn gốc điện tử; đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách bài bản; chủ động tố giác và khởi kiện hành vi xâm phạm thương hiệu; đồng thời truyền thông đến người tiêu dùng về cách nhận diện các sản phẩm chính hãng.
Người tiêu dùng cần được trang bị kỹ năng nhận diện hàng giả, và nâng cao tinh thần cảnh giác. Chúng ta không nên “ham rẻ để vô hình trung phải trả giá đắt”, mà cần thay đổi thói quen tiêu dùng: chỉ mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra thông tin sản phẩm qua ứng dụng di động, và dũng cảm phản ánh khi phát hiện hàng giả.
Xã hội và truyền thông đóng vai trò dẫn dắt thay đổi hành vi. Cần có các chiến dịch truyền thông công cộng mạnh mẽ, nhất là trên mạng xã hội, để cảnh báo rủi ro và xây dựng văn hóa tiêu dùng chính trực. Hàng thật phải được trân trọng, hàng giả phải bị đào thải.
Hàng giả không chỉ là sự đánh tráo sản phẩm, mà là sự đánh tráo niềm tin. Một xã hội mà người làm thật bị thua thiệt, kẻ làm giả lại sinh lợi dễ dàng sẽ đứng trước nguy cơ bất ổn sâu xa. Cuộc chiến chống hàng giả không thể chỉ trông chờ vào một vài cơ quan chức năng, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.
Chống hàng giả là bảo vệ sức khỏe, đạo đức và tương lai của quốc gia. Đã đến lúc không còn thờ ơ được nữa.
SOS: Hàng giả - tiếng kêu cứu của thị trường lương thiện.