Cả cuộc đời vì nước, vì dân
Theo nhà sử học Pháp Alain Ruscio, một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là suốt đời tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân không màng danh lợi.
Từ thuở nhỏ, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nung nấu ý chí cứu nước. Năm 1911, Người rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước với hành trang duy nhất là lòng yêu nước và khát vọng giành lại độc lập cho dân tộc. Trở lại Pháp với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người tham gia Đảng Xã hội, rồi trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tours năm 1920.
Nguyễn Ái Quốc nằm trong số ít đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp non trẻ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Người có nhiều bài viết trên báo L’Humanité về vấn đề thuộc địa và thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa (Union Intercoloniale), quy tụ các nhà hoạt động từ nhiều thuộc địa như Algeria, Guadeloupe, Martinique…
Theo báo cáo của chính quyền thời đó, Nguyễn Ái Quốc sống giản dị, khiêm tốn tại một căn phòng nhỏ ở ngõ Compoint, Paris. Người có tinh thần tự học hỏi cao, am hiểu nhiều lĩnh vực từ chính trị đến đời sống, thông thạo nhiều ngôn ngữ.
Ông Alain Ruscio nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phân biệt giữa nhân dân và chế độ thực dân Pháp, coi nhân dân Pháp là đồng minh trong cuộc đấu tranh chống lại hệ thống thuộc địa. Cuộc đấu tranh của Người trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức.
Người còn viết nhiều bài trên báo Le Paria – tờ báo duy nhất của các dân tộc thuộc địa – không chỉ đề cập đến Việt Nam mà còn phản ánh phong trào đấu tranh của người da đen ở Mỹ. Hình ảnh Nguyễn Ái Quốc gây ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người Pháp, nhất là giới trí thức, như một biểu tượng cho cuộc chiến chống bất công.
Pháp là nơi chứng kiến sự gặp gỡ giữa khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của Cách mạng Pháp 1789. Đây cũng là nơi Người tiếp thu các giá trị nhân văn tiến bộ của văn hóa Pháp.
Nhà sử học Alain Ruscio khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm, nhà dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành, suốt đời đấu tranh vì mục tiêu cao cả: độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người kiên định mục tiêu thống nhất đất nước – một ý chí được toàn dân quyết tâm thực hiện và đã thành hiện thực vào năm 1975. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức sáng ngời, hội tụ phẩm chất của một lãnh tụ thiên tài: vĩ đại mà gần gũi, giản dị, gắn bó với nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Người mong muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định Người “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội” và “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Hình mẫu của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng
Bảo tàng Lịch sử Sống thành lập năm 1939 nhân kỷ niệm 150 năm Cách mạng Pháp, ở thành phố Montreuil là địa danh duy nhất ở Pháp có bức tượng bán thân và “Không gian Hồ Chí Minh”, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh của Người. Bảo tàng tôn vinh các vĩ nhân từng để lại những dấu ấn lịch sử sâu đậm, có tác động và có sức ảnh hưởng to lớn đến thế giới. Với tấm lòng tôn kính vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, chính quyền thành phố Montreuil dành riêng một căn phòng để lưu giữ và trưng bày những hình ảnh, hiện vật quý về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ trong những năm tháng Người ở Pháp với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.
![]() |
Bảo tàng Lịch sử Sống lưu giữ những hình ảnh, hiện vật quý về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng ở Pháp. |
Trong căn phòng nhỏ chừng 10m2, một không gian đã được tái hiện giống như trước đây, khi Bác Hồ từng sống ở số 9 ngõ Compoint (quận 17 Paris) trong giai đoạn từ 1921-1923. Từ những phiên bản gốc như cánh cửa bằng gỗ và tấm biển ở căn nhà cũ, chiếc bồn lavabo trong căn phòng Người từng ở, đến những phiên bản minh họa viên gạch Bác thường dùng để sưởi khi đi ngủ trong mùa đông giá rét. Các đồ vật này được trưng bày theo đúng hiện trạng xưa kia trên nền bức tranh tường vẽ chiếc giường và bộ bàn ghế đơn sơ, giúp khách tham quan có thể tưởng tượng được Bác Hồ từng sống và làm việc như thế nào khi ở Pháp...
Bà Véronique Fau-Vincenti, Tiến sĩ lịch sử, phụ trách sưu tầm tại Bảo tàng Lịch sử Sống cho biết: “Không gian Hồ Chí Minh” là sự tri ân sâu sắc của bạn bè Pháp đối với Người. Nhằm gìn giữ ký ức lịch sử và những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trên hành trình cách mạng tại nước Pháp, ban lãnh đạo bảo tàng đã lựa chọn, tái hiện tinh thần ấy trong một không gian vừa mang tính tưởng niệm, vừa có giá trị giáo dục sâu sắc. Mỗi chi tiết, mỗi vật dụng trong gian phòng đều góp phần khắc họa sinh động chân dung một nhà cách mạng kiên cường, giản dị và sâu sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.
Là người từng chủ trì nhiều hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Jean-Pierre Brard - cựu Thị trưởng thành phố Montreuil, chia sẻ: Vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lịch sử của cả Việt Nam và lịch sử thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là một người có tầm ảnh hưởng lớn trong các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Theo ông Jean-Pierre Brard, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc kết nối và tăng cường tình đoàn kết quốc tế, đã dành nhiều tình cảm cho nước Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh có tinh thần đấu tranh không mệt mỏi, không chỉ vì Tổ quốc mà còn vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Những ảnh hưởng của Người vẫn còn giá trị đến ngày nay và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Tấm gương sáng cho cộng đồng người Việt tại Pháp
Đối với cộng đồng người Việt tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, sự hy sinh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước. Tấm gương đó là ngọn đuốc, nguồn cảm hứng vô cùng lớn cho kiều bào ở Pháp.
Là người đã khởi xướng phong trào người Việt yêu nước tại Pháp và tổ chức nên những tiền thân đầu tiên của Hội người Việt Nam tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam đến Pháp thời bấy giờ bằng hoạt động và tư tưởng của mình.
Những ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn giá trị đến ngày nay và tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ kiều bào, từ thế hệ thứ ba, thứ tư, và cả thanh niên sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp.
Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp bày tỏ: Tư tưởng của Bác Hồ về sự đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng và những nỗ lực của Người trong gìn giữ tình hữu nghị giữa nhân dân Pháp và Việt Nam là những tư tưởng lớn, nguồn cảm hứng lớn tiếp tục dẫn dắt các hoạt động và phong trào hiện nay của cộng đồng. Trong giai đoạn hòa bình và công cuộc đổi mới hiện nay, tư tưởng của Người vẫn là sự dẫn dắt cho hoạt động của bà con kiều bào hướng về quê hương và góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp và các hội đoàn người Việt có nhiệm vụ quan trọng trong việc gìn giữ những kỷ vật, dấu ấn, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thể hiện được sự gắn kết trong cộng đồng và là kim chỉ nam để cộng đồng hoạt động hướng về đất nước. Sự ủng hộ của bạn bè Pháp đối với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước của Việt Nam là di sản rất quý giá. Những cán bộ ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp có nhiệm vụ trọng tâm là gìn giữ và phát huy di sản đó cho đất nước, cộng đồng bà con và quan hệ Việt-Pháp.